Nhà báo điều tra người Sri Lanka Attotage Prema Jayantha, nổi tiếng với các bài viết mang tính chiến đấu dưới bút danh Poddala Jayantha, đã nhận được giải thưởng Liêm chính quốc tế năm 2010 cho sự can đảm của mình suốt hai thập kỷ vừa qua. Nhà báo Poddala Jayantha trong thời gian điều trị ở bệnh viện - Ảnh: WSWS Đối diện "Hạnh phúc nhất đối với tôi là có thể đấu tranh chống tham nhũng" Nhà báo JAYANTHA nói với BBC sau khi giải thưởng được công bố Ủy ban Bảo vệ nhà báo gần đây đã xếp hạng Sri Lanka là một trong những nơi tác nghiệp nguy hiểm nhất trên thế giới, khi chính phủ nước này không có động thái gì để trừng phạt những kẻ đã tấn công các nhà báo. Còn theo Tổ chức Ân xá quốc tế, chỉ từ năm 2004 đến nay đã có hơn 30 người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông bị sát hại, đến nỗi nhiều người đã được báo cáo là phải bỏ xứ mà đi vì sợ bị một số phận tương tự. Là tổng thư ký Hội Nhà báo Sri Lanka và là nhà vận động mạnh mẽ cho tự do ngôn luận, Jayantha luôn đi đầu trong chiến dịch truyền thông tự do tại Sri Lanka. Ông chỉ trích những hành động từ hăm dọa cho đến bắt cóc và hành hung các nhà báo. Năm 2004, Poddala Jayantha đã đoạt giải thưởng Liêm chính quốc gia do Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Sri Lanka (TISL) trao tặng sau hàng loạt bài báo điều tra về vụ việc được đăng trên tờ Silumina. Một trong những bài báo của ông đã phanh phui vụ biển thủ tới 3,6 tỉ rupi (khoảng 37 triệu USD) thuế giá trị gia tăng (VAT) của một tổ chức chính phủ. Đây được xem là vụ lừa đảo thuế lớn nhất ở Sri Lanka và cả khu vực Nam Á. Đầu mùa hè năm 2007, cảnh sát Sri Lanka thông báo hoàn tất cuộc điều tra về việc gian lận hàng tỉ rupi tiền thuế VAT và khởi tố bảy người tình nghi. Thứ trưởng tài chính Ranjith Siyambalapitiya cho biết Cục Điều tra hình sự đã bàn giao vụ án cho bộ trưởng tư pháp, nhưng bảy nghi phạm và lãnh đạo vẫn chưa bị bắt. Họ được cho là đã chạy trốn ra nước ngoài và hiện Interpol đang truy nã ráo riết. Tài sản của các nghi phạm đã bị đóng băng. Hai trong số nghi phạm đã bị bắt, một trong số đó là phó cục thuế. Sau này, Bộ Tài chính đã “đóng cửa” các sơ hở có thể xảy ra gian lận và siết chặt thủ tục hơn nữa để ngăn chặn lừa đảo. Vào thời điểm vụ biển thủ này được phát hiện, đã có bài báo cho rằng nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng số tiền trong các quỹ đen ở những đơn vị này có thể lên tới 10 tỉ rupi trong vài năm qua. Trong cuộc đời, Poddala Jayantha không cho phép các bài điều tra của mình chỉ đơn thuần là bài báo in ra để rồi lãng quên. Sau khi công bố bài báo điều tra, năm 2008 Jayantha nộp đơn tố cáo đến Cục chống gian lận Sri Lanka. Kết quả là kẻ phạm tội bị bắt giữ và kết án. Môi trường hoạt động khắc nghiệt Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho hơn 20 triệu dân, hệ thống báo chí của Sri Lanka có hàng chục tờ báo, có cả báo tiếng Anh, một chục tạp chí và hơn 30 đài phát thanh truyền hình cùng vô số trang thông tin điện tử. Đây là lần thứ hai Sri Lanka giành giải thưởng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Giải thưởng đầu tiên thuộc về tổng biên tập báoSunday Leader Lasantha Wickrematunga khi ông nhậm chức vào năm 2000.
