Thay đổi trọng tâm của Tòa án tối cao
Đến khoảng năm 1865, mối quan hệ pháp lý giữa chính quyền quốc gia và bang, hay các vụ việc mang tính chế độ liên bang, là công việc chủ yếu của Tòa án tối cao. John Marshall tin tưởng vào chế độ một chính quyền quốc gia mạnh, và không hề ngần ngại trong việc hạn chế các chính sách bang can thiệp vào hoạt động của nó. Một vụ việc thể hiện quan điểm này là vụ Gibbons kiện Ogden (1824), trong đó Tòa án tối cao đã bác bỏ độc quyền bang trong ngành vận chuyển bằng tàu hơi nước, trên cơ sở cho rằng quyền độc quyền đó đã can thiệp vào việc kiểm soát thương mại xuyên bang của quốc gia. Một ví dụ điển hình khác là việc Marshall sử dụng Tòa án tối cao để mở rộng quyền lực của chính quyề n liên bang trong vụ McCulloch kiện Bang Maryland (1819), trong đó vị Chánh án này đã phán quyết rằng Hiến pháp cho phép Quốc hội được thiết lập một ngân hàng quốc gia. Sau khi Marshall qua đời, Tòa án tối cao vẫn tiếp tục kiên định với chính sách ủng hộ một nhà nước quốc gia mạnh. Roger Taney đã thay thế Marshall trở thành Chánh án trong giai đoạn 1836-1864. Mặc dù trong giai đoạn này Tòa án tối cao không hoàn tòan ủng hộ chính quyền liên bang, nhưng Taney đã không đảo ngược định hướng do Marshall lập nên.
Trong giai đoạn 1865–1937, các vấn đề điều tiết kinh tế chiếm phần lớn thời gian của Tòa án tối cao. Việc chuyển trọng tâm từ chế độ liên bang sang điều tiết kinh tế là do việc gia tăng số lượng các đạo luật liên bang và bang nhằm giám sát các hoạt động kinh doanh. Do các đạo luật tăng lên, số vụ đặt vấn đề về tính hợp hiến của chúng cũng tăng lên. Đầu giai đoạn này, quan điểm của Tòa án về việc điều tiết còn nhiều điểm chưa thống nhất, nhưng đến thập niên 1920 thì Tòa án trở nên khá đối nghịch với chính sách điều tiết của chính quyền. Các quy định của liên bang thường bị hủy bỏ trên cơ sở hiến pháp không trao quyền cho Quốc hội, còn các luật bang thường bị loại bỏ vì vi phạm các quyền kinh tế được bảo vệ theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn.
Từ năm 1937, Tòa án tối cao tập trung vào các vấn đề quyền tự do công dân, đặc biệt là quyền hiến định được tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Ngoài ra, ngày càng có nhiều vụ về quyền tố tụng của bị can hình sự. Cuối cùng, Tòa án đã quyết định rất nhiều vụ về vấn đề chính quyền đối xử công bằng với các nhóm chủng tộc và các nhóm thiệt thòi khác.
Tòa án tối cao với tư cách là nhà lập sách
Vai trò lập chính sách của Tòa án tối cao xuất phát từ thực tế nó là cơ quan giải thích luật. Các vấn đề chính sách công được đưa ra xét xử trước Tòa dưới hình thức là các tranh chấp pháp lý cần giải quyết.
Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực bình đẳng chủng tộc. Cuối thập niên 1880, nhiều bang ban hành các đạo luật yêu cầu chia tách phương tiện công ích riêng cho người Mỹ gốc Phi với người da trắng. Ví dụ, năm 1890, bang Louisiana ban hành một đạo luật bắt buộc phải chia tách các phương tiện đường sắt riêng cho người Mỹ gốc Phi và người da trắng, nhưng vẫn đảm bảo công bằng. Hai năm sau, xuất hiện một sự việc gây nhiều phản đối. Lúc đó, có một người da đen mười tám tuổi là Homer Plessy đã chống lại luật của Louisiana và từ chối không chịu rời khỏi ghế dành cho người da trắng trên một chuyến tàu đi từ New Orleans đến Covington, Louisiana. Khi bị bắt và bị buộc tội đã vi phạm luật của Louisiana, Plessey đã khẳng định đây là đạo luật vi hiến. Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết trong vụ Plessey kiện Ferguson (1896), ủng hộ đạo luật trên. Qua đó, Tòa án đã thiết lập chính sách “chia nhưng vẫn công bằng” tồn tại trong suốt 60 năm. Trong thời gian này, nhiều bang đã quy định các chủng tộc phải ngồi tại các khu vực khác nhau trên xe buýt, tàu hỏa, nhà ga, rạp hát; phải sử dụng các nhà vệ sinh khác nhau, và lấy nước từ các vòi nước khác nhau. Đôi khi người Mỹ gốc Phi không được vào các nhà hàng và thư viện công. Và có lẽ quan trọng nhất là các sinh viên người Mỹ gốc Phi thường phải học ở các trường có chất lượng kém hơn.
