Thành lập công ty Đông Nam dược, mở trường võ thuật, hoạt động từ thiện, hoạt động nghệ thuật… đã biến ông thành một ngôi sao, báo chí hết lời ca ngợi. Ông còn đi vào tiểu thuyết, phim ảnh. Những danh hiệu vinh dự của Nhà nước, ông đều có hầu hết : Huân chương Lao Động (cho Tập đoàn), Bằng khen Thủ tướng, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn, Giải thưởng chân dung Bạch Thái Bưởi, Cúp và danh hiệu Doanh nhân Tâm - Tài lần thứ nhất, hàng loạt huy chương Vì sự nghiệp các ngành y tế, chữ thập đỏ, thể thao…
Ngoài nguyên mẫu của tiểu thuyết Nợ đời của tác giả Hoàng Dự; ông còn là tác giả của hai tập thơ Tình quê, Lửa tình mà Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cũng tấm tắc ngợi khen tài.
Báo chí - một phương tiện thông tin có trách nhiệm trước xã hội và không ít khi vô trách nhiệm, thường có nhiều ý kiến trái chiều nhau, nhưng khi viết về ông Khai thường thống nhất: một lòng ca ngợi. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm trong một bài báo Giải mã hiện tượng Nguyễn Hữu Khai viết:
“Trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trên khắp các miền quê càng ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu, nhiều con người Việt Nam lập những kỳ tích được đông đảo công chúng tín nhiệm, mến mộ. Lương y, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai với sức phát triển của Tập đoàn Y dược Bảo Long được các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên giới thiệu, ngợi ca như một hiện tượng đặc sắc của mẫu người Việt Nam bình thường đã biết vượt qua muôn vàn khó khăn, vượt qua những giới hạn của sức chịu đựng, của học vấn, những rào cản của lề thói đố kỵ, ích kỷ, hẹp hòi, vươn lên gây dựng cơ nghiệp và tự hoàn thiện mình bằng ý chí học tập rèn luyện phi thường, bằng sức làm việc sáng tạo liên tục và bằng cả lòng nhân ái cao đẹp”.
Một báo khác còn khẳng định mạnh mẽ hơn:
“Giữa vùng quê Xứ Đoài - Hà Nội, nơi địa linh nhân kiệt ngời sáng một tấm gương về lòng nhân đức, từ bi bác ái của người thầy thuốc ưu tú để rồi từ đó nhiều số phận éo le, khổ đau, bất hạnh được ông cưu mang, cứu giúp như được tái sinh và những câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại được hình thành”…
Tập đoàn Y Dược Bảo Long là một tập đoàn từng được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, nhiều sản phẩm của tập đoàn được bầu là Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Khai, ông chủ của Tập đoàn này là ai?
Là người quan hệ rộng, cởi mở với báo chí, ông từng kể về cuộc đời mình một cách tóm tắt Nợ đời trả mãi chưa xong, Leo bao nhiêu núi vẫn mong cứu người.
Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952 tại thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Khi ông là sinh viên ĐH Kiến trúc, người em gái đau mắt nặng có nguy cơ bị mù. Dường như đây là món nợ đời thứ nhất. Ông bỏ học, đi tìm thuốc cho em. Và không biết cơn cớ gì, đã hướng bàn chân ông di về phía Trung Quốc. Hồi đó vượt biên trái phép bị coi gần với tội phản quốc. Ông về nước năm 1979, lúc bắt đầu xảy ra chiến tranh biên giới giữa hai nước. Và ông bị bắt, bị tù từ Lạng Sơn đến Hỏa Lò từ đó đến năm 1982.
Ra tù, ông về quê, chữa được khỏi mắt cho em gái, khiến tiếng lành đồn xa. Ông bắt đầu sự nghiệp chữa bệnh cho người nghèo. Vì chủ yếu là làm phúc nên nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều, đến nỗi phải bán cả giường tủ. Là một người gan góc, ông vừa phải chở đá thuê cho lò vôi, vừa miệt mài đọc sách thuốc.
