Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các nhóm lợi ích và vận động hành lang trong nền chính trị Mỹ

Các nhóm lợi ích và “vận động hành lang” còn chưa phổ biến ở nước ta, và nhiều khi những khái niệm này được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, cần hiểu rõ ý nghĩa của các hoạt động vận động hành lang gắn liền với hoạt động của các nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ để có thể áp dụng trong quan hệ thương mại song phương, nhất là qua các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Các nhóm lợi ích

Các nhóm lợi ích ở Mỹ ra đời rất sớm và ngày càng phát triển nhanh về số lượng, tổ chức, quy mô và kỹ năng hoạt động. “Ngày nay, có hơn 22. 000 nhóm lợi ích có tổ chức ở Mỹ, và hàng chục ngàn người đăng ký chính thức làm nghề vận động hành lang tại Washington”[1]. Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp Mỹ năm1787 trong bản sửa đổi đầu tiên, bằng việc khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và yêu sách hoà bình, đã cung cấp các cơ sở pháp lý cho cái gọi là “những nhóm lợi ích đặc biệt”. Theo đó, bất cứ một nhóm nào cũng đều có quyền yêu cầu các quan điểm của họ phải được sự lắng nghe của công chúng, của các cơ quan lập pháp, hành pháp và các toà án. Đến năm 1946, Luật về nhóm gây áp lực được thông qua. Đến năm 1995, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết chấp thuận một đạo luật mới quy định thể lệ hành nghề vận động hành lang[2] để thay thế đạo luật năm 1946. Các nhóm lợi ích, về thực chất là các phe phái chính trị tập hợp lại với nhau vì một lợi ích chung nào đó. Do đó, các nhóm lợi ích của Mỹ hết sức đa dạng, nhiều nhóm có lợi ích đối lập nhau và thậm chí có mâu thuẫn với lợi ích của cả bản thân nước Mỹ.

Nguồn gốc ra đời của các nhóm lợi ích nằm ở chính mục tiêu mà họ theo đuổi, đó là: thứ nhất, các nhóm lợi ích ra đời nhằm bảo vệ những lợi ích của họ về kinh tế. Theo Madison, một trong những người sáng lập nền cộng hoà Mỹ, “nguồn gốc lâu đời và phổ biến nhất tạo nên các phe phái là ở sự phân chia khác nhau và không công bằng của cải”[3]. Cho đến ngày nay, các tổ chức về thương mại, kinh doanh và nghề nghiệp là những tổ chức đông đảo và có thế mạnh hàng đầu trong số các nhóm lợi ích ở Mỹ; thứ hai, các nhóm lợi ích cũng là sản phẩm của các phong trào xã hội, phát triển qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử nước Mỹ. Chẳng hạn các phong trào đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, đòi quyền bình đẳng của phụ nữ trong bầu cử …; thứ ba, các nhóm lợi ích ra đời nhằm tìm kiếm lợi ích từ chính phủ trong lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, tinh thần. Đặc biệt, khi chính phủ mở rộng các hoạt động của mình thì đồng thời cũng xuất hiện thêm các nhóm lợi ích để gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ nhằm nâng cao lợi ích của họ. Chẳng hạn như sự ra đời của các tổ chức hưu trí, cựu chiến binh, hay cả những nhóm lợi ích thuộc chính phủ như Liên hiệp quốc gia các thành phố, Liên đoàn các thị trưởng Mỹ, Hội đồng chính phủ các bang …; thứ tư, các nhóm lợi ích ra đời cũng nhằm đối phó với những quy định của chính phủ. Khi có thêm các công việc kinh doanh và nghề nghiệp hoạt động dưới sự điều hành của nhà nước, nhiều tổ chức mới lại ra đời để bảo vệ những lợi ích của họ. Các nhóm lợi ích này thường là những hiệp hội nghề nghiệp có hiểu biết sâu về lĩnh vực của mình. Trong số này, có những nhóm lớn và mạnh như Hiệp hội y tế Mỹ, Hội luật gia Mỹ, Hiệp hội quốc gia các đài phát thanh …

