Mãi đến năm 2009, sau bốn năm thí điểm với tám tập đoàn đầu tiên ra đời, Chính phủ mới ban hành Nghị định 101 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tuy nhiên, ngay cả văn bản này cũng gây tranh cãi, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp trước khi nghị định được ban hành. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ sở pháp lý để ban hành như dựa vào Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực vào năm 2010 hoặc Luật Tổ chức Chính phủ đang được đề nghị sửa đổi là chưa ổn. Mặt khác, nghị định vẫn nhập nhằng giữa khái niệm “tập đoàn không có tư cách pháp nhân” và “tập đoàn có tư cách pháp nhân”, trái với các văn bản khác cũng như thông lệ quốc tế (xin xem thêm TBKTSG ra ngày 4-11-2010). Hơn nữa, liệu có hợp lý khi Chính phủ vừa thực hiện quyền của chủ sở hữu, vừa lại ban hành văn bản để quản lý mình?
Một điều khác ít được chú ý và dường như bị Nghị định 101 “bỏ quên” là Luật Đầu tư có hẳn một chương đề cập đến đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước. Trong đó quy định vốn đầu tư, kinh doanh từ ngân sách nhà nước vào tổ chức kinh tế phải được thực hiện thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)nhằm thống nhất một đầu mối quản lý. SCIC được Thủ tướng thành lập vào năm 2005 có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực then chốt mang tính chiến lược có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khả năng sinh lợi cao; giảm bớt đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần chi phối… Thế nhưng, đến nay công ty này mới chỉ nắm giữ số vốn bằng khoảng 5% trong tổng số vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết số vốn nói trên chủ yếu là ở các công ty nhỏ, hoàn toàn không liên quan gì đến toàn bộ 12 tập đoàn thuộc quyền quản lý trực tiếp của Chính phủ. Như vậy, Nghị định 101 với việc tách hẳn vốn đầu tư tại các tập đoàn theo một cơ chế riêng độc lập với SCIC phải chăng là trái với Luật Đầu tư?
Tất cả những bất cập nói trên đã được các đại biểu chất vấn, mổ xẻ. Thế nhưng, quan trọng hơn, Quốc hội cần tìm ra giải pháp khắc phục và biến những giải pháp ấy thành luật pháp. Có ý kiến cho rằng nên ban hành hẳn một đạo luật áp dụng không chỉ đối với tập đoàn mà đối với việc sử dụng vốn nhà nước vào mục đích kinh doanh nói chung vì việc quản lý vốn nhà nước nói chung hiện cũng không khá gì hơn so với tập đoàn. Các đại biểu có quyền trình một dự luật tương tự hoặc yêu cầu Chính phủ trình. Điều đó hoàn toàn nằm trong chức năng và tầm tay của Quốc hội.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com