Liên minh châu Âu (EU) là tổ chức liên kết khu vực thành công nhất thế giới với 27 quốc gia thành viên. Quá trình xây dựng và phát triển EU là quá trình từng bước chuyển giao quyền hạn kinh tế từ các nước thành viên lên cấp độ liên minh. Nghị viện châu Âu (EP) cùng với Hội đồng Liên minh châu Âu (the Council), tạo thành lưỡng viện lập pháp của các thể chế trong EU và được mô tả là những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Tòa Nghị viện châu Âu tại Strasbourg. Trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện tổ chức bộ máy EU xoay quanh trục thể chế Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu và Tòa án châu Âu. Những thể chế này được hình thành từ những năm 1950, được hoàn thiện dần qua những lần sửa đổi, bổ sung các hiệp ước và đỉnh cao là Hiến pháp châu Âu (2004) đã cải cách thể chế EU đáp ứng quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU Nghị viện châu Âu (EP) là một trong những thể chế chính trị quan trọng của Liên minh châu Âu, ra đời trên cơ sở hiệp ước thành lập Cộng đồng Than và thép châu Âu năm 1951. Trong quá trình tồn tại và phát triển, EP đã có những bước tiến không ngừng để khẳng định vị thế là cơ quan tham gia vào quá trình lập pháp của liên minh. Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu tạo thành cơ quan lập pháp cao nhất của EU. Tuy nhiên, các quyền như thế bị giới hạn bởi quyền hạn mà các quốc gia thành viên giao cho Cộng đồng châu Âu. Do đó, định chế này có ít quyền kiểm soát đối với các lĩnh vực chính sách do các quốc gia thành viên và các trụ cột của Liên minh châu Âu đề ra. Nghị viện châu Âu bao gồm 736 nghị sĩ, cấu thành khu bầu cử dân chủ lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và là khu bầu cử dân chủ xuyên quốc gia lớn nhất thế giới (492 triệu người). Nghị viện được bầu cử trực tiếp mỗi 5 năm một lần theo thể thức phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín, kể từ năm 1979. Dù EP có quyền lập pháp mà các cơ quan nói trên không có, cơ quan này lại không có quyền chủ động lập pháp như phần lớn các nghị viện quốc gia. Trong khi nó là “thể chế đầu tiên” của EU (được nêu đầu tiên ở trong các hiệp ước, có quyền lực lễ nghi ở trên các cơ quan khác cấp châu Âu), hội đồng lại có quyền về lập pháp cao hơn nghị viện nếu thủ tục cùng quyết định (quyền bình đẳng về sửa đổi và bác bỏ) không áp dụng. Tuy nhiên, nghị viện lại có quyền kiểm soát ngân sách liên minh kể từ thập niên 1970 và có quyền phủ quyết đối với việc bổ nhiệm Ủy ban châu Âu. Nghị viện châu Âu có hai địa điểm họp, đó là Immeuble Louise Weiss ở Strasbourg (Pháp), dành cho các phiên họp toàn thể và là trụ sở chính. Tổ hợp Espace Léopold/Leopoldwijk ở Brussel (Bỉ), là tòa nhà nhỏ hơn, phục vụ các cuộc họp trù bị và bổ sung, không toàn thể. Nhiều người dân EU, nhất là người dân ở những nước giàu có mà ít dân tại Tây và Bắc Âu, xem EP như một cỗ máy tiêu tiền khổng lồ. Chỉ nội chi phí cho hàng ngàn nhân viên chuyên chở các thùng tài liệu qua lại giữa hai trụ sở tại Brussels và Strasbourg cùng tiền bảo trì hai tòa nhà bề thế này mỗi năm đã ngốn khoảng 200 triệu euro của người nộp thuế, chưa kể tới lương bổng và chi phí di chuyển nhiều lần trong năm của hàng ngàn đại biểu và viên chức trong nghị viện. HỘI ĐỒNG LIÊN MINH CHÂU ÂU Còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng, là cơ quan chịu trách nhiệm quyết định các chính sách lớn của EU. Hội đồng bao gồm 27 bộ trưởng của các quốc gia thành viên, tuy nhiên, số lượng thành viên chính xác còn phụ thuộc vào các vấn đề được bàn thảo. Bộ luật của EU hạn chế trong một vài vùng chính sách đặc biệt, tuy nhiên nó có thẩm quyền cao hơn luật quốc gia. Khi hội đồng hoạt động trên bình diện siêu quốc gia và đa chính phủ, trong một vài vấn đề hội đồng có quyền cao hơn Nghị viện châu Âu và chỉ cần ý kiến phê chuẩn của cơ quan nghị viện. Trong một vài vấn đề, hội đồng sử dụng thủ tục đồng quyết, trong đó hai cơ quan ngang hàng nhau về quyền lực. ỦY BAN CHÂU ÂU VÀ TÒA ÁN CHÂU ÂU Hai trụ cột còn lại của Liên minh châu Âu là Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu. Ủy ban châu Âu là cơ quan điều hành liên minh, gồm 20 ủy viên với nhiệm kỳ 5 năm do các chính phủ nhất trí cử và chỉ bị bãi miễn với sự nhất trí của Nghị viện châu Âu. Dưới các ủy viên là các tổng vụ trưởng chuyên trách từng vấn đề, từng khu vực. Còn Tòa án châu Âu có trụ sở tại Luxembourg, gồm 15 thẩm phán và 9 luật sư, do các chính phủ thỏa thuận bổ nhiệm, nhiệm kỳ 6 năm. Tòa án có vai trò độc lập, có quyền bác bỏ những quy định của các tổ chức của Ủy ban châu Âu và văn phòng chính phủ các nước nếu bị coi là không phù hợp với luật của EU.
Hội đồng Liên minh châu Âu không có chủ tịch duy nhất mà vị trí chủ tịch được luân phiên giữa thành viên các nước 6 tháng một lần và bộ trưởng được bầu phải lên chương trình nghị sự cho hội đồng. Một vị trí quan trọng nữa trong Hội đồng Liên minh châu Âu là tổng thư ký, người đại diện cho chính sách ngoại giao của EU.
(Theo KHÁNH NGỌC // Báo Phú Yên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com