Nhìn chung, sự phát triển hết sức nhanh chóng của các nhóm lợi ích này có thể được giải thích bởi sự đa dạng về mặt xã hội và sắc tộc ở Mỹ. Việc đánh giá vai trò và tác động của các nhóm lợi ích là hết sức khác nhau, tuỳ theo đối tượng, lĩnh vực và trường hợp cụ thể. Nhìn tổng thể, các nhóm lợi ích đấu tranh, vận động nhằm vào các bộ phận khác nhau của chính phủ để bảo đảm tối đa lợi ích cho nhóm mình. Đối với các nhóm lợi ích có tổ chức, hoạt động vận động diễn ra liên tục, nhằm vào tất cả các cơ quan quyền lực của chính quyền và theo đuổi các mục tiêu của họ bằng tất cả những cách thức có thể. Sức mạnh của các nhóm lợi ích nằm ở lá phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử vào các chức vụ khác nhau của chính phủ và những đóng góp tài chính của họ cho các chiến dịch vận động tranh cử thông qua các Uỷ ban hành động chính trị (PAC). Hiện nay, các nhóm lợi ích có nhiều ảnh hưởng ở Quốc hội là: Liên đoàn các trang trại (Farm Breau Fedaration); Tổ chức công đoàn AFL - CIO; Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia (National Farmers Union); Liên đoàn người tiêu dùng Mỹ (Consumer Federation of America Conservative Union); Liên đoàn toàn quốc của những người đóng thuế (Natinonal Taxpayers Union)… Các nhóm quyền lợi này thường ảnh hưởng tới các nghị sỹ của cả hai đảng (đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ), do đó trong không ít trường hợp, lá phiếu của các nghị sỹ thể hiện tác động của các nhóm lợi ích hay của các khu vực hơn là của đảng phái. Điều này thường dẫn đến sự hình thành liên minh giữa các nghị sỹ của hai đảng có chung lợi ích để vận động và thông qua các dự luật có liên quan.

Vận động hành lang

Vận động hành lang (sau đây dùng từ: lobby) là một từ rất phổ biến trong đời sống chính trị Mỹ, gắn liền với hoạt động của các nhóm lợi ích - hay nhóm gây áp lực. “Một khi đã đắc cử vào các cơ quan lập pháp hay hành pháp các cấp từ liên bang đến bang và địa phương, thì những thành viên Quốc hội và quan chức nhà nước sẽ bị cả một đạo quân “lobby” đông đảo bao vây và chiếu cố tận tình”[4]. Tại Mỹ, trong nền chính trị hiện đại, lobby chính là việc dùng thế lực tiền bạc của tiền bạc để vận động và làm áp lực để Quốc hội hoặc các cơ quan nhà nước hành động theo chiều hướng phục vụ quyền lợi của tư bản. “Nói cách khác, tư bản đã bỏ tiền ra để sắp đặt người làm việc nhà nước …, đôn đốc, theo dõi xem những người đó có phục vụ đúng quyền lợi của tư bản không”[5]. Ngay cả một số cơ quan chính phủ trung ương và địa phương cũng dùng tiền bạc để lobby các nhà lập pháp. Tại thủ đô Washington, lobby là một trong năm nghề đông đảo nhất, bên cạnh các nghề làm công nhân viên chức nhà nước, ấn loát, dịch vụ pháp luật và dịch vụ du lịch. Tại đây, hiện có khoảng 5 vạn người sống bằng nghề này và đội ngũ ngày càng thêm đông đảo. Năm 1981 có 5.662 người làm lobby đăng ký hợp pháp tại Văn phòng thượng viện, đến năm 1986 đã lên tới hai vạn người, chưa kể thủ phủ các bang và các thành phố trong cả nước. Trong đội ngũ lobby, một số không ít là luật sư (ở Washington cứ 40 người dân thì có một người là luật sư) và những cựu quan chức chính phủ. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger có thời kỳ làm lobby cho nước Nhật, cựu Bộ trưởng lục quân Clifford Alexander làm lobby cho một tập đoàn đầu tư… Những tổ chức doanh nghiệp, công nghiệp hoặc những công ty càng lớn thì đội ngũ lobby của họ càng mạnh.

