1. Vai trò và yêu cầu của thủ tục trưng cầu ý dân
1.1 Vai trò của thủ tục trưng cầu ý dân
Thứ nhất, thủ tục trưng cầu ý dân tạo cho hoạt động trưng cầu ý dân được thực hiện trên một quy trình hợp pháp, công khai và dân chủ.
Thứ hai, thủ tục trưng cầu ý dân tạo ra sự ổn định trong hoạt động của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Trưng cầu ý dân
Thứ ba, thủ tục trưng cầu ý dân là cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền của các chủ thể trong quá trình trưng cầu ý dân, bảo đảm sự phân công công việc một cách hợp lý cho các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia trưng cầu ý dân (phạm vi công việc, thời gian thực hiện, quyền hạn, trách nhiệm đối với công việc được giao)
Thứ tư, thủ tục trưng cầu ý dân có ý nghĩa trong việc giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp và là cơ sở để giải quyết khiếu nại phát sinh từ quá trình thực hiện trưng cầu ý dân.
Thứ năm, thủ tục trưng cầu ý dân đóng vai trò quyết định tới kết quả của cuộc trưng cầu ý dân; do đó, nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động ban hành chính sách của Đảng, hoạt động lập pháp của Quốc hội, lập quy của Chính phủ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.
1.2 Yêu cầu của thủ tục trưng cầu ý dân
Thứ nhất, trưng cầu ý dân là phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp có vai trò quan trọng, quyết định đến những vấn đề có tính trọng đại của nhà nước, xã hội và toàn thể nhân dân, do đó thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân phải được xây dựng đảm bảo tính dân chủ, đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của tất cả các đối tượng thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.
Thứ hai, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, so với các hình thức dân chủ đại diện đây là hình thức rất khó tổ chức trên thực tiễn. Do đó trưng cầu ý dân phải được xây dựng tiến hành theo một thủ tục chặt chẽ, rõ ràng và công khai, đảm bảo tính hợp lý và vừa đảm bảo tính khoa học vừa đảm bảo tính thực tiễn.
Thứ ba, trưng cầu ý dân là một hoạt động sinh hoạt chính trị rộng lớn của nhân dân cả nước, do đó thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân phải thể hiện được tính tập thể, tính dân tộc, tính văn hóa đặc trưng của đất nước.
2.Nội dung cơ bản của thủ tục trưng cầu ý dân
2.1 Sáng kiến trưng cầu ý dân
Sáng kiến trưng cầu ý dân được hiểu là quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo luật định trình hoặc kiến nghị về sáng kiến trưng cầu ý dân ra cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân.
Quyền sáng kiến trưng cầu ý dân gồm hai quyền là: trình sáng kiến trưng cầu ý dân của các cơ quan có thẩm quyền theo luật định hoặc là quyền đưa ra các kiến nghị về sáng kiến trưng cầu ý dân của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân đề nghị tới cơ quan có thẩm quyền.
Sáng kiến trưng cầu ý dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân. Đây là bước khởi đầu của quy trình trưng cầu ý dân, là cơ sở để hình thành một cuộc trưng cầu ý dân. Sáng kiến trưng cầu ý dân có vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo của thủ tục trưng cầu ý dân.
Sáng kiến trưng cầu ý dân bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau và ở mỗi nước cũng có những quy định không giống nhau một cách tuyệt đối về chủ thể có quyền trình sáng kiến trưng cầu ý dân. Theo quy định của pháp luật một số nước, những chủ thể sau có quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân:
Đối với sáng kiến trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc, gồm: Nguyên thủ quốc gia; Nghị viện (Quốc hội); Chính phủ; Nghị sĩ (nhóm đại biểu Quốc hội); Công dân (nhóm cử tri)
Đối với sáng kiến trưng cầu ý dân trên phạm vi địa phương, gồm: Công dân (nhóm cử tri); Cơ quan dân cử của địa phương.
Ngoài ra,một số nước còn quy định cho công dân có thể ủy quyền nêu sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân cho các chủ thể khác.
Về thủ tục trình sáng kiến trưng cầu ý dân ở mỗi nước cũng có quy định không giống nhau. ở một số nước, đối với những sáng kiến trưng cầu ý dân của nhóm công dân (nhóm cử tri) hoặc của đại biểu Quốc hội thì việc thu thập chữ ký ủng hộ được coi như một thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, về số lượng và tỷ lệ chữ ký ủng hộ được quy định không giống nhau.
