Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải loạt bài về những tranh chấp kinh tế giữa Cty Cp Vạn Niên và Cty Ciri với sự “vào cuộc” thiếu khách quan của một số cấp Tòa và bên Thi hành án (THA), ngày 22/4/2009 Tòa án kinh tế tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM – GĐT với nội dung hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 10 của TAND TP Hà Nội.
Cưỡng chế bất thành, các chấp hành viên THA quận Đống Đa phải bỏ cuộc ra về.
Vụ tranh chấp giữa 2 Cty trên ngày càng trở nên phức tạp, bắt đầu từ những phán quyết thiếu khách quan trong bản án số 03/2008/KDTM-ST của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, tiếp theo là sự vào cuộc gấp gáp của lực lượng THA quận. Đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi và Văn phòng Chính phủ đã phải 2 lần thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, yêu cầu xem xét lại vụ án. Tiếp theo kháng nghị quyết định đình chỉ xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 10/2008/QĐ-PT, ngày 22/4/2009 Tòa án kinh tế tối cao đã chính thức ra quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM – GĐT với nội dung hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nói trên. Chỉ tới lúc đó Thi hành án dân sự quận Đống Đa mới chịu ra quyết định 59/QĐ – THA để đình chỉ thi hành án. Mọi hồ sơ vụ án đã được giao cho Tòa Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bài học cho thấy, việc giải quyết thiếu công tâm của Toà án và Thi hành án dân sự các cấp đã gây lãng phí và khiếu kiện kéo dài, làm giảm niềm tin của người dân vào "Cán cân công lý", đồng thời để lại quá nhiều bức xúc cho Doanh nghiệp và dư luận. Cụ thể là:
1. Xuất phát từ những điều không bình thường khi Toà án ND quận Đống Đa thụ lý và xét xử bằng bản án có nhiều sai lệch về nội dung, tiếp đến là sự vào cuộc quá “nhanh chóng” của Thi hành án dân sự nhằm cưỡng chế thi hành án trong khoảng thời gian nhanh nhất. Sự nhiệt tình đó phải chăng nhằm đặt sự việc vào sự đã rồi để kết thúc một kịch bản (có thể đã được dàn dựng từ trước)!? Rất may là "bàn tay không che được mặt trời", DN đã kịp thời gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, kết hợp với sự vào cuộc của hàng loạt những cơ quan báo chí, truyền hình, Đài TNVN... nhằm truyền tải những thông tin, những tình tiết khách quan, chính xác về vụ án... nên những mưu đồ của ai đó đã kịp thời bị ngăn chặn.
2. Trên thực tế, Cty Ciri không vi phạm hợp đồng, nhưng lại bị kiện và xử ép. Trong nội dung Hợp đồng cam kết số 458/HĐCNQSDĐ giữa Cty CIRI và Vạn Niên có nêu rõ điều kiện và lộ trình thực hiện là sau khi CIRI nhận được GCNQSDĐ 2 bên sẽ tiến hành tiếp tục ký với nhau Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Tại Điều 5 QĐ số 3206/QĐ-UBND ngày 15/8/2007 của UBNDTP Hà Nội lại ghi rõ: “….. chỉ được thực hiện các quyền của người sử dụng đất sau khi nhận GCNQSDĐ và đầu tư vào đất theo đúng dự án được cơ quan NN có thẩm quyền xét duyệt”.Tuy nhiên, ngày 20/11/2007, trong khi Ciri chưa được giao GCNQSDĐ (Sở TNMT đã có văn bản xác nhận), thì Vạn Niên đã đơn phương khởi kiện với lý do CIRI đã vi phạm Hợp đồng cam kết và đã được Toà án ND quận Đống Đa thụ lý, xét xử, phán quyết thiếu khách quan. Mặt khác, trong khi CIRI tích cực gửi một loạt các văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường xin cấp GCNQSDĐ, thì Vạn Niên lại khởi kiện CIRI, đồng thời lại gửi nhiều văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường gây cản trở việc cấp GCNQSDĐ cho CIRi. Việc làm mâu thuẫn này đã đi ngược lại lợi ích của cả 2 bên khiến cho việc giải quyết ngày càng trở nên phức tạp.
