Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua với thời gian để đặt in hoá đơn

Theo Thông tư 153/2010/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính (BTC) ban hành thì kể từ ngày 1.1.2011, DN phải tự in hoá đơn, đặt in hoá đơn hoặc phải sử dụng hoá đơn điện tử thay vì sử dụng hoá đơn mua của cơ quan thuế (trường hợp DN còn hoá đơn đã mua của cơ quan thuế thì cũng chỉ được sử dụng đến hết ngày 31.3.2011).
 
Như vậy, DN chỉ có thời gian vỏn vẹn 3 tháng để thay đổi hoàn toàn cách thức sử dụng hoá đơn truyền thống đã tồn tại mấy chục năm nay (chủ yếu mua hoá đơn của cơ quan thuế để sử dụng). Với thời gian còn lại quá ngắn, theo ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM, cộng đồng DN và các cơ sở in chắc chắn sẽ “trở tay không kịp”.

Theo tính toán của ông Tiền, do hoá đơn điện tử còn khá mới mẻ nên chưa có nhiều DN sử dụng vì vậy, trên 350.000 DN đang phải mua hoá đơn của cơ quan thuế đều có nhu cầu đặt in hoá đơn. Tất cả các DN này đều phải thiết kế mẫu hoá đơn, xây dựng kế hoạch sử dụng số lượng hoá đơn cần in, tìm cơ sở in ấn có đủ điều kiện, ký kết hợp đồng đặt in, nhận hoá đơn, thông báo phát hành với cơ quan thuế... “Với thời gian ngắn ngủi còn lại sẽ khiến không ít DN, đặc biệt là những DN ở địa phương không có nhiều cơ sở in gặp khó khăn”, ông Tiền phát biểu.

Theo Thông tư 153/2010/TT-BTC quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, kể từ ngày 1.1.2011, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải sử dụng hoá đơn tự in (tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác); hoá đơn điện tử (tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo Luật Giao dịch điện tử); hoá đơn đặt in (đặt in theo mẫu hoặc mua hoá đơn do cơ quan thuế đặt in).

Dù sử dụng loại hoá đơn nào, trên tờ hoá đơn, DN phải thể hiện đầy đủ những nội dung bắt buộc như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ… Ngoài ra, trên tờ hoá đơn, DN còn được thể hiện những nội dung không bắt buộc khác như tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lô-gô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo nhưng cỡ chữ của các thông tin tạo thêm nhất thiết phải nhỏ hơn cỡ chữ nhỏ nhất của các nội dung bắt buộc.

Việc bắt buộc ghi các thông tin về địa chỉ của người bán trên tờ hoá đơn đặt in theo ông Tiền chắc chắn sẽ có không ít hoá đơn phải huỷ bỏ, gây thiệt hại cho DN và phức tạp cho cơ quan thuế. “Trong số nửa triệu DN hiện nay thì đa số phải đi thuê trụ sở làm việc. Những DN này thường phải di chuyển rất bất ngờ do chủ nhà chấm dứt hợp đồng, nếu trên hoá đơn bắt buộc phải ghi địa chỉ trụ sở thì khi DN chuyển trụ sở buộc phải huỷ toàn bộ số hoá đơn đã in”, ông Tiền lo lắng và đề nghị trên tờ hoá đơn chỉ in tên và mã số thuế còn địa chỉ thì nên cho phép DN khắc dấu và đóng vào hoá đơn hoặc in từ máy tính khi phát hành. “Nếu quy định như vậy thì DN có thể đặt in hoá đơn với số lượng lớn và sử dụng được ngay khi chuyển trụ sở”, ông Tiền phát biểu