ở Nga, việc thu thập chữ ký của công dân để ủng hộ sáng kiến về trưng cầu ý dân được quy định bởi Luật Liên bang, các Luật Hiến pháp Liên bang, các Luật của Chủ thể liên bang Nga. Mỗi công dân hoặc nhóm công dân của Liên bang Nga có quyền tham gia vào các cuộc trưng cầu ý dân và các hiệp hội công[1]có thể tạo nên nhóm sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân. Thủ tục và số lượng chữ ký ủng hộ sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân được thu thập theo quy định của Luật Các chủ thể Liên bang Nga và Hiến chương của đơn vị hành chính thành phố. Trong đó, sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân có thể được thực hiện theo hình thức cuộc họp của những người tham gia trưng cầu ý dân[2].
ở Ucraina, sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân được công nhận khi vấn đề đó được nêu ra trong cuộc họp cử tri trong đó phải có tối thiểu ý kiến ủng hộ của 200 cử tri đối với cuộc trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc và từ 20 đến 50 cử tri nếu là trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương phụ thuộc vào đơn vị hành chính lãnh thổ.
ở Italia, khi có từ 500. 000 cử tri đề nghị hoặc theo đề nghị của ít nhất là 5 trên tổng số 20 hội đồng tự quản thì trưng cầu ý dân được tổ chức (khoản 5, điều 75, Hiến pháp Italia).
ở Macedonia, sáng kiến trưng cầu ý dân của công dân được công nhận khi có 150.000 cử tri ký tên vào bản kiến nghị (khoản 3, điều 73, Hiến pháp Macedonia 1991).
ở Hunggari, sáng kiến trưng cầu ý dân được quy định cho các chủ thể như: Chủ tịch nước, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị sĩ (nếu như có từ 50 chữ ký đề nghị) và cử tri (nếu thu thập được ít nhất 50.000 chữ ký).
ở Slovakia, để tránh sự tùy tiện khi đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân và đề cao tính trách nhiệm của chủ thể trình sáng kiến, sáng kiến trưng cầu ý dân của công dân được quy định không đơn giản chỉ là thủ tục thu thập các chữ ký của cử tri ủng hộ mà còn phải tuân theo thủ tục kiểm tra chặt chẽ. Khi công dân có sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân thì yêu cầu đó phải được làm thành văn bản ghi rõ họ, tên, số chứng minh thư nhân dân và địa chỉ của người đã ký yêu cầu đó. Nếu yêu cầu đó của ủy ban Khiếu nại thì cần ghi rõ họ tên, địa chỉ của các thành viên ủy ban cũng như họ tên, địa chỉ của người đại diện ủy ban. Hội đồng Nhà nước là cơ quan có trách nhiệm xem xét nội dung yêu cầu trưng cầu ý dân có phù hợp với Hiến pháp và Luật khác như Luật về quyền khiếu nại hay không. Sau đó, Hội đồng Nhà nước sẽ chỉ định một cơ quan nhà nước thích ứng xem xét về các điều kiện cần thiết của các văn bản yêu cầu đó. Trong vòng 15 ngày, kể từ khi được yêu cầu, cơ quan này có trách nhiệm thông báo cho Hội đồng Nhà nước biết kết quả kiểm tra của mình về số lượng chữ ký hợp pháp trong văn bản yêu cầu. Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận thông báo về trưng cầu ý dân, Hội đồng Nhà nước sẽ thông báo kết quả đã được kiểm tra lên Chủ tịch nước[3].
ở Nga, việc kiểm tra về điều kiện của các sáng kiến trưng cầu ý dân được bảo đảm thông qua hoạt động của Tòa án Hiến pháp theo trình tự sau: i) tài liệu về trưng cầu ý dân bao gồm các sáng kiến trưng cầu ý dân, chữ ký của các nhóm sáng kiến ... được gửi tới Tổng thống sẽ được chuyển đến Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga để xác định về tính hợp hiến; ii) Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga kiểm tra việc tuân thủ những yêu cầu của Hiến pháp và gửi kết quả kiểm tra đó cho Tổng thống trong thời hạn một tháng và đồng thời công bố quyết định về tính hợp hiến của những tài liệu đó.
