Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Điều 21 của Bộ Luật tố tụng dân sự theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự.
Đa số các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Điều 21 của Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự. |
Ngày 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đa số các đại biểu đồng tình đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn áp dụng Bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Điều 21 của Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự.
Theo đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), với sự sửa đổi này, Viện kiểm sát sẽ thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp, đảm bảo việc xét xử được kịp thời và đúng pháp luật theo đúng tinh thần ghi trong luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cho rằng, quy định về phát biểu của kiểm soát viên trong dự thảo là chưa phù hợp với việc tranh luận tại phiên tòa dân sự, bởi Viện kiểm sát sẽ tranh luận với ai, tranh luận về vấn đề gì trong vụ án dân sự. Có ý kiến cho rằng, điều này là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận, nguyên tắc quyền quyết định và định đoạt của đương sự.
Tán thành với dự thảo luật về việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận, đại biểu Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang) cho biết nếu chỉ bổ sung như thế là chưa đủ, nên thiết kế lại những quyền, nghĩa vụ chứng minh của đương sự cũng như thủ tục tranh luận tại phiên tòa theo hướng cần tăng cường tranh luận dân chủ tại phiên tòa. Bởi bản chất của việc kiện là sự tranh tụng, bản thân Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành cũng có những quy định về sự tranh tụng.
Tòa dân sự có thể hủy quyết định trái luật của cơ quan khác
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, bà Võ Thị Thúy Loan phát biểu ý kiến |
Liên quan đến trình tự giám đốc thẩm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, thời gian qua có nhiều vụ án có số lần xét xử kỷ lục, chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện không chỉ có một lần mà có thể hai lần, ba lần hoặc hơn thế.
Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần sẽ phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục xét xử. Đại biểu Hoa đề nghị, việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cũng cần phải có điểm dừng chứ không thể để có tình trạng một cấp tòa án có thể xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần như hiện nay.
Do đó cần phải bổ sung quy định về số lần được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm của mỗi cấp. Có như vậy, việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới trở về đúng với ý nghĩa của nó là một thủ tục xét xử đặc biệt chứ không thể coi như là một cấp xét xử như nhận thức của nhiều người hiện nay.
Thống nhất với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc trao cho Tòa án thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hoà) cho biết, quy định này là căn cứ pháp luật để thẩm phán, Hội đồng xét xử giải quyết vụ án dân sự, tuyên hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật với các tổ chức khác và tránh được tình trạng Hội đồng xét xử chỉ có kiến nghị cơ quan ban hành quyết định trái pháp luật tự hủy bỏ.
Với vai trò người điều hành phần nội dung phiến thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, việc sửa đổi, bổ sung một số điều lần này chỉ giải quyết những vấn đề qua thực tiễn xét xử và hoạt động tố tụng thấy còn bất cập, vướng mắc.
Trong lúc chúng ta đang tiến hành thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và đang chuẩn bị cho việc tổng kết để sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều vấn đề khác thuộc Bộ luật tố tụng dân sự sẽ được nghiên cứu, cân nhắc kỹ và được xem xét, sửa đổi sau này.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com