Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều sai phạm trong sản xuất thuốc

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định xử phạt Cty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (Hataphar) 50 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong quản lý nhà nước về y tế. Thanh tra Sở Y tế còn yêu cầu Cty dừng sản xuất, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ thuốc không đạt chất lượng.

Máy đóng viên nang tự động tại Hataphar
Máy đóng viên nang tự động tại Hataphar.

Nhập nhằng Hatapharm - Hataphar

Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều cổ đông của Hataphar đã gửi đơn thư tố cáo về việc nghi ngờ có sai phạm trong sản xuất thuốc tại Hataphar (trụ sở số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội).

Theo đơn thư tố cáo, sai phạm được nêu rõ là việc Hataphar đã sản xuất thuốc sai quy định tại cơ sở của Cty Cổ phần Dược phẩm và Thiết bị y tế Hà Tây (Hatapharm) (khu Công nghiệp Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội). Thanh tra Sở Y tế đã điều tra và phát hiện những sai phạm.

Đến nay, Hataphar đã cổ phần hóa được hơn 10 năm và được Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép sản xuất và lưu hành hơn 250 mặt hàng thuốc. Đến năm 2007, Hataphar quyết định góp vốn trị giá 2 tỷ đồng bằng 5.000m² đất vào Hatapharm. Quá trình điều tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện mối quan hệ chặt chẽ của hai Cty này.

Cụ thể, Hataphar có cổ phần ở Hatapharm, từ tập thể cũng như các thành viên quản trị và ông Lê Xuân Thắng, Giám đốc Hatapharm hiện cũng đang là Phó Giám đốc của Hataphar. Chính quan hệ mật thiết này khiến nhiều cổ đông nghi ngờ Hatapharm là Cty “con” của Hataphar.

Ông Cường cho biết, Hataphar có xưởng sản xuất thuốc đặt tại La Khê (Hà Đông, Hà Nội), có đầy đủ giấy phép sản xuất thuốc chữa bệnh theo quy định. Tuy nhiên, Cty này lại giao cho Hatapharm sản xuất một số loại thuốc viên nang, trong khi Hatapharm chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP). Việc này diễn ra từ tháng 5-2008 đến nay.

Hơn nữa, Hatapharm chỉ được cấp giấy phép sản xuất thực phẩm chức năng chứ không được sản xuất thuốc. Quy định của Bộ Y tế nêu rõ, dây chuyền sản xuất thuốc không được phép sản xuất thực phẩm chức năng, và ngược lại.

Bên cạnh đó, thương hiệu của hai Cty này gần như giống nhau hoàn toàn và nhà máy sản xuất thuốc của hai đơn vị lại gần nhau, khiến cho người tiêu dùng dễ lầm tưởng thuốc do Hatapharm cũng là của Hataphar. Điều này giúp cho Hatapharm tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, và gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cán bộ nhân viên Hataphar cũng như thương hiệu lâu năm của đơn vị này.

Trong quá trình hoạt động, Hatapharm đã sản xuất nhiều loại mặt hàng thực phẩm chức năng vào cuối năm 2007 và 2008, trong khi tới tháng 9-2009, Hatapharm mới được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng. Hatapharm còn gia công và sản xuất nhiều mặt hàng thuốc rồi gắn nhãn hiệu Hataphar mà chưa được phép của Bộ Y tế.

Tiêu hủy thuốc kém chất lượng

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan này đã lấy mẫu 25 loại thuốc do Hatapharm sản xuất nhưng được gắn thương hiệu của Hataphar để kiểm tra chất lượng. Kết quả, có đến 8 mặt hàng gồm các loại vitamine tổng hợp và thuốc B1 không đạt tiêu chuẩn hàm lượng như đã đăng ký với cơ quan chức năng.

Được biết, giữa hai Cty này đã ký kết hợp đồng về việc Hataphar chuyển quyền cho Hatapharm sản xuất thuốc vitamine trên dây chuyền công nghệ của Hatapharm. Cụ thể, Hatapharm có nhiệm vụ sản xuất, dập viên còn mọi khâu khác như tìm kiếm nguyên liệu, công thức sản xuất đều do Hataphar thực hiện.

Sau khi tham khảo các cơ quan chức năng, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính Hataphar 50 triệu đồng do sản xuất thuốc không đúng hồ sơ đăng ký; sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.

Ngoài ra, Hataphar phải dừng ngay việc sản xuất tại cơ sở không có giấy chứng nhận GMP (khu Công nghiệp Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội), tiêu hủy toàn bộ số thuốc còn tồn tại Cty (khoảng 1 triệu viên); yêu cầu Hataphar tiếp tục thu hồi số thuốc trên thị trường; khi tiêu hủy phải có sự giám sát của cơ quan chức năng.

Ước tính, số thuốc do Hatapharm đã sản xuất khoảng 15 triệu viên các loại. Ông Cường cho biết, đây là lần đầu tiên Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện hành vi sản xuất thuốc không đúng hồ sơ cấp phép trên địa bàn TP. Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo sự việc lên Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

Tái chế thuốc quá đát chỉ bị phạt... 10 triệu đồng

Tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Thanh tra tỉnh này đã kết luận vụ tái chế thuốc quá hạn sử dụng tại Cty CP Dược Đồng Nai và kiến nghị xử phạt công ty 10 triệu đồng.

Thanh tra cũng đề nghị Sở Y tế có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Y tế xem xét không tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (từ 6 tháng đến 12 tháng) đối với Cty CP Dược Đồng Nai. Lý do, theo Thanh tra tỉnh, nếu Cty ngưng hoạt động sẽ gây tổn thất rất lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của 155 cán bộ công nhân viên. Đồng thời, xét thấy trong quá trình giải quyết vụ việc, Cty đã khắc phục hậu quả, thu hồi ngay sản phẩm.

Như tin đã đưa, tháng 9-2009, Cty CP Dược Đồng Nai đã thu gom về 179.850 viên thuốc salbutamol và Bisinthvon quá hạn và cận hạn sử dụng, sau đó thay vỏ mới, đóng hạn sử dụng mới rồi tiếp tục xuất bán ra thị trường.

(Đức Minh)

(Theo Tienphong Online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Bắt quả tang một DN nước ngoài xả nước bẩn ra sông
  • Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh án chung thân, điều tra tiếp vụ nhận 2 triệu USD
  • Vẫn đang giải trình vụ khiếu nại Megastar
  • TGĐ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ký nhiều quyết định bất hợp pháp!
  • Chủ cây xăng vay cả chục tỷ đồng rồi… xù
  • Dự án “Phát triển du lịch bền vững” ở Phú Vinh phá sản Ai chịu trách nhiệm?
  • Sự thật về vụ "lật kèo" của Công ty CP Địa ốc Hồng Phát
  • Piaggio né "va chạm" với Lisohaka
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com