Với các quy định như trên, có thể thấy, mặc dù có quy định khác nhau về số lượng chữ ký nhất định cho việc ủng hộ cho sáng kiến trưng cầu ý dân, song hầu như pháp luật của nước nào cũng có quy định giống nhau về quyền của nghị sĩ, quyền của công dân, nhóm cử tri trong việc đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân và thủ tục thu thập chữ ký ủng hộ cho sáng kiến trưng cầu ý dân (đối với trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc) và quyền của công dân, nhóm cử tri, các cơ quan đại diện của địa phương đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân (đối với cuộc trưng cầu ý dân tại các địa phương). Sáng kiến trưng cầu ý dân chỉ được coi là hợp lệ khi tuân thủ đúng thủ tục thu thập chữ ký ủng hộ cho sáng kiến trưng cầu ý dân và đượcbảođảm là hợp pháp dưới sự kiểm tra việc tuân thủ về hình thức trình sáng kiến và nội dung của sáng kiến trưng cầu ý dân đó của cơ quan có thẩm quyền. Thông thường cơ quan kiểm tra tính hợp hiến này có thể là Tòa án Hiến pháp, có thể là cơ quan của Quốc hội, có thể là cơ quan độc lập có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các sáng kiến trưng cầu ý dân thực hiện. Vị trí, thẩm quyền của các cơ quan này phải được quy định rõ trong Luật Trưng cầu ý dân của mỗi nước để đảm bảo tính chính xác, khách quan, hợp hiến của kết quả do cơ quan này thực hiện. Thông thường, cơ quan kiểm tra tính hợp hiến này có thể là Tòa án Hiến pháp, có thể là cơ quan của Quốc hội, có thể là cơ quan độc lập có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các sáng kiến trưng cầu ý dân thực hiện. Vị trí, thẩm quyền của các cơ quan này phải được quy định rõ trong Luật Trưng cầu ý dân của mỗi nước để bảođảm tính chính xác, khách quan, hợp hiến của kết quả do cơ quan này thực hiện. Bên cạnh đó, còn có những quy định mở cho nguồn sáng kiến trưng cầu ý dân (ủy quyền trình sáng kiến trưng cầu ý dân); do đó, thủ tục trình và chấp nhận những sáng kiến trưng cầu ý dân này cũng phải tuân theo một thủ tục chặt chẽ được quy định cụ thể trong luật.
2.2Quyết định trưng cầu ý dân
Quyết định trưng cầu ý dân là thủ tục để chủ thể có thẩm quyền quyết định đưa vấn đề trưng cầu ý dân ra trưng cầu trên phạm vi toàn quốc hoặc địa phương.
Chủ thể có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân được quy định trong Hiến pháp, Luật trưng cầu ý dân và các luật có liên quan. Qua nghiên cứu chế định trưng cầu ý dân ở một số nước có thể thấy thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân được quy định cho một chủ thể duy nhất là Quốc hội hoặc Tổng thống, hoặc nguyên thủ quốc gia. ở mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào thể chế chính trị và cách thức tổ chức quyền lực của mỗi nước và tùy vào nội dung trưng cầu ý dân (sửa đổi Hiến pháp hoặc vấn đề cụ thể) có quy định khác nhau về thủ tục quyết định trưng cầu ý dân.
ở Pháp, quyền quyết định trưng cầu ý dân có thể do Tổng thống quyết định theo đề nghị của Chính phủ hay theo đề nghị của hai viện của Quốc hội nhưng chỉ trong phạm vi hẹp các vấn đề theo quy định được sửa đổitại điều 11 Hiến pháp 1995 (tổ chức quyền lực công, cải cách chính sách kinh tế - xã hội và công vụ, phê chuẩn những điều ước quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước). Đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nếu là sáng kiến của Quốc hội hoặc của Tổng thống thì sáng kiến đó sẽ được biểu quyết tại phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện.
ở các nước mà Hiến pháp trao quyền quyết định trưng cầu ý dân cho Quốc hội đều quy định việc quyết định đó phải thông qua thủ tục bỏ phiếu biểu quyết tại Quốc hội. Chỉ khi nào vấn đề trưng cầu ý dân được đưa ra bỏ phiếu trước Quốc hội và đạt được đa số phiếu thì Quốc hội mới ban hành quyết định trưng cầu ý dân về vấn đề đó.
