Câu chuyện dài về DB Cooper - "tên không tặc thế kỷ", kẻ cướp trên không thông minh và liều lĩnh nhất, "tên tội phạm nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ" chưa bao giờ thực sự kết thúc đối với cơ quan điều tra và dư luận. Suốt gần 4 thập kỷ, đến nay, DB Cooper và số phận của kẻ cướp thần bí này vẫn là một đề tài làm đau đầu những nhân viên điều tra tài ba nhất của FBI.
Tên không tặc "huyền thoại"
Các điều tra viên và một mẩu tiền từng được giao cho D.B. Cooper |
Năm 1971, DB Cooper cướp và đe dọa sẽ làm nổ tung một máy bay Boeing 727 chở khách nếu hãng hàng không Northwest Orient (chủ sở hữu chiếc máy bay) không trả 200.000 USD (một khoản tiền khổng lồ theo thời giá năm 1971). Sau khi khống chế phi hành đoàn, dọa nổ tung quả bom mang theo, kẻ cướp huyền thoại này đã bắt máy bay quay lại sân bay Seattle -Tacoma để thả các con tin, nhận tiền và... 2 chiếc dù. Sau khi bắt máy bay cất cánh trở lại, DB Cooper nhảy dù khỏi máy bay với túi đựng tiền nặng trĩu. Sau đó, DB Cooper biến mất. Điều này khiến DB Cooper được xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 10 vụ mất tích bí ẩn nhất mọi thời đại.
Cũng chính sự mất tích bí ẩn của DB Cooper không những đã khiến báo chí suốt gần 40 năm qua tốn vô biên giấy mực mà còn khơi nguồn cho rất nhiều sáng tạo trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật (gần đây nhất, bộ phim hài Without a Paddle (Không một mái chèo) của đạo diễn Steven Brill sản xuất năm 2004 với câu chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của ba người bạn thân đến từ thành phố lớn của Philadelphia, cùng đi ca-nô băng rừng vượt núi đến bang Oregon đi tìm kho báu gần 200.000 USD của D.B. Cooper đã rất cuốn hút khán giả).
Vụ không tặc để tống tiền của D.B. Cooper dẫn đến một cuộc săn lùng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, và mặc dù có hơn 1000 mối nghi ngờ nhưng thân phận thực sự của Cooper vẫn là một bí ẩn. Cái tên D.B. Cooper lừng danh khắp thế giới, nhưng đó là một cái tên giả. Có thể coi đó là một bí danh được công nhận nhiều nhất kể từ sau cái tên "Không ai cả" của Uylixow trong trường ca Odyse của Hommer thời Hy lạp cổ. Đến mức đã có một câu nói trở thành thành ngữ: "Tôi là D.B. Cooper, vì vậy tôi không là ai cả".
Tất cả mọi người, từ những điều tra viên nghiêm túc và kiên định nhất đến những thám tử nghiệp dư ham chơi đều luôn nghiền ngẫm, soi kỹ từng chi tiết của vụ án, hy vọng một cách ảo tưởng rằng sẽ phát hiện một số khía cạnh bị bỏ qua - những khía cạnh che dấu một đầu mối có thể là nguyên nhân dựng nên những rào chắn không thể vượt quan trong việc giải mã vụ án. Tuy vậy vụ án vẫn đi vào bế tắc suốt gần 40 năm sau, và D.B. Cooper đã trở thành "tượng đài lớn" của giới tội phạm, người đã trốn tránh một cách tài tình cuộc điều tra lâu dài, rộng lớn và tốn kém bậc nhất trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ của thế kỷ 20.
Đánh lừa hàng trăm điều tra viên
Lúc 4 giờ chiều ngày thứ Tư năm 1971, một người đàn ông mặc vest lịch lãm bước vào quầy thu ngân ở Northwest Orient tại sân bay quốc tế Portland và trả 20USD cho chiếc vé một chiều tới sân bay Seattle-Tacoma. Người đàn ông 45 tuổi này khai tên là Dan Cooper. Khi 5 thành viên của phi hành đoàn đóng chặt cửa và chuẩn bị tiếp đất thì chỉ có 37 hành khách.