Năm 1984 bỏ vào Tây Nam Bộ kiếm sống. Năm 1986, ông cùng Hội Chữ Thập đỏ Quận 5 mở phòng mạch. Ông chế thuốc bán, vừa mãi võ, vừa bán thuốc. Nhưng như thế là tranh giành thị phần nên đã nhiều phen bị đầu gấu tìm đánh…
Chuyện đời, chuyện làm ăn lận đận, thành công có, phức tạp có. Chuyện tình duyên, hôn nhân cũng vậy. Ông có tới bốn vợ. Người vợ tao khang ở quê nhà có với nhau hai mặt con thì bỏ. Người vợ thứ hai là người Hoa, con một chủ hiệu thuốc, xinh đẹp, yêu thương và giúp ông nhiều trong công việc kinh doanh, có với nhau một con thì chẳng may mất sớm. Người vợ thứ ba là một học trò; lấy nhau vì nghĩa, bỏ nhau vì lợi. Người vợ thứ tư là một nhân viên.
Ông Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét về ông Khai như sau: “Anh bạn này đến lạ, cái gì cũng đam mê: từ bắt mạch kê đơn châm cứu, múa võ trường đao đoản kiếm, khai phá đồn điền, kinh doanh sản xuất, viết sách viết báo và làm thơ. Lạ hơn nữa, Khai không làm việc gì mà không vắt kiệt sức mình, không hết lòng. Người thế thì lận đận là phải, đèo bòng đa mang chữ tình là phải”.
Không biết ông Thông đã nói hết về duyên, về sự tạo nghiệp theo cách nói của nhà Phật hay chưa, nhưng rõ ràng cuộc đời của ông Khai là cuộc đời không bình thường, bằng lặng như số đông mong muốn. Và có thể ngay cả bậc sinh thành của ông Khai, ngay cả chính ông Khai, cũng không mong muốn…
Bí ẩn Nguyễn Trường Sơn
Nếu ông Khai và công ty của ông nổi tiếng như nhau, thì Khách sạn Bảo Sơn, Thiên đường Bảo Sơn lại nổi tiếng hơn ông chủ của nó là Nguyễn Trường Sơn rất nhiều.
Ở Hà Nội có ba đường Láng. Láng Thượng từ Ngã Tư Sở men sông Tô Lịch qua làng Láng thơm rau về Cầu Giấy ô hoa. Láng Hạ nối Láng Thượng - Giảng Võ. Khuất lấp, lầy lội nhất là Láng Trung, nơi chỉ có Trường đào tạo cán bộ Phụ nữ và Ký túc xá ĐH Giao thông. Láng Trung lổn nhổn ổ voi, ổ gà ấy thuở chưa thành đường Nguyễn Chí Thanh, con đường đẹp nhất Việt Nam sau này, thì đã mọc lên Khách sạn Bảo Sơn, ở thụt vào trong. Người thì bảo thằng cha nào lại đặt khách sạn vào cái chỗ xấu xí thế. Người thì bảo, ông ta nhìn xa đấy, nhất định đường sẽ quy hoạch và mở sát khách sạn cho mà xem. Thực tế, ý kiến thứ hai đã đúng. Nhiều người nghi hoặc, không biết có ai đứng sau Bảo Sơn?
Vào năm 1995, Khách sạn Bảo Sơn bốn sao mang đẳng cấp quốc tế khai trương, là nơi tổ chức nhiều hoạt động quốc gia, quốc tế.
Lúc ấy và cho đến gần đây, nhiều người Hà Nội vẫn không biết Nguyễn Trường Sơn là ai, khi ông đã có thêm Thiên đường Bảo Sơn ở An Khánh, Hoài Đức, một “thiên đường ” du lịch 34 ha trên đất Hà Nội.