Ngoài ra, ở một số nước trao quyền quyết định trưng cầu ý dân cho Tổng thống nhưng với điều kiện việc quyết định đó phải trên cơ sở đề nghị hoặc đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội. Trong thực tế, ở Pháp, mặc dù có quy định như vậy song đối với việc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp hoặc đưa dự luật ra trưng cầu ý dân năm 1962 và 1969, Tổng thống Pháp đã quyết định tổ chức trưng cầu ý dân mà không cần có sự đồng ý của Quốc hội.
ở một số nước (như Nga), quyền quyết định trưng cầu ý dân được trao cho cả cho cơ quan đại biểu dân cử và cho cả Tổng thống với tên gọi là cơ quan quyền lực nhà nước liên bang (bao gồm: Tổng thống Liên bang Nga, Đuma quốc gia liên bang Nga, các cơ quan nhà nước liên bang khác được quy định trong Hiếnpháp Liên bang Nga do công dân Liên bang Nga trực tiếp bầu ra theo Hiến pháp Liên bang Nga, luật Hiến pháp liên bang, các luật liên bang). ở Nga, việc trao quyền quyết định cho Tổng thống chứ không phải là Quốc hội trong một số trường hợp với lập luận rằng nếu quyền này trao cho Quốc hội thì trưng cầu ý dân sẽ bị biến thành công cụ không phải để giải quyết mâu thuẫn mà là công cụ của đấu tranh chính trị. Do đó, quyền trưng cầu ý dân ở những nước này không chỉ thuộc về cơ quan đại biểu dân cử mà còn thuộc về Tổng thống. Tổng thống ra quyết định việc trưng cầu ý dân sau khinhận được quyết định thừa nhận tính hợp hiến của việc trưng cầu ý dân của Tòa án Hiến pháp. Quyết định trưng cầu ý dân được ban hành dưới hình thức Sắc lệnh, trong đó ấn định ngày cụ thể trong thời hạn 2 đến 3 tháng kể từ ngày ra quyết định. ở Slovakia, Chủ tịch nước sau khi nhận được thông báo của Hội đồng Nhà nước về kết quả kiểm tra nội dung và hình thức trưng cầu ý dân đầy đủ điều kiện thì ra quyết định trưng cầu ý dân; trường hợp không đủ điều kiện thìkhông ra quyết định trưng cầu ý dân và thông báo quyết định này cho ủy ban Khiếu nại biết[4].
Như vậy, có thể nhận thấy, thủ tục quyết định trưng cầu ý dân của chủ thể thực hiện quyền quyết định trưng cầu ý dân bao gồm các hoạt động: lấy ý kiến biểu quyết của đại biểu Quốc hội, hoạt động kiểm tra tính hợp hiến của các sáng kiến trưng cầu ý dân do cơ quan có thẩm quyền quyết định và hoạt động ban hành quyết định trưng cầu ý dân.
2.3Công bố trưng cầu ý dân
Công bố trưng cầu ý dân là một thủ tục bắt buộc được thực hiện sau khi vấn đề trưng cầu ý dân đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định. Công bố trưng cầu ý dân được ban hành dưới hình thức Nghị quyết hoặc Quyết định. Công bố trưng cầu ý dân được coi là thủ tục đầu tiên để tiến hành trưng cầu ý dân. Một số nước quy định việc công bố quyết định trưng cầu ý dân trên Công báo là cơ sở pháp lý để xác định quyết định trưng cầu ý dân.
Thời gian công bố trưng cầu ý dân được quy định cụ thể trong Luật trưng cầu ý dân. ở Nga, thủ tục công bố trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc được thực hiện trước ngày bỏ phiếu ít nhất là 60 ngày và không muộn hơn 45 ngày trước ngày bỏ phiếu đối với việc trưng cầu dân ý ở địa phương. ở Slovakia, các chính quyền tỉnh, thành phố sẽ thông báo cho công dân trên địa bàn tỉnh mình về việc trưng cầu ý dân tối thiểu là 15 ngày trước khi tổ chức trưng cầu ý dân. ở Ireland, việc công bố trưng cầu ý dân phải được thực hiện trước ngày bỏ phiếu từ 30 đến 90 ngày.
