Video quay cảnh trực thăng chiến đấu của Mỹ nhắm bắn một nhóm người trên đường phố Baghdad, trong đó nhiều người không mang vũ khí, được tung lên trang Wikileaks.org hôm qua.
AP dẫn lời một quan chức quân sự cao cấp giấu tên của Mỹ hôm qua cho rằng những hình ảnh trong video là thật. Đoạn video được cho là quay vào ngày 12-7-2007 ở phía đông thành phố Baghdad.
Vụ tấn công này diễn ra cùng ngày và cùng khu vực mà phóng viên ảnh của hãng tin Reuters Namir Noor-Eldeen, 22 tuổi, và tài xế Saeed Chmagh, 40 tuổi, bị giết. Ngoài họ còn có hai trẻ em bị thương.
"Chúng tôi đang xác minh nguồn, tính chính xác, thời gian và địa điểm mà video được quay", AP dẫn thông báo từ trụ sở quân đội Mỹ ở Iraq hôm qua.
Trong đoạn video, có thể nghe thấy một sĩ quan Mỹ xin phép được bắn vào nhóm người trên đường và tiếng người trả lời: "Đốt chúng đi". Một số người đàn ông gục xuống ngay lập tức trong khi một số người khác cố gắng thoát thân. "Nhìn những tên đã chết kìa. Tuyệt", tiếng một sĩ quan trên máy bay nói.
Nhóm lính này sau đó còn phá hủy một chiếc xe khi nó đến hiện trường để giúp một người bị thương. Khi lực lượng mặt đất đến, video cho thấy dường như một đứa trẻ được mang ra khỏi xe. "Ai bảo họ mang trẻ con ra nơi đánh nhau", tiếng một phi công trong video nói.
Ảnh chụp màn hình cảnh trực thăng đang nhắm vào nhóm người trên đường phố Baghdad
Theo hồ sơ hôm đó, trực thăng chiến đấu Mỹ được gọi đến để yểm trợ lực lượng mặt đất. Khi các phi công tới hiện trường, họ thấy một nhóm người đang đi, đeo trên vai những vật giống súng AK-47 và mang ít nhất một súng phóng lựu. Một điều tra sau đó kết luận ra vật tưởng là lựu đạn thực chất là một ống kính máy ảnh cỡ lớn và máy quay thì trông giống một khẩu AK-47.
Theo báo cáo của quân đội hôm 19-7-2007 thì lính Mỹ đã hành động đúng. Các phóng viên Reuters được cho là đã trộn lẫn với lực lượng nổi dậy ở Iraq. Thiết bị tác nghiệp của họ dễ bị nhận nhầm là vũ khí nếu nhìn từ trên cao. Vụ việc đã được báo cáo vào thời điểm đó nhưng đến hôm qua video mới được tung ra.
Hãng Reuters chưa khẳng định có phải phóng viên của họ bị giết trong cuộc tấn công được ghi lại không, mặc dù có vẻ như một trong những người đàn ông bị giết có đeo máy quay trên vai. Tổng biên tập tin tức của Reuters David Schlesinger khẳng định đoạn video là "bằng chứng sinh động về những nguy hiểm mà phóng viên phải đối mặt trong chiến tranh và những bi kịch có thể xảy đến".
Đại úy hải quân Jake Hanzlik, phát ngôn viên Bộ tư lệnh quân đội Mỹ, cho biết lực lượng Mỹ tại Iraq cho rằng đoạn video không có vẻ là giả. Tuy nhiên, ông cho biết họ còn phải so sánh hình ảnh và đoạn hội thoại để xem nó có khớp với video của quân đội không.
Cuộc chiến Iraq được Tổng thống Mỹ Bush phát động năm 2003 với lực lượng quân đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo. Thống kê của AP cho hay, đến tháng 4-2009 số người tử vong vì bạo lực là hơn 110.000 người, trong đó có nhiều nhân viên cứu trợ, truyền thông, thường dân nước ngoài, nhà báo.
(Theo Hải Minh // VnExpess)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com