Trước khi máy bay cất cánh, chẳng nhân viên nào trong phi hành đoàn để ý đến Dan Cooper vì vị khách này chẳng có gì đặc biệt. Khi máy bay vừa cất cánh, Cooper trao một tờ giấy cho tiếp viên Flo Schaffner. Hắn nói: "Tốt nhất là cô nên đọc tờ giấy đó đi. Tôi mang bom". Tin dữ đến với FBI. FBI gọi khẩn đến thống đốc bang Northwest Orient và Donald Nyrop sẽ chịu trách nhiệm đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của Cooper. Sau khi thông tin đã được đưa ra, Cooper đòi phi hành đoàn trả lại tờ giấy tống tiền vì hắn muốn thủ tiêu bằng chứng. Theo Schaffner tờ giấy đó được viết bằng mực với đòi hỏi rõ ràng và hướng dẫn đơn giản để có được 200,000USD tiền mặt và 2 bộ dù. Schaffner và tất cả những người được đọc tờ giấy này đều nhớ như in cụm từ "không đùa đâu".
Nhóm chức trách có nhiệm vụ giải cứu vụ không tặc chỉ có 30 phút để bộ phận này đáp ứng yêu cầu của Cooper. FBI có trách nhiệm chuẩn bị 200,000USD tiền mặt còn cảnh sát Seattle chuẩn bị hai bộ dù. Cooper đòi hỏi số tiền đưa cho hắn phải là loại tiền có mệnh giá $20, điều này cho thấy kẻ không tặc này lên kế hoạch khá chi tiết. Hắn tính rằng 10,000 tờ $20 chỉ nặng 9,5kg. Cooper đòi hỏi số seri của những đồng tiền này phải là chữ số ngẫu nhiên chứ không đi theo một thứ tự số nhất định. FBI tuân thủ đòi hỏi của kẻ không tặc nhưng tất nhiên cũng không quên đánh dấu bằng cách chọn mỗi tờ tiền luôn bắt đầu mã số là chữ L. Gần như tất cả các tờ tiền này được in vào năm 1969. FBI cũng không quên chụp ảnh lại số seri của toàn bộ 10,000 tờ tiền này.
Tờ giấy tống tiền của kẻ không tặc không hề đả động gì đến kế hoạch nhảy dù cùng với đống tiền nên các nhà chức trách không thể không căng thẳng. Họ rối tinh trước yêu cầu có hai chiếc dù. Liệu hắn có định bắt cóc một hành khách hay ai đó trong phi hành đoàn làm con tin không? Câu hỏi này khẳng định không ai nghĩ rằng con tin dùng dù này để chấm dứt hành vi không tặc. Quả thực, đây là một chi tiết hết sức thông minh trong kế hoạch của kẻ không tặc.
Khi đã đáp ứng đúng yêu cầu, Cooper tỏ ra bận rộn. Hắn cho phép 36 hành khách đi cùng chuyến bay và nữ tiếp viên Flo Schaffner rời khỏi máy bay bằng một cầu thang. Hắn không chịu thả Tina Mucklow cũng như ba người đàn ông trong buồng lái: Scott, Rataczak và Anderson. Kẻ không tặc này sau đó dùng điện thoại trong cabin của buồng lái để đưa ra lệnh hướng dẫn phi công về cách bay và nơi để bay. Hắn ra lệnh bay ở độ cao không quá 304m với tốc độ bay không vượt quá 150 hải lý mỗi giờ.
Những chiếc máy bay lớn hơn không thể duy trì tốc độ thấp như vậy. Nhưng Cooper biết rằng chiếc 727 có số cân nhẹ (chỉ 50 tấn khi chưa nạp nhiên liệu) có thể bay chậm ở mức 80 hải lý trong điều kiện độ cao 304m. Thậm chí ngay cả khi nạp đầy nhiên liệu chiếc máy bay này cũng hoàn toàn có thể duy trì tốc độ 100 hải lý. Những người nhảy dù thích tốc độ bay chậm hơn để giảm bớt sự rung lắc của gió nhưng nhảy xuống ở 150 hải lý thì cũng hoàn toàn là điều có thể với người nhảy có kinh nghiệm.
Cooper nói với phi hành đoàn rằng hắn muốn đi tới thành phố Mexico nhưng Rataczak nói rằng máy bay này chỉ bay được 1.609km tại độ cao so với mặt biển và tốc độ mà kẻ không tặc yêu cầu dù đã nạp đủ 52.000 gallon nhiên liệu. Tuy nhiên mọi người trên máy bay không biết hắn đã nhảy ra khỏi máy bay lúc nào. Hắn được dự đoán là đã rơi xuống đâu đó gần Vancouver, Washington và không bao giờ xuất hiện lần nữa, không một mảnh quần áo hay dù nào được tìm thấy.