3. Nội dung đơn kiện của Cty Vạn Niên ngày 20/11/2007 đề nghị “Toà án yêu cầu CIRI phải thực hiện đúng tiến độ thực hiện cam kết theo quy định tại Hợp đồng cam kết chuyển nhượng số 458/HĐCNQSDĐ”. Tuy nhiên, thay vì chỉ tuyên buộc CIRI phải thực hiện theo đúng hợp đồng cam kết mà 2 bên đã thoả thuận, phán quyết của Toà án ND quận Đống Đa tại bản án số 03 lại “bổ sung” thêm cả những điều khoản không có trong yêu cầu của đơn khởi kiện như: “Buộc CIRI phải tiến hành bàn giao đất cùng GCNQSDĐ cho Vạn Niên; Vạn Niên được sử dụng toàn bộ diện tích lô đất đang tranh chấp”. Như vậy, việc vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của Toà án đã vi phạm Khoản 1 Điều 5 BLTTDS như sau: “……Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Nguyên đơn kiện A, nhưng Tòa án đã bỏ qua sự kiện, vượt quá yêu cầu khởi kiện và tuyên A thêm X. Đến lượt THA lại bỏ qua A để rồi chỉ xử X... |
4. Tiếp theo là giai đoạn thi hành án. Đáng ra THA phải phải thực hiện đúng, đủ những phán quyết của Toà án trong Bản án, thế nhưng Thi hành án dân sự Đống Đa (THADSĐĐ) lại chỉ “nhằm vào” những phần có lợi nhất cho Vạn Niên bằng một loạt những thông báo, quyết định cưỡng chế vội vàng với nội dung chỉ buộc CIRI giao đất và GCNQSDĐ cho Vạn Niên.
Sự vội vàng thực hiện cưỡng chế thi hành án ở đây có bình thường hay không, trong khi chính tại THADSĐĐ số lượng án tồn đọng chưa được giải quyết tính đến cuối năm 2008 là hơn 1.900 vụ, việc. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, có hay không những động lực thúc đẩy việc cưỡng chế THA gấp gáp trong vụ án kinh tế này? Đấy là chưa kể tới việc THADSĐĐ còn phớt lờ công văn đề nghị hoãn thi hành án ngày 07/7/2008 của Chánh án TANDTPHN. Ngoài ra, Cục THADS Bộ tư pháp phớt lờ văn bản kháng nghị của Toà án ND Tối cao vẫn chỉ đạo THADSĐĐ tiếp tục thực hiện, khiến sự việc trở nên căng thẳng kéo dài và thêm phần phức tạp…
Rõ ràng là một bản án kinh tế có nhiều sai phạm về mặt nội dung, nhưng vẫn được cố gắng thi hành với nhiều tình tiết không bình thường, kể cả khi bản án đó đã bị tạm đình chỉ. Trong khi phần nội dung quyết định bản chất của vụ án không được xem xét kỹ lưỡng, thì nếu ai đó chỉ dựa vào hình thức tố tụng để cố tình thực hiện theo kịch bản được dàn dựng từ trước là một việc làm không thể chấp nhận. Doanh nghiệp bất bình, dư luận bức xúc mất lòng tin trước thực tế môi trường xã hội đang bị nạn tham nhũng, tiêu cực làm vẩn đục và biến chất, phải sớm nhận biết, đấu tranh và loại trừ những kịch bản không trong sáng. Trách nhiệm này không của riêng ai!
*Báo cáo thi hành án dân sự tháng 10/2008 của quận Đống Đa cho biết, từ 1/10 đến 30/10/2008 còn tồn 1.958 vụ việc tồn đọng trong cưỡng chế THA, trong đó hình sự là 1.639 vụ; dân sự - kinh tế là 234 vụ và hôn nhân gia đình là 85 vụ…
(Theo Quang Anh // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com