Việc chia tách chủng tộc trong trường công đã bị phản đối trong một vụ kiện nổi tiếng, đó là vụ Brown kiện Hội đồng giáo dục (1954). Phụ huynh của những trẻ em người Mỹ gốc Phi cho rằng các đạo luật bang bắt buộc hoặc cho phép chia tách đã dẫn đến việc vi phạm nguyên tắc luật pháp bảo vệ công bằng theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn. Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết cho rằng việc chia tách phương tiện giáo dục vốn là một quy định bất công, và do đó việc chia tách là vi phạm quyền bảo vệ công bằng. Trong phán quyết của vụ Brown, Toà đã bác bỏ học thuyết “chia nhưng vẫn công bằng” và thiết lập chính sách giáo dục công không chia tách.
Bình quân một năm, Tòa đưa ra quyết định với các ý kiến được ký tên trong khoảng 80–90 vụ. Hàng ngàn vụ khác được thu xếp mà không cần phải xem xét toàn diện. Nhờ đó, Toà đã giải quyết rốt ráo một nhóm các vấn đề chính sách rất chọn lọc, có điều chỉnh trong suốt quá trình lịch sử. Trong một nền dân chủ, nhiều vấn đề chính sách công cần được giải quyết thông qua những đại diện của người dân, chứ không phải những thẩm phán được chỉ định có nhiệm kỳ trọn đời. Do đó, về nguyên tắc, các thẩm phán Hoa Kỳ không nên lập chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù không chủ động nhưng các thẩm phán vẫn lập chính sách ở một mức độ nào đó.
Nhưng Tòa án tối cao khác các nhà lập chính sách trong ngành hành pháp hoặc lập pháp. Điểm đặc biệt quan trọng là Tòa án không có phương tiện tự khởi xướng. Các thẩm phán phải đợi đến khi vấn đề được đưa ra xét xử trước tòa; sẽ không có việc lập chính sách thông qua tư pháp nếu không có kiện tụng. Tổng thống và các nghị sĩ không gặp phải sự hạn chế đó. Ngoài ra, ngay cả tòa án quyết đoán nhất là Tòa án tối cao cũng bị hạn chế bởi hành động của các nhà lập chính sách khác, như thẩm phán cấp dưới, Quốc hội và Tổng thống. Toà án tối cao phải dựa vào các cơ quan đó thì quyết định của nó mới được thi hành và thực hiện.
Tòa án tối cao với tư cách là cơ quan xét xử cuối cùng
Tòa án tối cao vừa có thẩm quyền xét xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm nghĩa là tòa án có quyền xét xử một vụ việc lần đầu tiên. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm nghĩa là một tòa án cấp cao hơn có quyền xem xét lại các vụ việc đã được xét xử ở một tòa án cấp dưới. Tòa án tối cao chủ yếu làm nhiệm vụ phúc thẩm vì phần lớn thời gian của nó được dành để xem xét lại các phán quyết của tòa cấp dưới. Nó là cơ quan xét xử phúc thẩm tối cao ở Hoa Kỳ. Do đó, nó là cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong việc giải thích Hiến pháp, các đạo luật của các cơ quan lập pháp và các hiệp ước – trừ khi quyết định của Tòa bị thay đổi thông qua sửa đổi hiến pháp, hoặc trong một số trường hợp là thông qua đạo luật của Quốc hội.
Từ năm 1925, xuất hiện một công cụ gọi là “đặc lệnh lấy lên xét xử lại” (certiorari), cho phép Tòa án tối cao được quyền tự quyết định những vụ việc nào nó sẽ xem xét lại. Theo phương pháp này, một người có thể yêu cầu Tòa án tối cao xem xét lại một phán quyết của tòa cấp dưới; và các đại thẩm phán sẽ quyết định xem có đồng ý với yêu cầu đó hay không. Nếu Tòa án tối cao đồng ý xem xét lại, nó sẽ phát “trát đòi lấy lên xét xử lại”, tức là lệnh yêu cầu tòa cấp dưới chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Tòa án tối cao. Nếu yêu cầu đó bị từ chối, quyết định của toà cấp dưới vẫn giữ nguyên giá trị.