Việc công bố trưng cầu ý dân phải được công bố công khai trên công báoV, trên các phương tiện thông tin thông đại chúng bằng văn bản, trong đó quy định rõ nội dung sau: chủ thể trình sáng kiến trưng cầu ý dân; nội dung trưng cầu ý dân (những câu hỏi mà người dân sẽ phải trả lời trong cuộc trưng cầu ý dân); thời gian tổ chức trưng cầu ý dân; địa điểm tổ chức trưng cầu ý dân (khu vực bỏ phiếu); cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân; văn bản đi kèm với quyết định (dự thảo Hiến pháp, những giải thích về từ ngữ liên quan đến nội dung câu hỏi trưng cầu ý dân).
2.4. Thành lập ủy ban trưng cầu ý dân
Thành lập ủy ban trưng cầu ý dân là thủ tục pháp lý quan trọng trong quy trình tổ chức trưng cầu ý dân. Thông thường ở các nước, ủy ban trưng cầu ý dân được thành lập theo ba cấp: ủy ban trưng cầu ý dân trung ương, ủy ban trưng cầu ý dân ở mỗi quận và ủy ban trưng cầu ý dân khu vực. Mỗi ủy ban đều có Chủ nhiệm ủy ban, Phó Chủ nhiệm ủy ban và thành viên ủy ban. Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm ủy ban có thể do bầu hoặc do chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân và cũng có thể do bốc thăm để chọn.
ủy ban trưng cầu ý dân có các chức năng, nhiệm vụ sau: bảo đảm cho quá trình bỏ phiếu đúng quy định, phát đúng số phiếu, chỉ đạo hoạt động bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu, kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu, gửi kết quả trưng cầu ý dân của khu vực bỏ phiếu của mình...
2.5. Lập danh sách công dân tham gia trưng cầu ý dân
Lập danh sách công dân tham gia trưng cầu ý dân là một hoạt động quan trọng trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. Bởi lẽ, danh sách cử tri đăng ký tham gia trưng cầu ý dân có ý nghĩa trong việc xác định giá trị pháp lý của các cuộc trưng cầu ý dân. Pháp luật một số nước căn cứ vào danh sách cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu và số lượng cử tri đi bỏ phiếu để tính giá trị của các cuộc trưng cầu ý dân[5].
Danh sách công dân tham gia trưng cầu ý dân được hình thành bằng nhiều cách. Hầu hết pháp luật của các nước đều quy định cho mọi công dân có đủ điều kiện tham gia bầu cử đều có quyền tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân D (gọi là cử tri). Một số nước quy định cho công dân có quyền đăng ký vào danh sách tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân, còn một số nước khác thì lập danh sách công dân tham gia trưng cầu ý dân căn cứ vào danh sách cử tri. ở những nước pháp luật quy định trưng cầu ý dân vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ (như Ai Cập), thì danh sách công dân tham gia trưng cầu ý dân đương nhiên là thống nhất với danh sách cử tri.
Việc lập danh sách cử tri bắt buộc phải hoàn thành trước ngày tiến hành bỏ phiếu trưng cầu ý dân trong một khoảng thời gian cụ thể. V Nga, pháp luật quy định danh sách cử tri tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân phải được lập trước khi tiến hành trưng cầu ý dân 30 ngày.
2.6 Tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân
Tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân là một thủ tục không thể thiếu trong quy trình tổ chức trưng cầu ý dân, đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng của của cuộc trưng cầu ý dân.
Tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân được thực hiện dưới sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân là ủy ban trưng cầu ý dân song không nhất thiết chỉ là hoạt động của những cơ quan này. ở nhiều nước, việc tuyên truyền về trưng cầu ý dân được thực hiện do nhiều tổ chức xã hội, đảng phái khác nhau, dưới nhiều hình thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền trưng cầu ý dân phải được tiến hành hợp pháp theo quy định của Hiến pháp, Luật trưng cầu ý dân và các luật khác có liên quan (như Luật báo chí, Luật truyền thông, Luật bầu cử...).
Thời gian bắt đầu và kết thúc của hoạt động tuyên truyền trưng cầu ý dân được quy định cụ thể trong Luật Trưng cầu ý dân với điều kiện phải được kết thúc trước ngày bỏ phiếu. Pháp luật các nước không có quy định giống nhau về thời gian này.
