Ngày 29/7, Ngân hàng Hàng hải Chi nhánh Cộng hòa (MBCH) đã gửi Công văn số 237/2008/VH-CH yêu cầu CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra công văn "phải có kế hoạch thu xếp trả nợ cho Ngân hàng". Quá thời gian trên, MBCH sẽ xem xét việc khởi kiện BBT ra tòa án để phát mại tài sản của BBT nhằm thu hồi vốn của Ngân hàng theo luật định. Theo nội dung công văn, tổng dư nợ của BBT tại MBCH tính đến ngày 29/7 là 21,432 tỷ đồng trong đó nợ gốc đã quá hạn là 6,398 tỷ đồng.
Ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT cho biết, tài sản BBT thế chấp tại MBCH gồm toàn bộ đất đai và máy móc nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (gồm 16.000 m2 thuê từ năm 2002 thời hạn 50 năm với giá thuê 35 USD/m2 đã trả tiền một lần, dây chuyền sản xuất bông trị giá 29 tỷ đồng và dây chuyền băng vệ sinh trị giá 32 tỷ đồng - tính tại thời điểm đầu tư).
Ngoài khu đất và nhà xưởng tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, tài sản của Bông Bạch Tuyết hiện chỉ còn mặt bằng văn phòng đang sử dụng và 5.000 m2 đất ở đường Âu Cơ. Cũng theo ông Thọ, thời điểm hiện tại BBT còn một số khoản vay khác: vay Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Gò Vấp 4,945 tỷ đồng; vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Trường Sơn 1,924 tỷ đồng; vay tín chấp CTCP Bibica 5 tỷ đồng; vay tín chấp Công ty Xăng dầu Phong Quân 1,31 tỷ đồng; vay cá nhân 1,319 tỷ đồng… Trao đổi với ĐTCK, một đại diện của MBCH bày tỏ, Ngân hàng là định chế tài chính chuyên nghiệp, cho doanh nghiệp vay vốn hướng mục đích phát triển của cả hai. MBCH hiểu rõ tình trạng tài chính và nội bộ tại BBT. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phải bảo toàn nguồn vốn, MBCH buộc phải ra công văn gửi BBT với đề nghị khá mềm dẻo "yêu cầu BBT có phương án trả nợ trong thời hạn 7 ngày".
Đây là lần đầu tiên một công ty niêm yết đứng trước nguy cơ bị phát mại gần hết tài sản. Nhằm tìm hiểu vấn đề này, ĐTCK đã trao đổi với ông Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. HCM. Ông Nghiêm cho biết: "Trong trường hợp các công ty lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính mất khả năng chi trả như BBT, các chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án thụ lý vụ việc, tuyên bố công ty phá sản theo Luật Phá sản doanh nghiệp. Thời gian từ lúc chủ nợ bắt đầu yêu cầu tòa án giải quyết thụ lý vụ việc đến khi phát mại tài sản theo luật phá sản là 6 tháng, nhưng trên thực tế phải kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm qua cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Thang phân chia tài sản theo theo thứ tự ưu tiên như sau: các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản của doanh nghiệp; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; các khoản nợ thuế; các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ, sau cùng mới đến các cổ đông. Trong trường hợp BBT có nhiều chủ nợ, sau khi thực hiện các khoản ưu tiên, phần tài sản còn lại sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ tương ứng. Về các khoản thế chấp của BBT tại MBCH, 16.000 m2 đất Công ty thuê của Nhà nước, Ngân hàng không thể đơn phương giải quyết mà phải được sự đồng ý của Sở Tài nguyên Môi trường và UBND TP. HCM chấp thuận chuyển nhượng cho người sử dụng mới. Giá thỏa thuận với người thuê mới sẽ là cơ sở để xác định giá trị bất động sản của BBT".
Như vậy, việc ngân hàng phát mại tài sản của BBT, nếu có, sẽ mất thời gian khá dài để giải quyết các vấn đề tố tụng theo luật. Nếu việc này xảy ra, 30% vốn Nhà nước tại BBT cũng sẽ bình đẳng như các cổ đông hiện tại, nằm trong nấc cuối của việc phân chia tài sản còn lại mà theo lời ông Nghiêm "thường là không còn gì". Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký hiệp hội các NĐT tài chính (VAFI) nêu quan điểm: "Cần phải tìm lối ra cho Công ty. Trường hợp BBT, ngành nghề không có gì đặc biệt thì đại diện Nhà nước nên thực hiện việc thoái vốn, ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển an sinh xã hội khác cấp bách hơn. Nếu Bông Bạch Tuyết phá sản thì phần vốn Nhà nước cũng mất, khi đó cần làm rõ trách nhiệm của những người đại diện phần vốn này trước pháp luật".
Ông Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế TP. HCM đặt vấn đề: "BBT trên bờ vực phá sản với tình trạng kiệt quệ về tài chính, mất khả năng chi trả. Nếu ngân hàng nhất quyết yêu cầu phát mại tài sản, Công ty tuyên bố phá sản, phải xem liệu số tiền thu được có đủ trả nợ hay không?". Theo ông Chí, ở nước ngoài có nhiều trường hợp tương tự, khi phát mại tài sản các chủ nợ chưa chắc đã thu hồi đủ vốn, nên họ cùng DN đồng thuận hướng tới mục tiêu chung phát triển công ty. Hai bên sẽ đàm phán chuyển các khoản nợ thành vốn cổ phần. Chẳng hạn các khoản nợ được chuyển đổi thành cổ phiếu sau thời gian 1-2 năm với tỷ lệ đàm phán tương tự hình thức trái phiếu chuyển đổi. Trong thời gian đó, chủ nợ có thể giám sát quá trình tái cấu trúc lại công ty.
Tuy nhiên, đề cập đến phương án ông Chí nêu, ông Tạ Xuân Thọ tỏ ra phân vân: vấn đề của BBT là nợ quá nhiều và thiếu vốn lưu động. Trong buổi làm việc ngày 29/7 do đại diện của UBND TP. HCM chủ trì, phía Dệt May Gia Định cũng đề xuất cho BBT vay 10 tỷ đồng kèm một số điều kiện, nhưng số tiền đó với BBT giờ chỉ như muối bỏ bể. Để tái cấu trúc, Công ty cần phải dứt điểm công nợ và tìm được nguồn vốn lưu động.
( Theo ĐTCK-online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com