Có lẽ năm nay là năm “nổi tiếng” của ông Sơn. Ngày 20,21/4/2011, Tòa án Hà Nội xử vụ ly hôn giữa con gái đầu của ông là Nguyễn Thanh Thủy với Bùi Văn Minh. Báo chí gọi đó là Vụ ly hôn 10 nghìn tỉ vì tại phiên tòa đó, ông Minh đánh giá tài sản của Tập đoàn Bảo Sơn là 10 nghìn tỉ đồng (tương đương 500 triệu đô la) chưa kể cổ phần ở 7 công ty khác và đòi phân chia tài sản. Tòa không chấp nhận vì trong đó chỉ có cổ phần mang tên Thủy trước khi kết hôn.
Tháng 9 này, với ông Sơn là thương vụ Bảo Long hàng mấy trăm tỉ đồng như ở bài trước chúng tôi đã trình bày.
Theo chúng tôi được biết thì ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1945, tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê gốc TP Huế.
Chưa đầy một tuổi, cũng năm 1945, cậu bé Nguyễn Trường Sơn mồ côi cha. Nhà chỉ có duy nhất một sào ruộng, cái đói cái nghèo đeo đẳng ba mẹ con ông quanh năm, người mẹ phải đi cấy thuê, hai đứa trẻ lay lắt lớn trong thiếu thốn đủ bề…20 năm sau, ông Sơn có bằng trung cấp cơ điện, về công tác tại Bộ Cơ khí - Luyện kim và được cử sang Bungari học về thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Tốt nghiệp về nước, chỉ bảy năm sau, ông Sơn làm giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ.
Trước đó, khi còn là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm, ông Sơn đã làm lợi cho Nhà nước 72.000 USD và Công ty của ông nhờ thế đã có tiền để nhập khẩu toàn bộ dây chuyền sản xuất mũ, giày xuất cho Liên Xô. Những người trong cuộc lúc ấy nay còn nhớ, để có “ngày cam lai”, ông Sơn có lúc tưởng như đã cầm chắc thất bại trong những thương vụ “đứt tim”. Sau này, theo Nghị quyết 202 của Bộ Chính trị, khi chuyển toàn bộ công ty nhà nước ra ngoài quốc doanh thành mô hình công ty cổ phần kinh doanh độc lập với tên gọi mới là Công ty Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Tập đoàn Bảo Sơn bây giờ, ông Sơn cũng nhiều phen cay đắng vì đòn roi dư luận.
Tuy nhiên, bản lĩnh của một thương nhân, một người Nghệ can trường, đã giúp ông vượt qua sóng cả, gây dựng cả một cơ đồ lớn. Tập đoàn Bảo Sơn kinh doanh đa ngành nghề, hoạt động chuyên nghiệp đồng thời trên nhiều lĩnh vực như khách sạn, đào tạo, giải trí, du lịch lữ hành, đầu tư bất động sản…, hầu hết đều làm ăn có lãi. Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn với tổng đầu tư 1.700 tỷ đồng vừa đi vào hoạt động và mau chóng trở thành một điểm đến hút khách thì ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn đã quyết định bổ sung thêm vào danh mục thành viên của mình một số đơn vị mới, với việc mua lại toàn bộ Tập đoàn Bảo Long. Giữa thời buổi khủng hoảng, đâu đâu cũng tình cảnh tiền khan vốn cạn, việc ông Sơn vẫn có thể bỏ ra gần 300 tỷ để thực hiện một cuộc mua bán sát nhập nhẹ nhàng như vậy, khiến nhiều người trong giới làm ăn cũng lấy làm bái phục khi biết tin.
Nhưng cũng không ít người lấy làm lạ. Lạ nhất là khi người ta đọc báo, nghe chính ông chủ cũ của Bảo Long thông tin rằng “Bảo Sơn thôn tính Bảo Long” và “Bảo Sơn nợ Bảo Long”… Thương trường là chiến trường. Cá lớn nuốt cá bé cũng là chuyện thường tình…
Thực chất ai nợ ai? Không chỉ còn hai người trong cuộc và vài tờ báo tham gia mà cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc!
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com