Sau một loạt sự đe dọa ám sát, Jayantha đã bị một nhóm côn đồ bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn. Đó là khoảng 4g30 chiều 1-6-2009, tại giao lộ Embuldeniya ở Nugegoda. Ông vừa bước ra khỏi tiệm thuốc thì một nhóm sáu người đàn ông bất ngờ tiến đến trói tay ông lại và đẩy lên một chiếc xe tải màu trắng.
Trong số các nhân chứng có nhà báo và từng là cựu chiến binh Bennet Rupasinghe. Ông đã gọi ngay cho vợ của Jayantha và khuyên bà nên đến trình báo cảnh sát. Vì nạn nhân lần này là ông Jayantha nên vụ việc đã nhận sự quan tâm rộng rãi. Trong một cuộc họp giữa tổng thống và các nhà báo gạo cội của Sri Lanka, sự việc đã được đưa ra bàn bạc. Còn công đoàn các nhà báo và những tổ chức nhân quyền liên tục tổ chức biểu tình đấu tranh cho mạng sống của ông. Một tuần sau Poddala Jayantha được trả tự do. Sau này ông kể lại đã bị bọn bắt cóc ném vào một hố nước lầy lội bên lề đường gần một bệnh viện. Quần áo rách rưới, chân trái bị đánh đập nặng nề còn chân phải thì bị phỏng do lửa đốt. Jayantha gắng lê bước đến bệnh viện gần đó. Người ta đã nhận ra ông và nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Quốc gia ở Colombo. Jayantha kể những kẻ bắt cóc đã bịt mắt và đánh gục ông bằng thanh sắt và gỗ, liên tục nguyền rủa ông là kẻ phản bội đất nước. Chúng nghiền nát các ngón tay trái của ông như một sự cảnh báo về nghề viết báo. Ngất đi và tỉnh lại, ngay lúc ấy Jayantha tin chắc việc tàn phế một tay cũng sẽ không cản trở được niềm tin công lý. Điều trớ trêu là chính những đồng nghiệp của ông, những người cung cấp thông tin về vụ bắt cóc lại bị thẩm vấn! Hai nhà báo Bennet Rupasinghe và Sandaruwan Senadheera làm việc tại Lankae News đã bị cảnh sát bắt giữ và hỏi cung sau vụ tai nạn. Tòa án sau đó cho phép họ được tại ngoại bất chấp sự phản đối của cảnh sát. “Đây rõ ràng là một kế hoạch nhằm chuyển hướng trọng tâm cuộc điều tra của cảnh sát”, Jayantha nói với BBC khi đang điều trị trong bệnh viện hồi năm ngoái. Jayantha phải viết thư đến cảnh sát trưởng để yêu cầu họ không được đối xử khắc nghiệt với những người đã cứu mạng mình. “Đại sứ các nước phương Tây đã nói với tôi nhiều về việc rời khỏi Sri Lanka từ trước khi tôi bị tấn công, nhưng tôi không bao giờ muốn rời khỏi đất nước”, ông nói với báo chí như vậy. Thậm chí ông đã từ chối với thái độ coi thường những gợi ý sẽ có được thị thực tại một quốc gia phương Tây nào đó. Nhưng rồi áp lực nặng nề, thông tin liên tục về những nhóm vũ trang đang cố gắng bắt cóc Jayantha đã khiến nhà báo này không còn sự chọn lựa. Ông ngậm ngùi chuyển sang Mỹ sinh sống. Từ sau vụ Jayantha lưu vong thì nền báo chí độc lập tại Sri Lanka gần như sụp đổ, khi hầu hết các phương tiện truyền thông giờ đây đã “biết điều” hơn nhằm bảo đảm sự sống còn của mình! Jayantha đã không đến Thái Lan để nhận giải thưởng Liêm chính quốc tế 2010. Giờ đây, người ta không thể ca ngợi ông như trước vì ông không còn hoạt động ở Sri Lanka, nhưng những công sức và nỗ lực của ông xứng đáng được ghi nhận cho quá trình đấu tranh không mệt mỏi vì một nền báo chí liêm chính ở Sri Lanka. CẢNH TOÀN // Theo Tuổi Trẻ -------------------------------------------------- Frank Vogl, một nhà đồng sáng lập của Tổ chức Minh bạch quốc tế, sẽ kể về cách thức mà cả thế giới hôm nay đang làm để tiếp cận con đường chống tham nhũng...
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com