Công ty Cổ phần bông Bạch Tuyết (BBT) đứng trước nguy cơ bị phát mãi tài sản để trả nợ đang khiến cổ đông lo lắng. Và những khả năng có thể xảy ra với BBT đang được các chuyên gia tính đến.
Theo luật, trường hợp BBT không trả hết nợ được và tuyên bố phá sản, toàn bộ tài sản của công ty sẽ được thanh lý và thanh toán cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên.
Cụ thể, tiền thanh lý tài sản sẽ được dùng để trả cho các chi phí pháp lý liên quan tới quá trình tuyên bố phá sản. Ưu tiên thứ hai thuộc về người lao động, họ sẽ được nhận lương cùng các khoản trợ cấp xã hội khác mà doanh nghiệp còn thiếu. Tiếp đến, nợ ngân sách nhà nước, nợ ngân hàng cũng phải được thanh toán. Đối tượng tiếp theo là các chủ nợ khác của công ty, chẳng hạn như người nắm trái phiếu. Và cuối cùng phần tài sản còn lại được chia cho các cổ đông, người nắm cổ phiếu BBT.
Như vậy các cổ đông là người chịu rủi ro cao nhất nếu công ty này phá sản. Trên lý thuyết, thậm chí có khả năng họ không nhận được gì nếu tiền thanh lý chỉ đủ trả các khoản nợ đứng trước về thứ tự ưu tiên.
Theo ông Lê Nhị Năng, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Hose), trước đây tại Hose chưa có tiền lệ nào như BBT.
Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty chứng khoán tại TP Hồ Chí Minh, nếu công ty phá sản chắc chắn cổ phiếu BBT sẽ bị hủy niêm yết và không còn giá trị. Trường hợp BBT sau khi thanh lý tài sản và trả hết nợ và không phải tuyên bố phá sản còn "nhạy cảm" hơn.
Theo luật chứng khoán và quy chế niêm yết của Hose, nếu các số liệu và hoạt động của công ty đảm bảo các yêu cầu niêm yết của Hose và SSC, công ty này vẫn niêm yết và giao dịch bình thường.
Tuy nhiên, BBT sẽ bị hủy niêm yết nếu sau khi phát mãi tài sản mà công ty phải ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong vòng 1 năm; hoặc tiếp tục lỗ trong năm thứ ba liên tục và tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất.
Trong các trường hợp Sở Giao dịch Chứng khoán thấy cần thiết bảo vệ quyền lợi của người đầu tư và sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), sở cũng có thể áp dụng biện pháp hủy niêm yết với BBT. Bên cạnh đó, công ty này có thể xin hủy niêm yết nếu trên 65% cổ đông đồng ý trực tiếp tại đại hội cổ đông, hoặc 75% đồng ý qua văn bản với việc này.
Theo vị giám đốc trên, sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu của công ty có thể sẽ được giao dịch trong "sân chơi" OTC.
Ông Lưu Trung Dũng, Sáng lập viên Công ty Đào tạo Đầu tư DoBF, cho biết thông thường một công ty đứng trước nguy cơ phá sản do không trả nợ được ngân hàng thì để cứu công ty có khả năng sẽ có hiệp thương giữa ngân hàng và Chủ sở hữu (gồm hội đồng quản trị).
Từ hội nghị này, có thể có các khả năng ngân hàng chấp nhận không đòi nợ mà đàm phán với chủ sở hữu của công ty để trở thành một cổ đông của công ty. Ngoài ra, ngân hàng có thể bán nợ cho một công ty hoặc một tổ chức khác để công ty tổ chức này đứng ra tiếp quản khoản nợ trên.
Hội nghị giữa chủ nợ của công ty cùng với các cổ đông cũng có thể đưa ra quyết định bán công ty cho một bên thứ ba. Giải pháp này đã từng được áp dụng với công ty Cheerfield Vina, khi một cá nhân đã mua công ty với với giá 1 đôla và gánh luôn khoản nợ 34 tỷ đồng.
Một khả năng khác có thể xảy ra là BBT tổ chức đại hội cổ đông bất thường từ đó phương án tăng vốn điều lệ để trả nợ được chấp thuận. Công ty huy động đủ nguồn tài chính để trả nợ, và tránh được nguy cơ phá sản.
Một nhà đầu tư đang nắm BBT tỏ ra rất bi quan. Anh cho biết, để tự làm mình thanh thản, anh xác định số tiền đầu tư vào BBT đã mất trắng. Nhà đầu tư này hiện chỉ mong công ty sớm tổ chức đại hội cổ đông bất thường để biết biện pháp xử lý.
Anh rất mong công ty có thể thông qua phương án phát hành cổ phiếu từ đó vực doanh nghiệp này qua khó khăn. Hoặc giả sử công ty có phá sản thì anh cũng muốn được biết người nắm cổ phiếu thường như anh và cổ phiếu ưu đãi cổ tức cũng như quyền biểu quyết sẽ phân chia quyền lợi ra sao.
Khả năng thanh khoản của BBT hiện là cực thấp nên cổ đông muốn bán cũng bán không nổi. Phiên ngày 1/8, chỉ có 60 cổ phiếu được sang tên. Vào thời kỳ sôi động nhất, tháng 3/2007, lượng giao dịch của BBT lên tới gần nửa triệu đơn vị. Mã này hiện chỉ còn 6.300 đồng một đơn vị trong khi tại đỉnh BBT từng được mua bán với giá khoảng 29.000 một đơn vị.
Tính đến ngày 29/7, tổng dư nợ của BBT tại Maritime Bank đã lên tới 21 tỷ đồng. Dư nợ gốc đã quá hạn gần 6,4 tỷ đồng, nợ lãi đến hạn phải trả trong kỳ tháng 7 khoảng 318 triệu đồng. Lãi suất áp dụng cho dư nợ quá hạn sẽ cao gấp rưỡi lãi suất cho dư nợ trong hạn.
Trong vòng 7 ngày kể từ 29/7, nếu BBT không thể trả số tiền vay quá hạn và có phương án khả thi để trả nợ, Maritime Bank sẽ khởi kiện và tiến hành thủ tục phát mãi tài sản thế chấp thu hồi nợ vay theo quy định.
(Nguồn: Xuân Hòa - vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com