Hướng đến mục tiêu cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, quản lý hoá đơn, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã khuyến khích doanh nghiệp (DN) sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để giảm tải cho cả đôi bên, đồng thời đem lại lợi ích và an toàn cho DN. Tuy nhiên, việc triển khai này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Rất ít DN khai thuế qua mạng
Cùng với bộ phận hỗ trợ, tư vấn của Tổng cục Thuế, ngành thuế cũng đang thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ khai thuế qua mạng. Hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng đã được quy định cụ thể trong Thông tư của Bộ Tài chính số 180/2010/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế ban hành ngày 10-11-2010 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2011.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trung bình một năm có khoảng trên dưới 15 triệu lượt giao dịch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Trong khi, DN mỗi ngày một tăng nhưng ngành thuế không được mở rộng, vì vậy tạo nên áp lực về giao dịch và công việc. Nhằm giải quyết áp lực đó, cần phải ứng dụng tin học để mở rộng giao dịch gián tiếp thì mới giảm tải được giao dịch trực tiếp, tăng độ chính xác của số liệu trong các báo cáo. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Cục Thuế đã làm thí điểm nộp tờ khai qua mạng nhưng chỉ có 140 DN thực hiện trong khi tại Hà Nội lên đến 4000 DN. Được biết, đến thời điểm này có nhiều DN vẫn chưa nắm rõ thông tin về thủ tục kê khai thuế qua mạng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại cho rằng, hệ thống CNTT của ngành thuế luôn gặp trục trặc và nghẽn mạng làm mất thời gian hơn. Năm 2011 Tổng Cục thuế sẽ đưa một lực lượng vào thành phố để hướng dẫn cụ thể cho các chi cục, vì vậy việc áp dụng dịch vụ khai thuế qua mạng sẽ thuận lợi hơn, đồng thời sẽ tăng số lượng DN tham gia.
Quản lý chặt hoá đơn điện tử
Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, DN có thể ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý hệ thống kế toán khi thực hiện hoá đơn tự in để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu các vấn đề phát sinh trong việc in ấn, quản lý hoá đơn. Thời gian qua, rất nhiều DN đến cơ quan thuế xin áp dụng hoá đơn điện tử. Tuy nhiên, hình thức này mới được áp dụng tại Việt Nam nên DN không khỏi lúng túng. Đại diện Công ty du lịch Hoà Bình thắc mắc, đối với những hoá đơn điện tử làm thế nào để phân biệt được đâu là hoá đơn thật, đâu là hoá đơn giả. Ông Nguyễn Minh Phùng, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Tân nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện hoá đơn, không chỉ là cho phép in ra mà còn phải làm sao để chứng nhận những con số đó có giá trị, làm bằng chứng cho báo cáo, người mua đối chiếu hoá đơn như thế nào?...
Giải thích về những vướng mắc về hóa đơn điện tử, bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng thông tin tuyên truyền Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phân tích, Nhà nước quy định 10 chỉ tiêu bắt buộc phải có trên một hoá đơn. Ngoài những chỉ tiêu này, DN tuỳ theo hoạt động của mình có thể đưa thêm các chỉ tiêu khác để thiết kế mẫu hoá đơn tự in, đặt in hoặc điện tử. Điều quan trọng, trong vòng 5 ngày trước khi sử dụng hoá đơn và trong phạm vi 10 ngày kể từ ngày đăng ký phát hành, DN phải làm thông báo kèm theo mẫu hoá đơn gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để thông báo việc phát hành hoá đơn. Sau khi thông báo phát hành hoá đơn, DN gửi đến cơ quan thuế, cơ quan thuế nhận thông báo phát hành có hoá đơn phát hành ký hiệu số mấy, ngày mấy, mẫu hoá đơn đó sẽ làm dữ liệu của ngành thuế cả nước, được đưa lên trang web của Tổng cục Thuế. Ngoài thông báo gửi đến cơ quan thuế, DN phải tự niêm yết hoá đơn tại trụ sở kinh doanh để các đơn vị khi đến bán hàng, mua hàng đối chiếu hoá đơn tránh xảy ra tình trạng lưu hành hoá đơn giả.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com