B- Những việc Trọng tài nên làm khi vận dụng pháp luật
Việc làm tăng ý thức của doanh nghiệp chọn Trong tài để giải quyết tranh chấp không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng văn bản pháp luật hay vận dụng pháp luật của Tòa án, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chính công việc của Trọng tài. Những việc Trọng tài làm càng thuyết phục bao nhiêu thì chúng ta càng thuyết phục các bên chọn Trọng tài. Nhìn nhận thực tế trọng tài quốc tế Việt Nam hiện nay, thì chúng ta có thể cho rằng Trọng tài Việt Nam chưa thực sự thuyết phục. Do đó, nếu chúng ta muốn doanh nghiệp đưa tranh chấp ra Trọng tài thì bản thân Trọng tài cũng cần có sự thay đổi từ góc độ tố tụng (1) cũng như nội dung vụ tranh chấp (2).
1) Cần thận trọng trong quá trình tố tụng
Sai phạm tố tụng. Quan sát thực tiễn trọng tài quốc tế ở Việt Nam, chúng ta thấy Trọng tài đã không hiếm khi mắc phải những sai lầm về mặt tố tụng. Đây là việc làm đáng tiếc, làm giảm uy tín của chính Trọng tài. Do vậy, để đem lại lòng tin cho doanh nghiệp, Trọng tài nên có những thay đổi, cố gắng. Ví dụ sau đây cho thấy điều này.
Không tôn trọng thỏa thuận. Công ty Nghệ An và Công ty Summit đã thỏa thuận rằng “mọi thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh”. Việc chọn tiếng Anh này phù hợp với khoản 7, Điều 49 Pháp lệnh. Do đó, việc không tôn trọng tố tụng này là cơ sở để Tòa án hủy quyết định trọng tài.
Thật vậy, Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội đã xét rằng “việc Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam hỏi các bên về việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp của Hội đồng Trọng tài, thì không thể coi là Summit đã đồng ý việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp ngày 6/5/2005 của Hội đồng Trọng tài. Vì chính trong Phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã thể hiện: 3 Phía bị đơn vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Và tại Biên bản phiên họp ngày 6/5/2005 cũng phản ánh: 3 Bên Bị không có mặt đại diện ủy quyền hợp pháp tại đây. Việc bà Hương (người tham dự) đã ký vào 3 Biên bản về sử dụng ngôn ngữ tại phiên họp giải quyết vụ kiện số 27/043là người không được ủy quyền. Do đó, Hội đồng Trọng tài đã vi phạm Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại” (13).
Ví dụ vừa rồi cho thấy, Tòa án hủy quyết định trọng tài vì Hội đồng Trọng tài không tôn trọng ngôn ngữ mà các bên thỏa thuận cho tố tụng.
2) Cần có sự thay đổi khi giải quyết nội dung tranh chấp
Pháp luật điều chỉnh (văn bản). Khoản 5, Điều 49 Pháp lệnh quy định: “Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này, tập quán thương mại quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp”. Vậy theo Điều 49, các bên có quyền thoả thuận chọn pháp luật một nước và tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng. Và “trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định” (khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh). Cũng cần biết là theo Quy tắc tố tụng của Trọng tài quốc tế Việt Nam được áp dụng từ ngày 1/7/2004, trong trường hợp như vậy, “Hội đồng Trọng tài quyết định chọn luật áp dụng mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp”.
Như vậy, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn và, nếu không có sự lựa chọn của các bên, Trọng tài tự quyết định.
Thực tiễn pháp lý. Trong thực tế, Trọng tài Việt Nam nhìn chung là hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ, liên quan đến tranh chấp giữa một công ty Việt Nam và một Công ty Malaisya, theo Hội đồng Trọng tài, “trong Hợp đồng số No S0040 /05, hai bên đã xác định tại thỏa thuận Trọng tài là chọn quy tắc tố tụng và pháp luật của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Mặt khác, trong đơn kiện của Việt Linh gửi Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam có nêu rõ việc áp dụng pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại 1997, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003, Nghị định 25/2004/NĐ-CP ngày 15/1/2004, Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31/7/2003 và quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Phía bị đơn cho đến thời điểm mở phiên xét xử không hề có ý kiến phản bác đối với đề nghị áp dụng luật của công ty Việt Linh. Xuất phát từ những căn cứ này, Hội đồng trọng tài quyết định luật áp dụng là pháp luật nước CHXHCN Việt Nam để giải quyết vụ kiện”.
