Ngày 14-9, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ mua bán 312.000 điện kế điện tử giả nhãn mác xuất xứ (còn gọi là vụ “Điện kế điện tử”) đã kết thúc. Trong vụ án này, có 12/17 bị cáo làm đơn kháng cáo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực TPHCM cũng có công văn gửi tòa án cấp phúc thẩm đề nghị xem xét giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Điện lực TPHCM.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM), Lê Văn Hoàng (nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) và 5 bị cáo nguyên là cán bộ cấp dưới đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm như: làm trái với những đề xuất đấu thầu mua ĐKĐT của mình đã được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phê duyệt, tự ý hạ gói thầu từ 40.000 chiếc ĐKĐT xuống còn 10.000 chiếc ĐKĐT, nâng đơn giá mua ĐKĐT từ 340.000 đồng/chiếc lên 580.000 đồng/chiếc; mặc dù hồ sơ dự thầu của Công ty Linkton – Singapore thiếu các điều kiện bắt buộc (giấy phép kinh doanh không có ngành nghề sản xuất ĐKĐT, không đủ tài liệu chứng minh năng lực tài chính, nhà thầu có quốc tịch nước ngoài nhưng lại chào giá đến kho…) nhưng các bị cáo không loại nhà thầu này ngay từ đầu mà lại xét cho trúng thầu.
Lê Minh Hoàng (trái) và Lê Văn Hoành nghe tòa tuyên án phúc thẩm ngày 14-9-2009 |
Sau đó, từ tháng 2-2004 đến tháng 12-2004, các bị cáo ký tiếp 13 hợp đồng mua trực tiếp 302.000 chiếc ĐKĐT của Công ty Linkton – Singapore không qua đấu thầu, không đánh giá năng lực của nhà thầu, nhiều hợp đồng thiếu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn cho qua, ĐKĐT xuất xứ từ Singapore nhưng lại chấp nhận thanh toán bằng hóa đơn GTGT do Công ty Linkton – Vina phát hành…
Việc làm này của các bị cáo đã dẫn đến việc Công ty Điện lực TPHCM phải mua và đưa vào sử dụng 312.000 chiếc ĐKĐT giả nguồn gốc xuất xứ, phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự. 5 bị cáo còn lại, nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina, đã phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo khoản 3 Điều 156 Bộ luật Hình sự khi đã tham gia mua linh kiện từ Trung Quốc, sau đó tổ chức sản xuất, lắp ráp 312.000 chiếc ĐKĐT tại 43 E F Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận nhưng lại dán nhãn mác Linkton – Singapore để giao cho Công ty Điện lực TPHCM.
Trong nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty Điện lực TPHCM, hội đồng xét xử chỉ chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt cho 3 bị cáo do xét các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới là gia đình có công với cách mạng và đóng vai trò có phần hạn chế trong vụ án.
Bị cáo Lê Minh Hoàng bị bác kháng cáo do là người có chức vụ cao nhất tại Công ty Điện lực TPHCM, vả lại trong vụ án này, các tình tiết giảm nhẹ cũng đã được tòa án cấp sơ thẩm xem xét. Tương tự, 3 bị cáo khác bị bác kháng cáo do không có tình tiết giảm nhẹ mới, bản án sơ thẩm đã tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra.
Trong nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina, hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt cho Trần Thị Liên và Trần Công Điền vì các bị cáo này sau phiên xử sơ thẩm đã nộp 50 triệu đồng tiền phạt, thể hiện thái độ thành khẩn ăn năn. 3 bị cáo còn lại do không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không được giảm án.
Về thiệt hại của vụ án: Theo bản án sơ thẩm, chi phí khắc phục lỗi và hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa 312.000 chiếc ĐKĐT vào sử dụng lại là hơn 8,1 tỷ đồng. Tuy nhiên tại phiên xử phúc thẩm, đại diện tổ chức giám định và đại diện Công ty Điện lực TPHCM xác định tổng thiệt hại của vụ án là 7.993.203.842 đồng.
Các bị cáo bị tuyên y án: Lê Minh Hoàng 4 năm tù giam, Phạm Kim Hưng (nguyên Trưởng Phòng Tài chính Kế toán Công ty Điện lực TPHCM) 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Ngọc Hồ (nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TPHCM) 3 năm 6 tháng tù giam; Thái Minh Dương (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Trọng Hiếu (Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Linkton Vina); Đặng Thị Kim Liên (Kế toán trưởng Công ty Linkton - Vina); Phan Hữu Quang (Quản đốc phân xưởng sản xuất, lắp táp ĐKĐT Công ty Linkton – Vina) mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Các bị cáo được giảm án: Lê Văn Hoành từ 4 năm 6 tháng xuống 3 năm 6 tháng; Lê Ngô Hữu Thiện Tâm (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu Công ty Điện lực TPHCM) từ 3 năm 6 tháng tù giam xuống 3 năm tù giam; Lê Văn Tinh (nguyên Trưởng Phòng Vật tư Công ty Điện lực TPHCM) từ 3 năm 6 tháng tù giam xuống 3 năm tù giam cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Thị Liên (Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Linkton - Vina) 3 năm 6 tháng tù xuống 3 năm tù; Trần Công Điền (Phó Tổng giám đốc Công ty Linkton - Vina) từ 3 năm 6 tháng tù xuống 3 năm tù cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. |
(Theo ÁI CHÂN // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com