Thực tế công việc của Tòa án tối cao
Một kỳ làm việc chính thức của Toà án tối cao kéo dài từ ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười, cho đến khi mọi công việc của năm kết thúc, thường là và o cuố i tháng Sáu hoặc tháng Bảy. Từ năm 1935, Tòa án tối cao có trụ sở riêng ở Washington, D.C; đó là một tòa nhà năm tầng oai nghiêm ố p đá cẩm thạch, trên cửa chính có khắc dòng chữ “Equal Justice Under Law” (“Công lý bình đẳng theo luật pháp”). Tòa nhà này nằm đối diện Đồi Capitol (nơi đóng trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ) qua một con phố. Các phiên chính thức của Tòa án tối cao diễn ra trong một phòng xét xử rộng cỡ 300 chỗ ngồi. Phía trước phòng xét xử là một băng ghế dài để đại thẩm phán ngồi. Khi phiên xét xử diễn ra, Chánh án bước vào qua một tấm phông màu tía phía sau băng ghế và ngồi vào vị trí, tiếp theo là lần lượt các thẩm phán khác. Các ghế thẩm phán được bố trí theo thứ tự thâm niên; Chánh án ngồi ở giữa, tiếp đó là thẩm phán có thâm niên cao nhất ngồi bên phải, thẩm phán tiếp theo ngồi bên trái, và cứ tiếp tục đổi bên như vậy theo thứ tự thâm niên giảm dần. Gần phòng xét xử là phòng nghị án, tại đó các thẩm phán quyết định vụ việc, và các phòng khác là nơi làm việc của thẩm phán và nhân viên tòa án.
Mỗi kỳ làm việc của tòa được chia thành các đợt xét xử cứ hai tuần một lần, trong đó có các phiên xét xử công khai và các cuộc họp nội bộ, và các thời gian nghỉ để các thẩm phán làm việc sau những cánh cửa đóng kín trong lúc xem xét vụ việc và viết ý kiến. Trong mỗi kỳ, Tòa án tối cao xét xử rốt ráo khoảng 80–90 vụ, theo một mô hình tương đối đều đặn.
Tranh tụng. Các cuộc tranh tụng thường được bố trí từ thứ Hai đến thứ Tư của đợt xét xử. Phiên làm việc kéo dài từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều. Do đây không phải là thủ tục sơ thẩm nên không có bồi thẩm đoàn, và không gọi nhân chứng. Thay vào đó, luật sư hai bên sẽ đưa ra luận điểm của mình trước các thẩm phán. Tập quán chung là mỗi bên được tranh tụng 30 phút, tuy nhiên, Tòa có thể quyết định cho thêm thời gian. Toà thường nghe tranh tụng bốn vụ trong một ngày. Trong quá trình luật sư đưa ra luận điểm, họ thường bị các thẩm phán cắt ngang để nêu câu hỏi. Tranh tụng là giai đoạn rất quan trọng đối với cả luật sư lẫn thẩm phán vì đây là giai đoạn duy nhất trong trình tự xét xử có sự trao đổi trực tiếp giữa các bên liên quan.
Nghị án. Vào các ngày thứ Sáu trước đợt xét xử hai tuần, Tòa án tối cao tổ chức nghị án; và vào chiều thứ Tư và cả ngày thứ Sáu của đợt xét xử, Toà cũng tiếp tục nghị án. Trong cuộc họp ngày thứ Tư, các thẩm phán thảo luận về các vụ việc tranh tụng trong ngày thứ Hai. Còn trong cuộc họp ngày thứ Sáu, họ trao đổi về các vụ việc tranh tụng vào ngày thứ Ba và thứ Tư, cộng thêm các vấn đề khác cần xem xét. Vấn đề quan trọng nhất trong số các vấn đề khác được xem xét là các đơn xin phát “trát đòi lấy lên xét xử lại”.
