Ngày7-8-2008, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc ngân hàng Hàng Hải đã đi thăm nhà xưởng, máy móc của Công ty Bông Bạch Tuyết (BBT) và quyết định sẽ cho BBT vay thêm tiền để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT đã từ chối lời đề nghị này.
Theo ông Tuấn, sở dĩ ngân hàng Hàng Hải có quyết định này vì nhận thấy cơ sở vật chất của BBT còn rất tốt, cơ ngơi nhà xưởng đến 16.000 mét vuông tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc và khu đất dự tính xây bệnh viện tại đường Âu Cơ, quận Tân Bình cũng nằm ở vị trí thuận lợi. Đồng thời thương hiệu BBT cũng đã có từ lâu, rất uy tín với sản phẩm bông y tế.
Nhưng theo ông Thọ, với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, cộng với những khoản nợ còn tồn đọng thì giải pháp này chỉ mang tính chất “kéo dài cái chết” của BBT, vì dù cố sản xuất và kinh doanh tốt đến mấy thì việc trả lãi suất ngân hàng và tạo ra cổ tức cho cổ đông cũng là một điều không thể làm được trong giai đoạn này.
Ông Thọ cũng giữ nguyên ý kiến của mình ngay từ đại hội cổ đông ngày 14-7 là sẽ tiếp tục thuyết phục Công ty dệt may Gia Định, cổ đông nắm giữ 30% vốn nhà nước tại BBT thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 150 tỉ đồng. Và theo ông Thọ thì “đây là giải pháp căn cơ và duy nhất để cứu BBT trong thời gian này".
Nhưng nếu Dệt may Gia Định vẫn không thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn, thì tuần sau ông Thọ sẽ làm việc với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để tiếp tục tìm hướng ra cho BBT, ông Thọ cho biết.
DATC thuộc Bộ Tài chính có chức năng mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất) bằng các hình thức thỏa thuận trực tiếp, đấu giá hoặc theo chỉ định.
Trên sàn giao dịch, cột dư mua của BBT tiếp tục trống trơn, giá giảm kịch trần, hiện đang dừng ở mức 6.300 đồng/cổ phiếu.
(Theo TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com