Về hình thức hoạt động, lobby không phải ở trong phòng họp, trên các phiên họp của nghị viện hay các uỷ ban của nghị viện, mà ở ngoài hành lang và hết sức phong phú bên ngoài trụ sở nghị viện với các cấp độ khác nhau. Ngoài việc chiêu đãi tiệc tùng liên miên, đưa các nghị sĩ đi chơi đâu đó bằng máy bay riêng hay mời dự hội thảo, hội nghị, những người làm lobby luôn sẵn sàng để chiều theo sở thích, ý muốn của những nhân vật quyền thế trong mọi tình huống. “Cái tục lệ dùng tiền bạc để vận động tranh cử và vận động làm luật này, luật khác, xét về bản chất, có thể sánh với tục “mua quan bán tước” trong thời phong kiến. Nó gây nhiều lạm dụng, tệ đoan và tai tiếng”[6]. Bởi vì những luật lệ về lobby ở Mỹ rất thoáng nên không thể nào liệt kê hết các phương thức hoạt động của những kẻ “đổi chác mua bán quyền thế” ở thủ đô Washington. Từ những kẻ chạy vòng ngoài chiêu đãi công nhân viên nhà nước ở cấp thấp, cho đến những người có vây cánh giao dịch mật thiết và kín đáo hoặc công khai với những thượng nghị sĩ và các thành viên nhà nước cấp cao.

Ở Mỹ, những lobby nhiều tiền và do đó nhiều thế lực nhất là những lobby đại diện cho các tập đoàn tư bản, tiêu biểu là:

Lobby công nghiệp quốc phòng: Có sức mạnh vô địch, chi phối Quốc hội và nhà nước. Nó đại diện cho đông đảo các công ty và các nhà thầu cực lớn, cung cấp máy bay, tàu chiến, súng, bom và mọi thứ hàng cần thiết cho quân đội Mỹ. Trong suốt thời gian của cuộc chiến tranh lạnh, đông đảo các nghị sỹ của cả hai phe đã liên hệ mật thiết với lobby của các công ty này. Trong kỳ tổng tuyển cử 1987 - 1988, những Uỷ ban hành động chính trị của các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng đã ủng hộ trên 7 triệu đô la tiền cứng, tức là tiền ủng hộ trực tiếp cho các cá nhân là ứng cử viên Thượng viện và Hạ viện.

Lobby dầu khí: Sức mạnh chỉ sau lobby công nghiệp quốc phòng. Sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 1990, lobby dầu khí vận động nhà nước có chính sách bao cấp để gia tăng sản xuất dầu khí trong nước nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào dầu khí nhập khẩu từ Trung Đông.

Lobby phục vụ nước ngoài: Những người làm lobby phục vụ quyền lợi của chính phủ nước ngoài phải đăng ký hoạt động với nhà nước Mỹ và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Công việc của họ trên hai phương diện: Cố vấn cho chính phủ nước ngoài về chủ trương, chính sách và xu thế của nhà nước Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến hai nước; vận động để Quốc hội và Tổng thống Mỹ theo đường lối hợp với nguyện vọng của chính phủ nước ngoài mà người làm lobby phục vụ. Trong lịch sử và hiện tại, rất nhiều chính phủ là khách hàng của các lobby Mỹ như Trung Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, ăng-gô-la, Nhật Bản, Hàn Quốc …

Ngày 19/12/1995, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành đạo luật về công khai hoá hoạt động lobby (Lobbying Disclosure Act of 1995) điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động lobby cả trong và ngoài nước Mỹ và quy định: “bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký, phải công khai hoá các khách hàng, các tiếp xúc, công khai hoá các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả…”. Luật này đã có những quy định hạn chế cho những người làm lobby. Chẳng hạn, luật cấm các thượng nghị sỹ và nhân viên văn phòng thượng viện không được nhận quà hoặc chiêu đãi đáng giá trên 100 đô la mỗi người mỗi năm, cấm không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ. Tuy nhiên, thể lệ về quà cáp và chiêu đãi cũng có tới 24 trường hợp ngoại lệ. Luật mới cũng buộc những người làm lobby mỗi năm phải báo cáo với nhà nước hai lần về số tiền họ nhận của các công ty, nhận để làm gì và thân chủ của họ là ai; và quy định rằng, bất cứ ai được trả tiền để vận động các nhà lập pháp và các quan chức chính phủ đều được coi là người làm lobby, nếu người ấy dùng ít nhất 20% thì giờ của mình để đại diện cho thân chủ trong mỗi thời gian sáu tháng. Luật cũng yêu cầu, cả những lobby không chuyên nghiệp và những người chỉ vận động với công nhân viên cấp dưới của Quốc hội hay nhà nước cũng phải đăng ký, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 5 vạn đôla.

