Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chây ì như Vedan

Tháng 8-2010 này là đúng hai năm kể từ vụ Công ty Vedan Việt Nam bị bắt quả tang xả nước thải giết sông Thị Vải. Đến lúc ấy, thời hạn khiếu kiện Công ty Vedan đòi bồi thường thiệt hại sẽ không còn. Trong lúc người dân, kẻ toan vác đơn đi kiện đòi công lý, người tính thỏa thuận nhận chút tiền “hỗ trợ”, dù ít ỏi nhưng còn hơn phải chờ, thì thái độ chây ì của Vedan vẫn như đang thách thức công luận.

Cuộc mặc cả về hỗ trợ thay cho bồi thường giữa Vedan Việt Nam với các cơ quan nhà nước trải qua không biết bao nhiêu cuộc họp trong gần hai năm qua. Những đề xuất và tranh luận về các con số thiệt hại cuối cùng vẫn chưa được thống nhất, từ hàng ngàn tỉ đồng xuống trăm tỉ rồi chục tỉ cứ như đang thử thách sự kiên trì của người dân, tính nghiêm minh của luật pháp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ban đầu, cách xử lý của cơ quan chức năng khá quyết liệt, với những tuyên bố có thể đóng cửa nhà máy, cho đến việc đề nghị khởi tố hình sự, khiến Vedan nhanh nhảu nộp khoản tiền vi phạm hành chính 267 triệu đồng, đóng 127 tỉ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, và đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, và cam kết chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân.

Nhưng Vedan sau đó đã “lật kèo” khi liên tục có được sự nhượng bộ từ các cơ quan nhà nước, và bắt đầu cò kè mặc cả từ khoản tiền hàng trăm tỉ đồng mà người dân đòi bồi thường, xuống chỉ còn 25 tỉ đồng hỗ trợ cho ba tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.

Ở TPHCM, thời kỳ đầu, trong gần 2.000 đơn của người dân, Hội Nông dân thành phố xác định có khoảng hơn 1.000 đơn có cơ sở, với tổng số tiền thiệt hại lên đến 325 tỉ đồng.

Tháng 3-2010, con số mà hội thống kê được, theo sau kết quả mà Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM công bố Vedan gây ô nhiễm 89% sông Thị Vải, là 107 tỉ, nhưng hai tháng sau đó con số được rút xuống chính thức còn 45,7 tỉ. Đến khi Vedan nhất mực đề nghị chỉ hỗ trợ 7 tỉ đồng, Hội Nông dân tuyên bố sẽ có đơn kiện công ty này, đòi bồi thường 107 tỉ đồng.

Những con số này cũng “nhảy múa” liên tục ở các tỉnh còn lại là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, và khoảng chênh lệch hàng trăm tỉ đồng này có thể sẽ khiến cho hai bên cùng nhau gặp tại tòa án.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, khẳng định sau nhiều lần người dân đã nhân nhượng với Vedan, lần này sẽ không nhân nhượng thêm nữa, và họ đặt trọn niềm tin vào các cơ quan chức năng và khoa học.

Trong khi câu chuyện về Vedan vẫn chưa ngã ngũ thì hàng loạt vụ xả thải lén lút khác ra môi trường lại được phát hiện như Công ty Tung Kuang ở Hải Dương, Công ty Đường Quảng Ngãi, hay mới đây Hào Dương ở TPHCM. Những tuyên bố ban đầu không khỏi khiến người ta nhớ đến trường hợp Vedan năm 2008 và lo rằng sự việc sẽ không được giải quyết rốt ráo.

“Tôi nghĩ chính quyền các địa phương cũng rất cân nhắc trong việc xử lý mạnh tay các doanh nghiệp này. Muốn đóng cửa ngay thì dễ, nhưng còn nhiều chuyện phải giải quyết”, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nói.

Những chuyện phải giải quyết mà ông Đức muốn nói là đóng cửa Vedan và các công ty như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hay ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân của nhà máy, cũng như những người dân đang cung cấp nguyên liệu cho công ty này.

Trao đổi với TBKTSG, ông Đức cho rằng việc bảo vệ môi trường luôn đi đôi với vấn đề an sinh xã hội. “Đây là lỗi của nhà máy và sự thiếu cẩn trọng của cơ quan quản lý, vì thế nếu cùng một lúc mà bắt đình chỉ hoạt động để khắc phục hậu quả thì ảnh hưởng đến rất nhiều việc khác nữa như nguyên liệu, công nhân”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, phần lớn các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường bị phát hiện trong thời gian qua đều có liên quan thiết thân đến việc mua nông sản thực phẩm của người nghèo. Vì thế khi xử phạt họ cũng phải hết sức cẩn trọng, và thường theo hướng khuyến khích doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm hơn là đóng cửa doanh nghiệp để tránh những thiệt hại kinh tế cho người dân.

Khi được hỏi về việc so sánh vụ Vedan Việt Nam với vụ tràn dầu của BP ở Mỹ, một chuyên gia về môi trường Mỹ cho rằng trường hợp BP là một tai nạn, còn Vedan ở Việt Nam là cố ý. Do đó những vụ như Vedan không thể nào xảy ra ở trên đất Mỹ được, vì luật pháp ở đây quy định rất rõ và có chế tài rất nặng.

(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Chung quanh việc đấu giá quyền sử dụng đất Vườn Non, thị trấn Thiên Tôn
  • Theo hóa đơn hay số tiền đã thu?
  • Thuế TNDN đối với báo chí : Nhiều thay đổi tích cực
  • Đơn giản hoá thủ tục thuế
  • Xử phạt lái xe không có bằng lái FC: Hàng hóa tiếp tục ùn ứ, cảng sắp tê liệt
  • Cần ban hành luật để chấm dứt “làm giá phân bón”
  • Bán “đất công” với giá “bèo”
  • Mức phạt VPHC trong khám chữa bệnh cao nhất là 40 triệu đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%