Do không có bằng lái FC, khoảng 60% số lái xe ôtô đầu kéo kéo sơmi rơmoóc (gọi tắt ôtô đầu kéo) tại khu vực TPHCM đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 1.7 và tình trạng này khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắp bị tê liệt.
Ngày 7.7, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và các doanh nghiệp vận tải về việc tổ chức đào tạo, sát hạch cấp bằng lái hạng FC.
Cảng container lớn nhất TPHCM sắp tê liệt
Cảng Cát Lái (Q.2, TPHCM) thuộc Cty Tân Cảng, là một cảng chuyên vận chuyển hàng container xuất - nhập khẩu (XNK) lớn nhất TPHCM, với sản lượng hàng XNK bằng container thông qua cảng chiếm khoảng 80% tổng sản lượng của khu vực TPHCM và chiếm trên 45% tổng sản lượng hàng container thông qua cả nước.
Tuy nhiên, từ ngày 1.7 đến nay, do nhiều lái xe ôtô đầu kéo tạm dừng hoạt động, đã làm cho khâu vận chuyển hàng hóa từ cảng đến các kho bãi, cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp XNK và ngược lại, bị gián đoạn. Tính đến tối 6.7, lượng hàng tồn tại cảng đã lên đến 30.875 teus, chủ yếu hàng nhập về cảng chậm được giải phóng.
Theo ông Ngô Minh Thuấn - Phó Tổng GĐ Cty Tân Cảng - từ 1.7 đến nay, sản lượng chung của cảng giảm 13,3%, trong đó đáng quan ngại là sản lượng từ các cảng ICD, nhà xuất khẩu về cảng Cát Lái để xuất đi đã giảm đến 17,7%; riêng hàng nhập khẩu về cảng Cát Lái hiện đã vượt quá công suất chứa của cảng khoảng 10%.
Về vấn đề này, ông Lê Đặng Quỳnh Nghi - Phó GĐ Cty cổ phần đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng - cho biết: “Ngoài số lượng hàng nhập về cảng đang tồn vượt quá công suất 10%, hiện mỗi ngày còn có thêm khoảng 500-800 teus hàng nhập về cảng tiếp tục tồn đọng. Do đó, nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải phóng hàng kịp thời, e rằng 1-2 tuần tới cảng Cát Lái sẽ bị tê liệt”.
Cũng theo ông Quỳnh Nghi, Cty đang có kế hoạch “chữa cháy” bằng cách tạm thời tăng cường vận chuyển bằng đường thủy để giải phóng hàng chuyển đến các ICD. Đồng thời, thực hiện việc chuyển bằng đường thủy đối với các container hàng nhập tồn tại bãi cảng Cát Lái trên 20 ngày về cảng Tân Cảng (Q.Bình Thạnh - cảng cũ), để giao cho khách hàng sau khi có ý kiến đồng ý của hải quan...
Phải có giải pháp khẩn cấp
Mặc dù tình hình ùn ứ hàng hóa tại các cảng, kho bãi đang diễn ra căng thẳng, song tại cuộc họp với đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ VN, vấn đề nóng nhất hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Bởi lẽ, đoàn kiểm tra chỉ thuộc Tổng cục Đường bộ VN, trong khi vướng mắc về quy định xử phạt lái xe điều khiển ôtô đầu kéo không có bằng lái FC từ ngày 1.7.2010 lại nằm ở Nghị định 34 của Chính phủ.
Bởi vậy, đoàn kiểm tra chỉ lắng nghe để rồi báo cáo lại với Bộ GTVT. Tại cuộc họp, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Công an sớm tham mưu đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian xử phạt đối với lái xe ôtô đầu kéo không có bằng lái FC đến ngày 31.12.2010 (thay vì từ 1.7.2010 như quy định tại Nghị định 34). Theo các doanh nghiệp vận tải, bây giờ không phải lúc tranh cãi ai đúng, ai sai, mà điều quan trọng cần có giải pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề hàng XNK bị ùn ứ.
Khan hiếm tài xế hạng FC, xuất hiện tiêu cực
Theo ông Đinh Nam Dinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - trong khi nhu cầu thực tế về vận chuyển hàng container rất lớn, nhưng hiện còn đến khoảng 50-60% lái xe ôtô đầu kéo chưa có bằng lái FC, nên đã xuất hiện một số tiêu cực. Cụ thể như: Một số người tìm mọi cách mua bằng lái hạng FC (chưa chắc là bằng thật), sẵn sàng chung chi cho CSGT khi bị kiểm tra, giữa các doanh nghiệp với nhau có chuyện ra giá cao hơn để lôi kéo tài xế có bằng FC của doanh nghiệp khác...
Tình trạng thiếu hụt bằng lái FC cũng khiến cho không ít doanh nghiệp vận tải đau đầu, thậm chí có doanh nghiệp tranh thủ cuộc họp ngày 7.7, để rao tuyển 30-50 tài xế có bằng FC từ các doanh nghiệp khác và sẵn sàng trả thêm lương căn bản cho tài xế từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Còn ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - khuyến cáo, với sự khan hiếm tài xế hạng FC như hiện nay, rất dễ dẫn đến tình trạng lái xe bị ép tăng ca, tăng giờ để giải phóng hàng hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tài xế và nguy cơ gia tăng khả năng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com