2.7. Thủ tục bỏ phiếu
Bỏ phiếu là một thủ tục quan trọng quyết định đến toàn bộ quá trình trưng cầu ý dân. Trước khi tiến hành thủ tục bỏ phiếu, các ủy ban trưng cầu ý dân nhận phiếu trưng cầu ý dân từ bộ phận phụ trách công tác in và chuyển phiếu bầu. Việc chuyển giao phiếu phải được lập biên bản ghi chính xác thời gian nhận, thời gian chuyển và số phiếu. Việc chuyển giao phiếu phải tuân theo quy định về cách thức và thời hạn quy định. Thông thường, trước khi tiến hành trưng cầu ý dân 2 tuần, ủy ban trưng cầu ý dân tại cơ sở phải nhận được phiếu trưng cầu ý dân. Trong trường hợp trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp thì phải có dự thảo Hiến pháp đi kèm theo mỗi phiếu.
Thủ tục bỏ phiếu được tiến hành theo 2 cách: bỏ phiếu thông thường, bỏ phiếu đặc biệt. Liên bang Nga quy định 3 cách: bỏ phiếu thông thường, bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu lại.
Bỏ phiếu thông thường được thực hiện theo trình tự: cử tri được thông báo trước về ngày, giờ, địa điểm bỏ phiếu. Sau khi xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, cử tri ký tên vào danh sách cử tri đi bầu và được phát phiếu trưng cầu ý dân. Cử tri được bố trí ngồi trong khu vực riêng, yên tĩnh để đánh dấu vào các ô theo cách đồng ý đánh dấu (x). Cử tri tự tay bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Bỏ phiếu đặc biệt (sớm) được thực hiện trong những trường hợp cử tri có lý do chính đáng là, đúng vào thời điểm bỏ phiếu phải đi công tác, đi điều trị bệnh... Thời gian bỏ phiếu sớm diễn ra trước khi tổ chức trưng cầu ý dân không quá 3 ngày. Phiếu đó phải được để trong phong bì dán kín và có chữ ký niêm phong của chính cử tri đó cùng thành viên của ủy ban trưng cầu ý dân. Đến ngày tiến hành bỏ phiếu, phiếu đó được bỏ vào thùng dưới sự chứng kiến của các quan sát viên trên cơ sở bảo đảmniêm phong.
Ngoài ra, bỏ phiếu đặc biệt cũng quy định thủ tục bỏ phiếu ngoài khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân (đây được coi là trường hợp dùng hòm phiếu lưu động) trong các trường hợp có lý do về sức khỏe và các sự cố khác khiến cho cử tri đó không thể đến nơi bầu cử.
2.8. Thủ tục kiểm phiếu, lập biên bản kết quả bỏ phiếu
Việc kiểm phiếu, lập biên bản kết quả bỏ phiếu ở các nước thường do ủy ban trưng cầu ý dân thực hiện dưới sự chứng kiến và giám sát của đại diện cử tri và các quan sát viên, phóng viên báo chí. Các hòm phiếu chỉ được mở và có giá trị khi vẫn còn dấu niêm phong trước khi mở.
Biên bản kết quả trưng cầu ý dân được lập thành nhiều bản (thông thường là 3 bản) ghi rõ số phiếu phát ra, số phiếu thu về, số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ, số cử tri đi bầu, thời gian kiểm phiếu, kết quả kiểm phiếu và có đầy đủ chữ ký của thành viên ủy ban trưng cầu ý dân.
Sau khi kiểm phiếu, toàn bộ số phiếu đã kiểm phải được niêm phong gửi kèm biên bản lên ủy ban trưng cầu ý dân cấp trên.
2.9. Thủ tục xác định kết quả trưng cầu ý dân
Việc xác định kết quả trưng cầu ý dân do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân thực hiện sau khi tổng hợp kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân do các ủy ban trưng cầu ý dân ở cơ sở gửi lên. Việc xác định kết quả trưng cầu ý dân được thực hiện dưới hình thức văn bản về các nội dung như: tổng số cử tri đăng ký, tổng số cử tri chính thức đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân và kết quả kiểm phiếu của từng khu vực bỏ phiếu.
2.10. Công bố kết quả trưng cầu ý dân
Công bố kết quả trưng cầu ý dân là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tuyên bố công khai kết quả trưng cầu ý dân. Thủ tục công bố kết quả trưng cầu ý dân là giai đoạn cuối của quy trình trưng cầu ý dân. Thời gian thực hiện thủ tục công bố kết quả trưng cầu ý dân được tiến hành ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân được quyết định. Tuy nhiên, cũng có nước dànhmột thời gian nhất định cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân và các công việc khác trước khi tiến hành công bố kết quả trưng cầu ý dân[6].
(Theo Ths. Trương Thị Hồng Hà // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com