Được lãnh đạo tỉnh hứa hẹn bằng công văn, một doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng làm cầu đường phục vụ dự án du lịch sinh thái, và cho nhân dân đi lại. Xây xong, tỉnh Đồng Nai không cấp phép cho thực hiện dự án. Đây là một trong những chuyện cười ra nước mắt của một doanh nghiệp trong quá trình bị hành.
Năm 2005 đoàn xe san lấp cho Cty Thuận An 2 bị CSGT TP Biên Hòa ngăn chặn trái quy định. Ảnh: Đức Minh |
Năm 2004, doanh nghiệp (DN) Thuận An 2 (tại xã An Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), do bà Lê Thị Phương Mai làm chủ, bỏ tiền túi hơn 4 tỷ đồng để làm cây cầu bê tông bắc qua sông Buông và đổ hàng ngàn khối đất nâng cấp con đường dẫn vào khu đất của doanh nghiệp đang xin thực hiện dự án khu du lịch.
DN Thuận An 2 thực hiện công trình theo văn bản ngày 30-6-2004 của UBND tỉnh Đồng Nai do ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, ký với hứa hẹn, khi nào doanh nghiệp xây xong cầu và triển khai hoàn chỉnh mô hình lâm nghiệp trên diện tích đất đã cải tạo, UBND tỉnh sẽ xem xét giải quyết việc xin giới thiệu địa điểm đầu tư khu du lịch sinh thái của doanh nghiệp.
Đến khi cầu, đường hoàn thành thì UBND Tỉnh Đồng Nai lại không cấp phép cho DN Thuận An 2 làm du lịch sinh thái, trái lại lại thu hồi 20 ha đất của doanh nghiệp giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng & Sản xuất Vật liệu Đồng Nai (BMCC) khai thác khoáng sản.
Cầu vừa xây dựng xong, UBND huyện Long Thành dù trước đó có văn bản khen “Doanh nghiệp Thuận An 2 đã chấp hành tốt việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn, làm cầu qua sông Buông phục vụ đi lại của nhân dân”. Nhưng, sau đó, lại cũng chính UBND huyện Long Thành cho rằng cầu xây không đạt chất lượng và Sở GTVT Đồng Nai có văn bản đề nghị UBND Tỉnh cho tháo dỡ cầu. DN Thuận An 2 phải đưa ra hồ sơ, kết quả giám định, cây cầu mới không bị dỡ.
Không được thực hiện dự án du lịch, nhưng việc xây được cây cầu cho địa phương cũng là niềm vinh hạnh của DN đối với xã hội. Bà Phương Mai, Giám đốc DN Thuận An 2, tâm sự: “Tôi xem đây là một sự đóng góp cho xã hội”.
Từ ngày có cây cầu, nhiều doanh nghiệp khai thác đá cũng mở ra. Mỗi ngày, cầu gồng mình gánh hàng ngàn lượt xe ben chở đầy đất đá qua cầu. Lo lắng cho cầu, bà Mai gửi văn bản kiến nghị UBND Huyện Long Thành xem xét có biện pháp bảo vệ cầu. Không thấy động tĩnh gì từ chính quyền, bà Mai lại bỏ kinh phí mời giám định cầu.
Tháng 11-2009, Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Khoa học Địa chất & Công trình Giao thông (thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam) giám định cầu và kết luận, tại khu vực cầu, số lượng xe quá tải lưu thông qua cầu nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới khả năng chịu tải cũng như tuổi thọ của cầu.
Cây cầu do DN Thuận An đầu tư xây dựng nay được các doanh nghiệp khác khai thác |
Phép vua thua lệ làng
Sau khi không được cấp giấy phép cho dự án sinh thái và bị thu hồi đất cho DN khác khai thác khoáng sản, năm 2006 bà Mai thành lập Cty TNHH Thành Thuận để lập dự án xin khai thác khoáng sản trên diện tích đất thuộc sở hữu của mình.
Tuy nhiên, dự án khai thác khoáng sản của Cty TNHH Thành Thuận không được tỉnh Đồng Nai chấp thuận bởi, tháng 11-2007, UBND Tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản chỉ đạo việc khai thác tài nguyên khoáng sản chỉ xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước, kiên quyết không giải quyết cấp mới hồ sơ cho các DN tư nhân.
Có thể nói văn bản này của tỉnh Đồng Nai biểu hiện tính chất của lệ làng trái với Luật Khoáng sản (không phân biệt các thành phần kinh tế trong khai thác khoáng sản).
Trong khi chỉ đạo không cấp phép khai thác khoáng sản cho DN tư nhân nhưng, ngày 18-2-2009, UBND Tỉnh Đồng Nai lại ra quyết định thu hồi 652.439,5m2 đất tại xã Phước Tân giao cho Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (không phải doanh nghiệp nhà nước) thực hiện dự án mỏ đá Tân Cang 6.
Trong diện tích đất giao cho Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai khai thác khoáng sản có hơn 10 ha đất của bà Mai đang lập dự án khai thác khoáng sản. Bà Mai nghẹn lời: “Sao lại phân biệt đối xử với chúng tôi?”.
Không ưa thì cho chết
Đây không phải lần đầu tiên DNTN Thuận An 2 phải kêu cứu. Năm 2005, con gái của nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (ông Huỳnh Văn Hoàng, đã nghỉ hưu) ép doanh nghiệp Thuận An 2 phải nhượng lại hợp đồng san lấp mặt bằng KCN Long Bình. Thậm chí doanh nghiệp còn nhận được điện thoại hăm dọa với mục đích là yêu cầu nhường lại dự án san lấp cho con gái nguyên Giám đốc Công an tỉnh.
DN không đồng ý thì lực lượng CSGT Công an TP Biên Hòa và đồn công an KCN Biên Hòa chặn các xe ô tô chở đất san lấp của DNTN Thuận An 2 lại để kiểm tra, giữ giấy tờ xe, thậm chí giam luôn xe. Tài xế còn bị bắt viết tường trình là lấy đất ở đâu, của ai, đổ ở đâu.
Bà Mai phải kêu cứu tới tận trung ương. Bộ Công an yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai làm rõ. Kết quả, 12 cán bộ công an Đồng Nai tiếp sức cho những người o ép doanh nghiệp bị kỷ luật, điều chuyển khỏi ngành.
Chưa hết, năm 2009 dù đang khỏe mạnh, bất ngờ, bà Mai tá hỏa khi nhận được văn bản do ông Hồ Thiện Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Long Thành ký gửi đến các cơ quan chức năng và gửi cho doanh nghiệp thông báo lý do thu hồi quyết định kiểm tra thuế đối với DN Thuận An 2 là tình trạng sức khỏe của bà Lê Thị Phương Mai (chủ DN) chưa khả quan, chưa liên hệ được với cơ quan thuế và hiện nay đã chết.
Nghiệm lại, những bất ổn, những khó khăn mà DN đã và đang gặp phải, bà Mai suy ngẫm mãi không trả lời được câu hỏi vì sao DN của bà bị đối xử bất công như vậy?
(Theo Đức Minh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com