Như vậy, trên thực tế, lobby ở Mỹ đã và đang là một tồn tại mang tính chính trị - pháp lý - xã hội, có tác động mạnh mẽ đến Quốc hội và chính phủ Mỹ trong tất cả các công đoạn của quá trình xây dựng pháp luật và hình thành chính sách đối nội, đối ngoại, “đồng thời cũng góp phần làm suy yếu các đảng phái chính trị”[7]. Trong mối quan hệ với Quốc hội và Chính phủ, lobby Mỹ đồng thời là sự phản ánh, giám sát, kiềm chế, đối trọng của các nhóm lợi ích và nhân dân Mỹ đối với các cơ quan công quyền. Lobby không phải là một ngành quyền pháp lý mà mang tính chất xã hội nhưng về bản chất, nó là sự chia sẻ quyền lực giữa nhà nước và xã hội. Sự thừa nhận về mặt pháp lý của lobby cũng là sự minh hoạ cụ thể về tính đại diện của Quốc hội Hoa Kỳ.

Chính vì lợi ích do lobby mang lại là cực kỳ to lớn nên hiện nay, ngoài các tập đoàn tư bản Mỹ, một số tổ chức phi chính phủ cũng đang có hoạt động lobby và đáng chú ý là một số tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng có những hoạt động mang tính lobby để tác động vào các chính sách không có lợi cho Việt Nam từ Quốc hội Mỹ. Chẳng hạn tìm cách ngăn cản quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, thông qua đạo luật về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, hay đạo luật về chống bán phá giá cá basa … Tuy nhiên, cũng có những lobby đại diện của một số công ty Mỹ đã vận động Quốc hội và Tổng thống Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Cu Ba, thúc đẩy ký hiệp định thương mại với Việt Nam …

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay, các hoạt động lobby nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ mậu dịch, tranh thủ đầu tư, viện trợ ở Mỹ của một số nước đã trở thành đề tài thời sự. Các cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ chấp nhận hoạt động này, còn các chính phủ hay các công ty, doanh nghiệp nước ngoài thì coi đây là một hoạt động tất yếu khi quan hệ với Mỹ, muốn gặt hái lợi ích từ chính quyền Mỹ, từ thị trường và từ xã hội Mỹ.

“Ở khu vực Đông Nam Á, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cho đến năm 2004, chỉ có Việt Nam và Lào là không có chi phí cho hoạt động lobby, còn các quốc gia và vùng lãnh thổ như Cam -pu-chia, Hồng Kông, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, My-an-ma, Sing-ga-po, Thái Lan, Phi-lip-pin đều có các khoản chi phí từ vài chục nghìn đến hàng triệu đôla cho hoạt động lobby ở Mỹ”[8]. Mục tiêu lobby của các quốc gia này là vận động để Mỹ ủng hộ trong các mối quan hệ chính trị, thương mại quốc tế, nhất là thuế quan, hàng xuất khẩu vào Mỹ được hưởng quy chế “tối huệ quốc”, để Mỹ tách vấn đề nhân quyền theo giá trị của Mỹ ra khỏi vấn đề quan hệ kinh tế, thương mại, vấn đề mua vũ khí và kỹ thuật cao của Mỹ … Bên cạnh những hoạt động lobby của chính phủ, các tập đoàn kinh tế, thương mại của các nước này cũng chi những khoản không nhỏ (có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần chính phủ) cho các hoạt động lobby phục vụ lợi ích của chính các tập đoàn, các công ty đó ở Mỹ.

(Theo Nguyễn Quốc Văn // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • Thủ tục trưng cầu ý dân ở một số nước
  • Pháp luật về lý lịch tư pháp của một số nước trên thế giới
  • Từ một quy định về thẩm quyền xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án
  • Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN: Một số điểm cần lưu ý
  • Một số vấn đề pháp lý về chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại
  • Tiền lương trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc
  • Các cơ quan trả lời
  • Chủ nghĩa bảo hộ và chính trị*
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%