Hoạt động buôn bán người đang diễn biến phức tạp. Trao đổi với bà Lê Thị Hà - Phó Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.
Các cô gái được giải thoát về quê tại điểm massage Tân Hoàng Phát - TPHCM năm 2008. Ảnh: Hữu Vinh. |
Bà Lê Thị Hà cho biết: Hiện, tội phạm buôn bán người không chỉ tập trung vào phụ nữ và trẻ em, mà còn buôn bán cả đàn ông. Việc này xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, các đường dây buôn người đã lừa hàng chục thanh niên, sau đó bán cho các chủ lò gạch hoặc các chủ khai thác quặng ở Trung Quốc.
Được biết, việc lừa gạt phụ nữ và trẻ em để bán dâm vẫn đang xảy ra nhức nhối ở nhiều địa phương?
Tình trạng lừa gạt, dụ dỗ, trẻ em và phụ nữ vào các nhà hàng, khách sạn hoặc làm việc tại các khu du lịch, bãi biển... để bán dâm đang diễn ra nhức nhối. Tình trạng môi giới chọn vợ, xem mặt vẫn thường xuyên xảy ra. Trong 2009, TP Hồ Chí Minh đã xử lý 6 vụ môi giới, chọn xem mặt. Khách hàng chủ yếu là người Hàn Quốc và Đài Loan. Theo đó, đã giải thoát 350 phụ nữ.
Các đối tượng buôn bán người thường sử dụng thủ đoạn nào?
Đối tượng buôn bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thích ăn chơi, lười lao động của một bộ phận thanh niên hiện nay để dụ dỗ vào các dường dây buôn bán người. Chúng còn lợi dụng các kẽ hở pháp luật trong việc kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi... để đưa người qua biên giới trái phép.
Các đối tượng dễ bị lợi dụng thường là các cô gái ở nông thôn, có trình độ thấp, thu nhập bấp bênh…
Hiện, có bao nhiêu điểm nóng về buôn bán người, thưa bà?
Các đường dây buôn bán người qua biên giới thường hoạt động ở các tỉnh vùng biên. Chúng thường đưa người từ Việt Nam sang Campuchia rồi bán qua Thái Lan; từ Việt Nam sang Lào rồi bán sang Thái Lan; từ Việt Nam sang Trung Quốc... Các điểm nóng buôn bán người ở miền Bắc là cửa khẩu Lào Cai; Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị (Lạng Sơn). Tại miền Nam, chủ yếu xảy ra ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Châu Đốc (An Giang)...
Bà có thể cho biết, đến thời điểm này đã có bao nhiêu nạn nhân được tiếp nhận, hỗ trợ để tái hoà nhập cộng đồng?
Cho đến thời điểm này, cả nước tiếp nhận hơn 2.900 nạn nhân buôn bán người từ nước ngoài trở về. Trong đó, có khoảng 60% nạn nhân tự trở về; 25% nạn nhân được giải cứu; 15% nạn nhân được tiếp nhận chính thức.
Các nạn nhân này sau khi về nước được cung cấp nơi ăn, ở tạm thời, được tư vấn tâm lý xã hội. Với các nạn nhân bị ốm đau, sức khỏe có vấn đề, được hỗ trợ chữa trị ban đầu, được trợ cấp tiền tàu xe về địa phương.
Ngoài ra, các nạn nhân buôn bán người còn được hỗ trợ về pháp lý như làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư, giấy khai sinh, hỗ trợ việc làm, học văn hóa.
(Theo Phong Cầm // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com