Vẫn theo ông Tiền, việc Bộ Tài chính cho phép DN in trên tờ hoá đơn những thông tin  phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lô-gô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo “nghe ra thì rất cởi mở” nhưng trên thực tế khó có DN nào thực hiện được hoặc nếu thực hiện được thì cũng không có nhiều tác dụng như mong muốn. “Nếu nội dung bắt buộc sử dụng font chữ 12, logo phải in nhỏ hơn font chữ 12 thì hầu như không còn tác dụng quảng bá hình ảnh, thương hiệu vì không ai có thể nhìn thấy hình ảnh logo vì nó quá nhỏ”, ông Tiền nói.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BASICO lại lo ngại việc quy định những nội dung in thêm phải nhỏ hơn nội dung bắt buộc mà không quy định cụ thể sẽ bị DN lợi dụng hoặc bị cơ quan thuế làm khó dễ khi DN thông báo phát hành hoá đơn. “DN nào cũng muốn quảng bá hình ảnh vì vậy nếu không có quy định cụ thể về cỡ chữ của tờ hoá đơn, trên tờ hoá đơn, DN in font chữ bắt buộc 14 và in các thông tin quảng cáo 13.9 thì không thể phát hiện được đâu là thông tin bắt buộc, đâu là thông tin quảng cáo”, ông Đức phát biểu.

Theo dự kiến ban đầu, BTC cho phép DN sử dụng hoá đơn đã mua của cơ quan thuế đến hết ngày 30.4.2010, nhưng cuối cùng, BTC đã rút ngắn thời gian sử dụng hoá đơn cũ đến hết ngày 31.3.2011 vì vậy, cũng như ông Tiền và nhiều DN khác, ông Đức khá lo lắng cho thời gian “chuyển tiếp” còn lại. “Việc kéo dài thời gian sử dụng hoá đơn cũ không hề gây khó khăn, phiền hà gì cho công tác quản lý nhà nước trong khi lại có lợi cho DN, vì vậy, nên kéo dài thời gian sử dụng cũ đến hết ngày 30.6.2011”, ông Đức kiến nghị.

Việc cho phép DN được tự in hoá đơn (hiện tại mới chỉ có 1 số ít DN được đặt in hoá đơn nhưng chịu sự kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ của cơ quan thuế) theo đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì: “Đây là cuộc cải cách mạnh mẽ trong việc quản lý thuế, tạo điều kiện tối đa cho DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân yên tâm khi bỏ vốn để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh”.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng khá lo ngại tình trạng gian lận thuế, trốn thuế sẽ diễn ra cùng với tiến trình cải cách thủ tục hành chính thuế. “Từ trước đến nay cơ quan thuế quản lý, giám sát rất chặt chẽ việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn nhưng tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp vẫn không thuyên giảm. Bây giờ cho phép DN được tư in hoá đơn, được đặt in hoá đơn (chỉ cần thông báo với cơ quan thuế khi phát hành) thì tình trạng gian lận thuế chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp”, ông Hiển lo ngại.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng hết sức lo ngại tình trạng gian lận thuế, trốn thuế sẽ diễn ra phức tạp hơn sau khi ngành tài chính thực sự cởi trói cho DN trong việc in, quản lý, sử dụng và phát hành hoá đơn nhưng ông vẫn ủng hộ cơ chế này của BTC.

“Quản lý, sử dụng hoá đơn như hiện nay đúng là có hạn chế được tình trạng gian lận thuế nhưng gây khó khăn, phiền hà cho DN, cản trở quá trình sản xuất - kinh doanh của xã hội. Quản lý, sử dụng hoá đơn theo cơ chế mới, nếu cơ quan quản lý nhà nước không quản lý, giám sát chặt chẽ thì tình trạng gian lận thuế sẽ diễn ra, đổi lại sẽ giảm bớt được khó khăn, phiền hà cho DN”, ông Kiên phát biểu.

Theo quan điểm của Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên thì “ăn cơm còn có hạt rơi, hạt vãi” vì vậy không nên quá cầu toàn về việc chống gian lận thuế một cách tuyệt đối khi cho phép DN được tự chủ trong việc quản lý và sử dụng hoá đơn.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Ưu đãi thuế GTGT cho dịch vụ xuất khẩu: vướng nhiều đường
  • Chặn "rác thải ngoại": Hàng rào còn nhiều kẽ hở
  • Bảo vệ người tiêu dùng: Đừng để pháp luật "trên giấy"
  • Phân hạng sàn giao dịch bất động sản : Lại đẻ thêm thủ tục ?
  • Lợi ích lớn và lợi ích nhỏ!
  • Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về 3 dự án luật
  • Hà Nội: Xây dựng sân golf phải hài hòa lợi ích 3 bên
  • Xử lý chính sách ưu đãi thuế cho cơ sở xã hội hóa giáo dục
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%