Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có cần Luật Đầu tư công?

Minh họa: Khều.

Dự án Luật Đầu tư công đã hai lần được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vào năm 2007 và 2009, nhưng đều bị trì hoãn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được phân công soạn thảo dự án luật này chưa đưa ra đủ lập luận khoa học và cơ sở thực tiễn để chứng minh sự cần thiết của dự án luật.

Nhiều cách hiểu về đầu tư công

Trước hết, đầu tư công được hiểu là các dự án do Nhà nước bỏ vốn ra, đầu tư vào một chương trình hay dự án cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có cách hiểu khác nhau về phạm vi của đầu tư công.

Có ý kiến cho rằng đầu tư công chỉ nên là những dự án không nhằm mục đích kinh doanh, không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Như vậy, đó là hoạt động công ích? Nếu là hoạt động công ích thì đã được quy định trong Luật Đầu tư. Luật này giao cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hoạt động công ích, danh mục sản phẩm dịch vụ công ích, còn hình thức thực hiện có thể là giao kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Về bản chất, trong phát triển kinh tế không có dự án đầu tư nào không có lợi ích, còn việc hoàn vốn nhanh hay chậm phụ thuộc vào phương án khả thi của dự án. Nếu đặt tiêu chí đầu tư công như thế thì không hợp lý, nếu đã không có lợi ích, không có hiệu quả kinh tế thì Nhà nước cũng không nên làm. Nhà nước chỉ nên có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các dự án mà các nguồn vốn khác không có khả năng hoặc không muốn đầu tư.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia cũng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội có thuộc phạm vi của đầu tư công? Nếu có, cũng cần làm rõ trong việc lập chương trình và trách nhiệm thực hiện, đánh giá hiệu quả của các chương trình này. Quy định hiện hành về chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định 135/2009 của Thủ tướng Chính phủ) đã quy định rõ ai làm gì, làm như thế nào. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các chương trình này cần được đánh giá đúng thực chất. Hàng ngàn tỉ đồng của Chính phủ đã và đang tiếp tục đổ vào các chương trình này, nhưng thực sự người dân được hưởng lợi rất ít, chủ yếu tiêu tiền vào các quy trình, thủ tục ở các cơ quan trung ương và địa phương. Hiện nay, việc giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất lỏng lẻo, chủ yếu là do các bộ, địa phương tự thực hiện và tự giám sát.

Cũng có ý kiến cho rằng dự án đầu tư công là các chương trình, dự án rất lớn mà các nhà đầu tư khác không thể làm được, vì vậy Nhà nước làm chủ đầu tư và quyết định quy trình thực hiện đầu tư và cũng quyết định luôn cả hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Theo phương án này, cần phải loại trừ tất cả các dự án mà các nguồn vốn bên ngoài có thể tham gia đầu tư. Thế nhưng, hiện nay việc các nguồn vốn bên ngoài tham gia đầu tư, kể cả các dự án đầu tư rất lớn như nhà máy điện, khai thác khoáng sản, điện hạt nhân là điều rất bình thường. Như vậy, việc của Chính phủ là kêu gọi đầu tư và cam kết thực hiện quy trình đầu tư, còn việc thực hiện là của các nhà đầu tư. Nếu Nhà nước tham gia góp vốn thì cũng thực hiện quy trình như các nhà đầu tư khác.

Đối tượng của Luật Đầu tư công

Hiện nay, đầu tư công đang được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách với tỷ lệ trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dù chưa có luật, các dự án vẫn được phê duyệt và thực hiện theo quy trình hiện hành dựa vào các Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm liền, Chính phủ đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Đây là một chủ trương kích thích phát triển kinh tế phù hợp, đặc biệt phát huy tác dụng phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, năng lực đầu tư của Nhà nước cũng có hạn, nên cần tính toán đến khả năng hấp thụ vốn, khả năng quản lý để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Các quy định pháp lý cho hoạt động này cũng cần được hoàn thiện nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ, có hiệu quả thực sự.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là cần xây dựng lại quy trình đánh giá sự cần thiết của dự án trước khi phê duyệt, hạn chế tình trạng cho phép, phê duyệt dự án quá dễ dàng, không đánh giá đúng năng lực thực hiện của chủ đầu tư. Các quy định hiện hành về thủ tục phê duyệt đều mang tính hình thức, các dự án hầu hết đều có “hồ sơ đẹp”, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, nhưng phần lớn là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - cơ quan quyết định cấp vốn chính là cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, vừa là cơ quan kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Do đó, để bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong đầu tư công cần hạn chế cho phép các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư công sẽ càng phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, hạn chế được tình trạng tham nhũng, lãng phí nếu có cơ chế cho phép các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư. Vốn nhà nước chỉ nhằm làm “vốn mồi” để kêu gọi các nguồn vốn khác như BOT, BT, BTO, PPP… cùng tham gia dự án.

Vì sao dự án Luật Đầu tư công vẫn chưa được trình Quốc hội?

Dự án Luật Đầu tư công đã hai lần được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vào năm 2007 và 2009, nhưng đều bị trì hoãn. Lý do mà Chính phủ đề nghị hoãn trình dự án luật này là vì phạm vi điều chỉnh của dự luật chưa được làm rõ, trong khi nội dung chủ yếu lại nhằm vào việc xây dựng một quy trình, thủ tục quản lý đầu tư công mới. Ngay từ khi soạn thảo đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu với mục tiêu, phạm vi như vậy thì không cần thiết phải xây dựng một luật mới.

Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được phân công soạn thảo dự luật vẫn chưa đưa ra đủ lập luận khoa học và cơ sở thực tiễn để chứng minh sự cần thiết phải có Luật Đầu tư công. Qua các dự thảo luật cho thấy họ chỉ quan tâm đến việc cho ra đời một văn bản thống nhất về quy trình đầu tư công. Chính vì vậy, Chính phủ phải yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp để làm rõ phạm vi, mục tiêu, đối tượng của đầu tư công.

Dù có xây dựng Luật Đầu tư công hay không, vấn đề quan trọng là làm thế nào để tăng cường quản lý, chống thất thoát và lãng phí trong đầu tư công như các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhiều lần đặt ra. Trước mắt, các nhà làm chính sách cần giải quyết bài toán về cơ chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, kinh doanh. Quốc hội cũng đã đưa dự án Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 12, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa triển khai soạn thảo dự án luật này.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần có những chính sách rõ ràng về quản lý vốn của Nhà nước vào hoạt động đầu tư, tránh tình trạng sử dụng “tiền chùa” nên không quan tâm đến hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng có cơ chế giám sát trực tiếp, hiệu quả để hạn chế tham nhũng, lãng phí và nhân dân phải được tham gia giám sát hoạt động này vì vốn của Nhà nước cũng là từ tiền của dân đóng thuế. Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý nguồn vốn này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì đụng chạm đến một số đối tượng đang được hưởng lợi từ những dự án đầu tư công như thế. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Lộ trình giảm thuế của Chương trình ACFTA: Cơ hội cho nông sản Trung Quốc tràn vào Việt Nam
  • Đạo luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước?
  • Sắp có thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển
  • Cần công khai nguồn thu kinh doanh cá cược
  • "Gọt" thủ tục hành chính cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải
  • Hơn 90% nội dung tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức
  • Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, khi nào cần?
  • Sửa Luật theo hướng Viện kiểm sát tham gia tất cả vụ án dân sự
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%