Hàng loạt người tự nhận là D.B. Cooper
Nhiều năm qua, hàng nghìn người Mỹ đã tình cờ nói ra những đặc điểm của bạn bè, họ hàng hay đồng nghiệp của mình mà theo đó rất giống với chân dung DB Cooper. FBI cho biết khoảng 10.000 cái tên dường-như-là-kẻ-đang-cần-tìm đã lọt đến tai cơ quan này. Nhiều người trong số đó đã được cảnh sát "kiểm định". Nhưng tất cả những trường hợp được cảnh sát "hỏi thăm" đều không phải là đối tượng mà FPI đang cần tìm.
Chẳng hạn vào năm 1995, Duane Weber, một nhà buôn đồ cổ ở Florida, người đã chết vì bệnh thận, một lần đã nói với vợ anh ta rằng "Anh là DB Cooper." Sau khi Weber chết, vợ người đàn ông này đã tìm thấy một chiếc ví được giấu kín và chiếc ví này đã chỉ ra rằng Duane Weber trước đây có một cuộc sống và nhân thân khác với cái tên John C. Collins. Người này có một lý lịch cũng chẳng lấy gì làm trong sáng: bị hải quân sa thải vì đạo đức không tốt và 6 bản án tù, một trong số đó là bị giam giữ tại nhà tù cách sân bay Sea-Tac 32km. Người goá phụ nhớ lại rằng vào năm 1979, hai vợ chồng bà đã du ngoạn tới một vùng hẻo lánh ở rừng Clark County, Washington. Bà khẳng định rằng chồng bà rất giống với bức họa chân dung DB Cooper: hút thuốc, uống rượu whisky ngô và thỉnh thoảng khi mơ ngủ lại nhắc đến những bậc thang ở máy bay và các dấu vân tay.
Một trong những câu chuyện về Cooper đặc biệt nhất là bà Elsie Rodgers, ở Nebraska. Bà kể với các cháu mình rằng một ngày vào những năm 1970 bà đã phát hiện thấy một đầu người ở gần sông Columbia, Washington. Nhưng những đứa cháu đã chẳng mấy để tâm đến chuyện này vì nghĩ là bà mình lẩn thẩn cho đến khi bà chết, năm 2000, họ tìm thấy một chiếc đầu lâu trên phòng tầng thượng của nhà bà. FBI cho thử ADN nhưng kết quả chẳng có gì liên quan đến Cooper.
Nhưng câu chuyện phức tạp nhất chính là cuốn sách: "D.B. Cooper: Điều gì đã thực sự xảy ra", một cuốn sách xuất bản năm 1985 của Max Gunther dựa trên 6 cuộc điện đàm vào năm 1982 với một phụ nữ có tên là "Clara". Cô kể rằng vào 26/10/1971, 2 ngày sau vụ không tặc, cô đã nhìn thấy Cooper bị thương và nơi Cooper rơi xuống còn tạo thành một hố trũng trong ngôi vườn gần ngoại ô Longview. Cô đã tận tay chăm sóc chiếc chân gãy của Cooper và sau đó hai người yêu nhau. Cô nói rằng Cooper khởi nguồn là dân Connecticut. Cooper đã rời bỏ gia đình và đi về phía tây, gia nhập một nhóm nhảy dù và nhen nhóm kế hoạch không tặc máy bay. Cô khẳng định để thực hiện kế hoạch này, người đàn ông này đã phải đọc rất nhiều những cuốn sách về máy bay và nghiên cứu kỹ lưỡng lộ trình bay cũng như quy trình tiếp đất. Cô nói rằng sau khi không tặc hai người sống trên đảo Long, New York và chuyển toàn bộ số tiền cướp được vào thành phố Atlantic và các sòng bạc Reno. Theo người phụ nữ này Cooper chết vào năm 1982 vì lý do sức khỏe. Nhưng FBI một lần nữa lại bác bỏ câu chuyện này vì các tình tiết không logic.
Cooper chết hay vẫn còn sống? Câu hỏi này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Nếu may mắn hắn còn sống hắn chừng 70 tuổi và nếu không thì thân xác hắn cũng đã tan tành thành từng mảnh 32 năm trước.
(Theo Thu Hương // Đời sống pháp luật)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com