Mục tiêu tăng trưởng 4 lần trong 4 năm (bình quân gần 40% mỗi năm) của FPT không quá tham vọng bởi dựa trên cơ sở đánh giá toàn bộ năng lực, khả năng mở rộng của hầu hết các đơn vị thành viên. Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh khẳng định với SGTT.
Nhân viên tư vấn giới thiệu tính năng sản phẩm đến các khách hàng tại một cửa hàng iStore do FPT làm đại lý phân phối chính thức tại Việt Nam. Chỉ có những sản phẩm chính hãng Apple được trưng bày và bán tại các cửa hàng, hệ thống phân phối iStore tại Vietnam và toàn cầu. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Ông Trương Đình Anh cho biết: “Trên thực tế, nhiều năm qua FPT đã từng đạt tốc độ gần gấp đôi mức trên. Tất nhiên, ở những quy mô khác nhau thì câu chuyện tăng trưởng sẽ phức tạp hơn. Nhưng với việc FPT hợp nhất lại các thành viên trong khối công nghệ sẽ tạo ra khả năng hợp lực rất lớn để chúng tôi huy động nguồn lực phát triển mũi nhọn”.
Mức tăng trưởng lợi nhuận các công ty trụ cột của FPT đều đạt dưới 20% trong năm qua, FPT làm thế nào để hiện thực hóa tham vọng của mình?
Ông Trương Đình Anh: Vừa qua chúng tôi đã tái định hướng lại chiến lược, theo hướng tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Chẳng hạn, về công nghệ, chúng tôi tiếp tục phát triển tích hợp hệ thống, phần mềm, các dự án công nghệ thông tin (CNTT) của Chính phủ. Về mảng thông tin, chúng tôi đầu tư rất mạnh vào nội dung số như báo điện tử, giải trí điện tử như game online. Liên quan đến viễn thông, trong nhiều năm qua chúng tôi kinh doanh viễn thông cố định, internet băng thông rộng, tích hợp ngày càng nhiều dịch vụ trên hệ thống của mình và thực tế trong nhiều năm qua, tăng trưởng khu vực này rất cao, lợi nhuận tốt, đóng góp 30% lợi nhuận của tập đoàn FPT…
Một trong những định hướng quan trọng của FPT là nhắm đến các dự án PPP – công tư hợp doanh - để phát triển các dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, điện tử xã hội có lợi nhuận hứa hẹn mà mang lại lợi ích cho cả ba bên: nhà nước – chưa sẵn sàng nguồn lực đầu tư; doanh nghiệp – có sẵn nhân lực, tài chính, công nghệ; và người dân – mong muốn những dịch vụ cao, giúp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí đi lại, phù hợp với khả năng chi trả của họ. Hiện nay chúng tôi tham gia nhiều dự án của bộ Tài chính liên quan đến lĩnh vực thuế, và sắp tới, nhiều dịch vụ như vậy sẽ được chúng tôi điện tử hóa, với tư cách như một đối tác của nhà nước. Ngay trong năm 2011 này, chúng tôi sẽ triển khai những dự án PPP đầu tiên, nhằm phát triển những không gian kinh doanh mới trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Chưa đầy 2 năm sau khi tách các công ty FPT Trading và FIS ra khỏi công ty mẹ thì nay FPT lại quyết định hợp nhất. Phải chăng FPT đang lúng túng trong chiến lược của mình, hay có vấn đề về nguồn lực, tài chính trước những biến động bất lợi của kinh tế trong nước và thế giới?
Trong bốn năm qua, biến động tài chính thế giới rất phức tạp, biến động kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng ảnh hưởng lớn đến các khu vực kinh doanh. Nhưng trên thực tế, FPT vẫn bước qua khủng hoảng đó với những thiệt hại rất tối thiểu. Dù không có lợi nhuận rất cao như trước khủng hoảng, nhưng chúng tôi vẫn bảo toàn được vốn, tạo ra sự tăng trưởng, tích lũy tài chính để đầu tư cho những dự án sắp tới.
Chúng tôi cũng quyết định thành lập một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là FPT Investment do FPT sở hữu 100% để quản lý toàn bộ phần vốn đầu tư của FPT tại ngân hàng Tiên Phong, công ty chứng khoán FPT (FPT Securities), công ty quản lý quỹ (FPT Capital), công ty bất động sản (FPT Land)… - những lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề kinh doanh cốt lõi của FPT với quan điểm sẽ không tăng khoản tài chính vào những lĩnh vực, ngành nghề này.
Kế hoạch mua lại EVN Telecom không thành, cơ hội kinh doanh di động – hứa hẹn tăng trưởng lớn – tạm khép lại có ảnh hưởng gì đến mục tiêu tăng trưởng cao của FPT không?
Chúng tôi thừa nhận nhiều năm nay đã tìm tất cả các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực viễn thông di động, trong đó có EVN Telecom. Tuy nhiên, sau bốn tháng huy động 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khảo sát thực trạng hoạt động của EVN Telecom, chúng tôi thấy có nhiều khác biệt so với bản chào thầu theo hướng khả năng sinh lời không cao, nên quyết định rút khỏi dự án và do vậy, mục tiêu tăng trưởng của FPT không bị ảnh hưởng.
Khoản tiền đặt cọc 708 tỷ đồng có khả năng thu về không, thưa ông?
Theo thỏa thuận chúng tôi ký kết với tập đoàn Điện lực (EVN), chúng tôi sẽ mua 60% cổ phần của EVN Telecom và các bên không được thay đổi điều khoản nào sau đó. Tuy nhiên, ngày 26.1.2011, Chính phủ đã ban hành quyết định chỉ cho phép EVN bán đến 49% cổ phần của EVN Telecom. Thêm nữa, theo quy định mới nhất của Chính phủ (ngày 6.4.2011), một nhà đầu tư không được sở hữu trên 20% ở hai doanh nghiệp viễn thông. Như vậy, về mặt pháp lý, thỏa thuận của chúng tôi với tập đoàn EVN đã bị vô hiệu. Do vậy, việc chúng tôi lấy lại tiền đặt cọc chỉ là vấn đề thủ tục.
Xin cảm ơn ông!
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 của FPT (tổ chức ngày 15.4) tại Hà Nội đã thông qua phương án tái cấu trúc công ty với chiến lược OneFPT. Theo đó, FPT sẽ phát hành thêm hơn 19,8 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 2.133 tỷ đồng, để hoán đổi lấy cổ phiếu của các cổ đông thiểu số của 3 công ty: FPT IS (công ty cổ phần hệ thống thông tin FPT), FPTS (phần mềm), FPT Trading (thương mại) nhằm sở hữu 100% vốn điều lệ của các công ty này. Đại hội cũng thông qua phương án trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt tổng cộng cho cả năm là 15%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của FPT năm 2010 đạt 6.584 đồng/CP. Đầu năm 2011, HĐQT FPT đặt kế hoạch EPS 7.700 đồng/cổ phần và sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt không dưới 1.500đ/cổ phiếu (15% trên mệnh giá). Với việc hợp nhất được phê duyệt và triển khai OneFPT, EPS dự kiến sẽ đạt trên 8.000đ. |
Thảo Nguyễn (thực hiện)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com