Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bán hàng đang tranh chấp

Khi các bên đang có tranh chấp về hàng hóa thì không nên bán lô hàng đó vì như vậy sẽ không còn bằng chứng cho việc khiếu nại, kiện tụng. Hơn nữa hành vi bán hàng thường bị coi là hành vi chấp nhận hàng.

Tranh chấp giữa bị đơn là người bán Singapore và nguyên đơn là người mua Trung Quốc. Đối tượng hợp đồng là gỗ tròn Merbau Indonesia. Hai bên tranh cãi về số lượng và chất lượng hàng được giao và các biên bản giám định liên quan. Tuy vậy, quá trình giải quyết tranh chấp khó khăn do người mua đã bán một phần lô hàng. Tranh chấp được giải quyết tại Ủy ban trọng tài thương mại và kinh tế Trung Quốc. Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã được áp dụng.

Diễn biến tranh chấp

Ngày 10/11/1998, người mua ký hợp đồng với người bán để mua gỗ tròn Merbau Indonesia. Trong hợp đồng có mô tả rõ ràng và cụ thể về đặc tính của hàng hóa, đơn giá, đóng gói, điều kiện thanh toán và thời gian giao hàng; quy định về kiểm tra giám định, phương pháp đo lường số lượng hàng. Hợp đồng cũng quy định về thời gian khiếu nại và điều khoản trọng tài.


Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên cần có thái độ hợp tác, thiện chí

Sau khi ký hợp đồng, người mua thanh toán bằng thư tín dụng cho người bán theo quy định trong hợp đồng. Khi hàng đến cảng đích, người mua yêu cầu Cục giám định hàng hóa Trung Quốc tỉnh Quảng Đông giám định hàng hóa. Biên bản giám định ngày 2/3/1999 kết luận thể tích của gỗ bị thiếu và nguyên nhân là do việc đo lường không phù hợp trước khi gửi hàng. Biên bản cũng kết luận về các vi phạm chất lượng, kèm theo 9 bức ảnh chụp tình trạng bị lỗi của hàng hóa.

Dựa vào Biên bản giám định, người mua đòi người bán bồi thường. Người bán đã trả lời yêu cầu bồi thường của người mua bằng việc gửi cho người mua một bức fax nói rõ nếu người mua cho rằng hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, người bán sẵn sàng nhận lại hàng hóa và trả lại tiền cho người mua. Tuy nhiên Người mua đã không trả lời bức fax này của Người bán và đã bán 270 khúc gỗ mà không thông báo. Do bất đồng giữa hai bên, người mua đã kiện ra trọng tài ngày 4/6/1999 yêu cầu người bán bồi thường thiệt hại.

Lập luận của bị đơn

Người bán cho rằng biên bản giám định không phản ánh đầy đủ tình trạng của hàng hóa. Ngay sau khi nhận được biên bản giám định từ Người mua, Người bán đã cử hai chuyên gia đến Cty Người mua để kiểm tra số hàng còn lại trong xưởng của Người mua để xác minh xem biên bản giám định có phản ánh chính xác tình trạng của hàng hóa không. Hai chuyên gia đã kiểm tra thận trọng từng khúc gỗ trong 556 khúc gỗ còn lại. Người bán chỉ ra rằng khối lượng của số gỗ còn lại nhiều hơn so với bản kê nhận hàng của Người mua, và Người bán đã thực sự giao nhiều hơn 8,18% so với hợp đồng. Người bán chỉ ra rằng biên bản giám định chỉ dựa trên 9 bức ảnh là không đủ chứng cứ chứng minh hơn 15% số hàng bị lỗi. Người bán cũng cung cấp Giấy chứng nhận được cấp bởi Cục lâm nghiệp Indonesia chứng nhận gỗ sau khi kiểm tra có chất lượng loại A phù hợp cho xuất khẩu.

Quyết định của trọng tài

Người mua đòi tiền bồi thường đối với Người bán với lí do hàng hóa bị thiếu hụt, tuy nhiên lại không yêu cầu Cục giám định đo lường hàng hóa theo phương pháp đã quy định trong hợp đồng. Người bán phải cử chuyên gia sang nước Người mua để giám định lại theo đúng phương pháp quy định trong hợp đồng thì cho thấy hàng hóa không hề bị thiếu hụt. Về chất lượng, trọng tài cho rằng 9 bức ảnh không đủ chứng minh sự không phù hợp về chất lượng. Vì vậy, các giám định của Người mua về số lượng và chất lượng là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Trong trường hợp này, Người bán đã thể hiện thiện chí đối với Người mua khi chấp nhận nhận lại hàng và hoàn trả tiền cho Người mua. trọng tài cho rằng việc không trả lời bức fax của Người bán là hành động thiếu hợp tác, thiếu thiện chí của Người mua. Hơn nữa, trong khi các bên đang tranh cãi về số lượng và chất lượng của hàng hóa, Người mua vẫn bán 270 khúc gỗ. Người mua đã không thông báo cho Người bán ý định bán hàng. Theo các Điều 86(1), 88 CISG, trong trường hợp này, Người mua bị coi là đã chấp nhận hàng và không có cơ sở để khiếu nại đòi bồi thường.

Lưu ý đối với DN Việt

Về vấn đề giám định hàng hóa ở cảng đến làm cơ sở pháp lý khiếu nại, kiện tụng, Người mua cần giám định theo các quy định, tiêu chuẩn, phương pháp đã quy định trong hợp đồng. Nếu có mâu thuẫn giữa biên bản giám định với Giấy chứng nhận chất lượng, số lượng mà Người bán cung cấp ở cảng đi, cần có sự đàm phán với Người bán yêu cầu Người bán cử đại diện sang làm giám định đối tịch (có mặt cả hai bên). Biên bản giám định đối tịch ràng buộc cả hai bên, là căn cứ pháp lý cuối cùng để giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên cần có thái độ hợp tác, thiện chí. Cần thông báo cho nhau về mọi vấn đề liên quan đến tranh chấp và cũng cần trả lời không chậm trễ về những đề xuất giải quyết tranh chấp của bên kia. Trong tranh chấp này, việc Người mua không trả lời đề xuất của Người bán về việc nhận lại hàng bị coi là hành động thiếu hợp tác và sẽ gây bất lợi cho Người mua khi tranh tụng trước trọng tài.

Lưu ý cuối cùng là phải giữ nguyên trạng hàng hóa đang tranh chấp để làm bằng chứng giải quyết tranh chấp. Người mua không được bán lại, hay đưa hàng hóa vào sử dụng nếu chưa thông báo và chưa có sự đồng ý của Người bán. Trong tranh chấp này, Người mua đã bán khoảng 1/3 số hàng mà không hề thông báo cho Người bán. Hành động này đồng nghĩa với việc chấp nhận hàng đã giao về số lượng và chất lượng.
 
TSNguyễn Minh Hằng  Đại học Ngoại thương Hà Nội

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nợ thuế TNCN sẽ bị cưỡng chế thu hồi
  • L/C có thể sửa đổi hợp đồng?
  • Các tiêu thức trên hoá đơn in mới từ 1/1/2011
  • Cá nhân, tổ chức chỉ được góp vốn thành lập 1 ngân hàng thương mại
  • Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với cổ tức bằng tiền
  • Cẩn trọng khi xây dựng bảng giá đất
  • Sử dụng hóa đơn cũ ra sao?
  • Thêm ba luật mới có hiệu lực từ năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%