Trước cuộc họp ngày thứ Sáu, mỗi thẩm phán được cung cấp một danh sách các vụ việc sẽ được thảo luận. Cuộc họp bắt đầu khoảng 9 giờ 30 hoặc 10 giờ sáng, và kéo dài đến 5 giờ 30 hoặc 6 giờ chiều. Khi bước vào phòng nghị án, các thẩm phán bắt tay nhau và ngồi vào vị trí quanh một chiếc bàn hình chữ nhật. Cuộc họp được tiến hành sau những cánh cửa đóng kín, và không có bất cứ ghi chép chính thức nào về nội dung thảo luận. Chánh án là người chủ toạ phiên họp và là người đầu tiên đưa ra ý kiến đối với mỗi vụ việc. Các thẩm phán khác lần lượt đưa ra ý kiến theo thứ tự thâm niên.
Số thẩm phán tối thiểu để quyết định một vụ việc là sáu người; số lượng tối thiểu này thường được đáp ứng không mấy khó khăn. Và nhiều lúc các vụ việc được quyết định với số lượng thẩm phán ít hơn chín người, do vắng mặt, ốm đau, không tham gia do mâu thuẫn lợi ích. Quyết định của Tòa án tối cao được thông qua theo nguyên tắc đa số. Trong trường hợp hai bên có số phiếu ngang nhau, thì quyết định của tòa cấp dưới được giữ nguyên.
Viết ý kiến. Sau khi đạt được quyết định tạm thời tại phiên nghị án, bước tiếp theo là giao việc viết ý kiến cho cá nhân một thẩm phán. Nếu Chánh án bỏ phiếu ở bên đa số, thì ông chính là người viết ý kiến hoặc giao việc đó cho một thẩm phán bên phía đa số. Khi Chánh án bỏ phiếu ở bên thiểu số, thì thẩm phán có thâm niên cao nhất bên phía đa số sẽ viết ý kiến.
Sau cuộc họp, thẩm phán chịu trách nhiệm viết ý kiến của Tòa sẽ viết bản dự thảo ban đầu. Các thẩm phán khác có thể viết các ý kiến riêng. Bản ý kiến hoàn chỉnh sẽ được chuyển cho tất cả các thẩm phán ở cả hai nhóm đa số và thiểu số. Người viết dự thảo thường tìm cách thuyết phục các thẩm phán bên phía thiểu số thay đổi quan điểm, và cố gắng giữ nguyên quan điểm của nhóm đa số. Một quá trình thương lượng sẽ diễn ra, và câu chữ của bản ý kiến có thể được thay đổi nhằm thỏa mãn các thẩm phán khác, và được họ ủng hộ. Nếu có sự phân tán trong Tòa, thì sẽ rất khó đạt được một ý kiến thống nhất rõ ràng và thậm chí có thể dẫn đến việc thay đổi kết quả bỏ phiếu hoặc lấy ý kiến của một thẩm phán khác làm phán quyết chính thức của Tòa.
Mặc dù ít vụ đạt được đồng thuận, nhưng hầu hết các vụ đều được đa số ủng hộ. Những người không thống nhất với quan điểm của Tòa được gọi là bất đồng. Một người bất đồng không nhất thiết phải viết ý kiến bất đồng ra; tuy nhiên, trong vài năm lại đây, xu hướng viết ý kiến bất đồng trở nên phổ biến. Khi có nhiều thẩm phán bất đồng, họ có thể viết ý kiến riêng hoặc tập hợp nhau lại thành một ý kiến bất đồng chung.
Đôi lúc một thẩm phán thống nhất với quyết định của Tòa nhưng có nguyên cớ khác để dẫn đến kết luận đó. Trong trường hợp này, thẩm phán đó sẽ viết một văn bản gọi là ý kiến đồng quy. Một ý kiến được ghi là “đồng quy và bất đồng” nếu nó nhất trí với một phần quyết định của Tòa nhưng không thống nhất với các phần khác. Cuối cùng, đôi lúc Tòa có thể đưa ra một ý kiến “per curiam” (theo tòa án) – tức là một loại ý kiến không ký tên và thường là rất ngắn. Loại ý kiến đó thường được dùng khi Tòa chấp nhận xem xét lại một vụ việc, nhưng không giải quyết triệt để. Ví dụ, Toà có thể quyết định vụ việc mà không cần tranh tụng và đưa ra một bản ý kiến “per curiam” để giải thích cho cách giải quyết vụ việc.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Bài thuộc chuyên đề: Giới thiệu sơ lược hệ thống pháp luật Hoa Kỳ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com