Nhận xét. Mặc dù văn bản quy định các bên có thể chọn pháp luật điều chỉnh và khi các bên không lựa chọn thì Trọng tài quyết định, nhưng thực tế, bằng cách này hay cách khác, Trọng tài hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ nêu trên cho thấy điều đó (14). Từ ba năm nay, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm một quyết định của Trọng tài quốc tế Việt Nam mà ở đó, Trọng tài thực sự áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm thấy. Với thực tế như vậy, thì Trọng tài Việt Nam không khác gì Tòa án Việt Nam vì, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tòa án thường hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam (15).
Hơn nữa, đôi khi việc Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam không thuyết phục. Chẳng hạn, trong một quyết định của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chúng ta thấy ghi như sau: “mức phạt hợp đồng 30% giá trị của Hợp đồng là cao hơn so với mức quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại quy định mức phạt hợp đồng không quá 8% giá trị của hợp đồng, do vậy, bị đơn sẽ chỉ phải thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền phạt theo luật là 8% giá trị của hợp đồng”. Như vậy, đối với Trọng tài, theo Luật Thương mại Việt Nam thì “mức phạt hợp đồng không quá 8% giá trị của hợp đồng”. Nhận thức này là không chính xác bởi Luật Thương mại chỉ quy định “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Mức giới hạn của Trọng tài như đã nêu và của Luật Thương mại là khác nhau (16). Như vậy, bản thân Trọng tài vẫn chưa cho thấy họ hiệu quả hơn Tòa án trong việc xác định pháp luật Việt Nam hay pháp luật nước ngoài để điều chỉnh tranh chấp và, khi quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam thì thực tế áp dụng nội dung pháp luật Việt Nam đôi khi không thuyết phục. Do vậy, bản thân công việc mà Trọng tài đã làm không khuyến khích doanh nghiệp đến với họ.
Phân biệt. Pháp lệnh quy định trọng tài giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài và tranh chấp không có yếu tố nước ngoài. Nhìn chung, những quy định điều chỉnh Trọng tài quốc nội được áp dụng cho Trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, chúng ta có một số đặc thù. Ví dụ, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, “Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp” nhưng “đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”. “Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định” (Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài). Theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, các bên chọn “Trọng tài viên có tên trong Danh sách Trọng tài viên”. Nhưng, “trong vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài”, họ “có thể chọn một Trọng tài viên có tên trong hoặc ngoài Danh sách Trọng tài viên”. Cũng theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế (Điều 18), “ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt”.
Việc phân biệt hai loại trọng tài (có yếu tố nước ngoài và không có yếu tố nước ngoài) là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn dè dặt. ở Pháp, liên quan đến khái niệm “thương mại quốc tế” (điều kiện để thỏa thuận trọng tài có giá trị pháp lý), văn bản sử dụng cụm từ này nhưng không định nghĩa. Do đó, Tòa án đã vận dụng theo hướng có lợi cho trọng tài quốc tế. Chẳng hạn, nếu là tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì tranh chấp giữa một thương nhân và một người tiêu dùng không thể được đưa ra trước trọng tài vì đây không phải là tranh chấp thương mại. Nhưng đối với trọng tài quốc tế thì Tòa án Pháp đã cho rằng, thỏa thuận trọng tài giữa một công ty nước ngoài và một cá nhân Pháp về việc mua một chiếc ô tô cá nhân có giá trị pháp lý. ở đây, chúng ta thấy Tòa án đã tách khái niệm “thương mại” trong quan hệ có yếu tố nước ngoài ra khỏi khái niệm “thương mại” trong quan hệ trong nước. Họ sử dụng khái niệm “thương mại” này ở hai đối tượng khác nhau với hàm ý khác nhau theo hướng có lợi cho trọng tài quốc tế. Đây cũng là một kinh nghiệm để chúng ta học hỏi khi chúng ta muốn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Kết luận. Việc Trọng tài có hiệu quả hay không, việc các doanh nghiệp có muốn đưa tranh chấp ra Trọng tài hay không không phải là công việc của một người, mà phụ thuộc vào cả một hệ thống. Tất cả phụ thuộc vào chính sách của các nhà xây dựng văn bản, vào chính sách của những người áp dụng văn bản và vào chất lượng xét xử của Trọng tài. Hiện nay, Trọng tài chưa thực sự được đánh giá cao ở Việt Nam; trong khi đó, ở các nước như ở Pháp và Trung Quốc, Trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp. Thực tế này ở Việt Nam không hẳn là do văn bản chưa thực sự phù hợp, mà còn do cách vận dụng văn bản của Tòa án và sự không thuyết phục của những gì Trọng tài đã làm. Nếu chúng ta muốn thay đổi thực tế này, thì cùng một lúc những nhà xây dựng văn bản và áp dụng văn bản cùng phải cố gắng với một chính sách ủng hộ Trọng tài.
(Theo TS. Đỗ Văn Đại // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com