Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giới thiệu Chính sách – Pháp luật Qui định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Ngày 3-3-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nghị định qui định về xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cách giải quyết bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ,... Từ ngày 20-4-2010, nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành.

* Nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước

Nhà nước chỉ bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại như sau: Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định; Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây: Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường. Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Thiệt hại xảy ra trong điều kiện vì người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn. Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.

* Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục, Cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác trực thuộc UBND tỉnh trực tiếp quản lý thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên UBND cấp huyện và người thi hành công vụ do các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện trực tiếp quản lý thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là UBND cấp huyện. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên UBND cấp xã hoặc là cán bộ, công chức cấp xã thì UBND cấp xã là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

* Trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự

Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục Thi hành án dân sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Tổng cục Thi hành án dân sự. Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng. Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu.

* Thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường theo quy định. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường.

* Xác định mức bồi thường của công chức làm sai

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả theo quy định. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp có qui định khác.

 

(Theo N.S thực hiện/CanTho)

  • Sửa đổi hiến pháp ở Mỹ (tiếp theo kỳ trước)
  • Những khác biệt trong pháp luật phòng, chống tham nhũng Việt Nam và Singapore(phân I)
  • Những khác biệt trong pháp luật phòng, chống tham nhũng Việt Nam và Singapore (phần II)
  • Sửa đổi Hiến pháp ở Mỹ
  • Tòa án hình sự quốc tế - một thiết chế pháp lý bảo vệ các quyền con người (Tiếp theo kỳ trước)
  • Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp tại một số nước
  • Vấn đề đảng cầm quyền và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản
  • Quyền lập quy của Chính phủ Liên bang Nga
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%