Năm triệu euro là số tiền chi nhánh Daimler tại Nga hối lộ cho các quan chức Nga từ năm 2000 đến 2005, theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ
Nga là một trong 22 nước có các quan chức chính phủ nhận tiền hối lộ của hãng xe Daimler. Nga cũng đã ký công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Dmitri Medvedev đang mở chiến dịch bài trừ tham nhũng với quyết tâm cao.
Dân Nga chờ đợi
Theo nhật báo The Moscow Times, vụ án Daimler – nhà sản xuất xe Mercedes lừng danh - là một thử thách lớn cho Tổng thống Medvedev. Người ta trông đợi ông hành động quyết liệt trong vụ án phức tạp này.
Phức tạp vì những cáo buộc hối lộ chống Daimler cho đến nay là của Bộ Tư pháp và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Người dân Nga mới biết đến vụ án này qua các cơ quan truyền thông đại chúng Nga.
Viện Kiểm sát Trung ương Nga (PGO) phải mở cuộc điều tra riêng mới có thể xét xử vụ án này. Trong khi đó, công luận Nga gây sức ép buộc PGO mau chóng vào cuộc để làm rõ trắng đen và trừng phạt thích đáng những kẻ nhận tiền lót tay của hãng Daimler.
Dàn xe Mercedes xanh của SPG đậu trước Điện KremlinẢnh: MT
Điểm sáng thắp lên niềm hy vọng là ngày 13-4 vừa qua là Tổng thống Medvedev đã gặp Hội đồng Chống tham nhũng. Theo The Moscow Times, tuy không đề cập cụ thể vụ án Daimler, ông Medvedev đã yêu cầu các thành viên trong hội đồng tích cực hành động mở cuộc điều tra những điều mà báo chí nêu.
Ông Medvedev nói: “Tôi yêu cầu quý vị có mặt tại đây đừng đợi tôi gọi điện chỉ đạo “Hãy kiểm tra thông tin này, thông tin kia (đăng trên báo)”. Hãy tự làm điều đó bởi tôi không thể bao biện hết mọi việc”.
Những khoản chi bất chính
Mercedes-Benz Russia SAO, chi nhánh của Daimler tại Nga, đã thú nhận mọi việc. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, chi nhánh Daimler Nga thừa nhận đã chi 3 triệu euro (4 triệu USD) tiền đút lót cho quan chức Bộ Nội vụ, Cục Vệ binh Liên bang (FGS), quân đội v.v... từ năm 2000 đến năm 2005. Hai triệu euro khác rơi vào túi các quan chức doanh nghiệp nhà nước và ba thành phố Nga.Bộ Tư pháp Mỹ từ chối tiết lộ danh tánh các quan tham Nga và những chi tiết cụ thể vì Daimler đã đồng ý nộp phạt tiền để khỏi ra tòa.
Tập tài liệu dày 77 trang của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hoạt động kinh doanh của Daimler ở Nga là “đáng kể” với khách hàng chủ yếu là Bộ Nội vụ và SPG - một chi nhánh của FGS phụ trách việc chuyên chở các quan chức cấp cao Nga và thượng khách nước ngoài. Để đạt doanh số cao, Daimler đã chi bất hợp pháp 1,44 triệu euro cho Bộ Nội vụ Nga để bán được xe chở khách, trong đó có xe dành cho cảnh sát giao thông ở Moscow.
Daimler cũng chi 1,4 triệu euro cho SPG, để cơ quan này chịu mua xe chở khách. Trong đó, 928.023 euro đã được gửi vào tài khoản cá nhân của một “quan chức chính phủ” tại ngân hàng Đức Deutsche Bank. Daimler còn chi thêm cho SPG 58.000 euro trong một thương vụ bán xe du lịch khác.
Dorinvest là một công ty trực thuộc thành phố Moscow. Mashinoimport là công ty của Cơ quan Tài sản Liên bang. Daimler đã lót tay các quan chức Dorinvest 51.217 euro và quan chức Mashinoimport 30.072 euro và 15.000 Deutsche Mark để hai cơ quan này mua xe Unimogs, loại xe tải do Daimler sản xuất. Tổng giá trị xe Unimogs mà Dorinvest và Mashinoimport mua từ năm 2000 đến năm 2005 lên đến 17,89 triệu euro.
Ufa, Novy Urengoi là hai thành phố cũng mua nhiều xe của Daimler sau khi chi nhánh Daimler Nga lót tay cho các quan chức Ufa 64.221 Deutsche Mark và Novy Urengoi 38.726 euro.
Tất cả những món tiền lót tay kể trên đều ghi vào sổ sách là “tiền hoa hồng” và “tiền chiết khấu đặc biệt”.
Áp lực công luận
Báo chí Nga trong mấy ngày qua thắc mắc tại sao PGO im hơi lặng tiếng trước thông tin Daimler bị Bộ Tư pháp và SEC Mỹ phanh phui những vụ hối lộ có quy mô lớn liên quan đến 22 nước, trong đó có ba nước lớn là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tờ The Moscow Times cho rằng sự im lặng của PGO là đáng ngạc nhiên và các nhà điều tra Nga hình như ít quan tâm đến vụ án. Điều này khiến nhiều người Nga bất bình.
Alexei Navalny, một cây viết blog (nhật ký trên mạng) năng nổ được nhiều người biết tiếng, bức xúc: “PGO có quyền ra lệnh điều tra hình sự (đối với chi nhánh Daimler Nga) dựa theo tiết lộ của báo chí. Nhưng hình như các vị không đọc báo. Tôi sẽ giúp đỡ quý vị”.
Tuần rồi, Navalny đã phát động trên mạng internet một chiến dịch “bỏ bom” các nhà điều tra với hàng đống thư yêu cầu mở cuộc điều tra. Tính đến ngày 12-4, số thư gửi đến PGO, Tổng thống Medvedev và Bộ Nội vụ đã lên đến 1.000 lá.
Theo Navalny, sự im lặng của PGO thể hiện sự thụ động, trông chờ ý kiến chỉ đạo của Điện Kremlin. Ông viết: “Họ không thể điều tra nhưng họ cũng không thể không điều tra bởi đây là một vụ bê bối lớn. Cả nước đang nói về nó, đang yêu cầu họ điều tra vậy mà họ chờ ý kiến của Điện Kremlin”.
Nhưng người phát ngôn của PGO giải thích rằng chưa thể điều tra vì “viện chưa nhận được thông tin liên quan đến Daimler”.
Nhiều đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cũng gửi thư đến ông Yury Chaika, Viện trưởng PGO, yêu cầu ông xử lý vụ án Daimler.
Đại biểu Ilya Ponomaryov yêu cầu ông Chaika xem xét các báo cáo về vụ Daimler hối lộ và công khai quan điểm chính thức của viện về vấn đề này trên báo đài.
Bà Yelena Panfilova, Giám đốc chi nhánh Tổ chức Minh bạch Quốc tế ở Nga, nhận định rằng “không có lý do khách quan nào cản trở PGO vào cuộc” vì Nga là nước đã ký tên vào công ước chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc.
Theo bà Panfilova, vụ án Daimler là một cơ hội để Tổng thống Medvedev nâng cao hình ảnh của mình và làm nổi bật chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Nga. “Chỉ cần ông Medvedev lên tiếng là có thể tiến hành ngay cuộc điều tra chính thức” - bà Panfilova nhấn mạnh.
Kỳ tới: Trường hợp của Latvia và Trung Quốc
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com