Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đã khó, lại khổ

"Tính kém hiệu quả của Luật Phá sản doanh nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh trong nước. Việt Nam bị xếp thứ 121/178 nền kinh tế thế giới và thủ tục phá sản vẫn bị coi là kéo dài (5 năm), hiệu quả thấp vì thông thường các chủ nợ chỉ thu hồi khoảng 18% số nợ" - Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết như vậy tại Hội thảo tổng kết thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.

 Khó doanh nghiệp

Luật quy định "doanh nghiệp, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản". Chính vì quy định quá chung chung, không có tiêu chí cụ thể này mà không ít doanh nghiệp bị chủ nợ "bắt bí" - Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội cho biết. Thực tế đã có chuyện không ít doanh nghiệp lạm dụng quy định này để cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đơn vị có nợ bằng cách nộp đơn yêu cầu phá sản. Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ là chủ nợ đã có văn bản đòi nợ nhưng doanh nghiệp cố tình không trả lời hoặc trả lời là không thanh toán được hoặc xin khất nợ nhưng đến hạn không thanh toán được hoặc không xin gia hạn nợ và không có tài sản để thi hành án.

 Quy định về trách nhiệm tiếp tục trả nợ sau khi tuyên bố phá sản hiện quá khắt khe (chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh phải tiếp tục trả nợ còn thiếu sau khi đã bán toàn bộ tài sản hiện có trong kinh doanh và trong dân sự). Với yêu cầu này, nhiều doanh nhân không nhiệt tình kinh doanh nữa vì nếu làm ăn có lãi, lại phải tiếp tục trả nợ. Ông Dương Đăng Huệ cho rằng, luật nên "mở" theo hướng chỉ áp dụng với trường hợp chủ doanh nghiệp có hành vi tẩu tán, hủy hoại, sử dụng lãng phí tài sản, không hợp tác hoặc cung cấp thông tin sai sự thật với tòa án…

 … Khổ cả cơ quan tố tụng

Tòa án Hà Nội từng giải quyết phá sản với Công ty May xuất khẩu Thành Công (trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội) nhưng công ty này còn có tài sản tại Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Tòa án đã kiểm kê tài sản nhưng sau khi kiểm kê thì không biết giao cho ai quản lý, vì luật không quy định tình huống này. Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, như ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản quản lý chẳng hạn. Việc thu hồi các khoản cho vay của doanh nghiệp bị phá sản cũng không đơn giản. Nhiều con nợ khi biết doanh nghiệp bị phá sản đã tìm cách trốn tránh, không hợp tác với tổ quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp con nợ đang chấp hành án tù mà không có tài sản trả nợ, không thể chờ chấp hành xong hình phạt mới thu hồi để giải quyết phá sản thì có nên tịch thu sung công quỹ không? Và còn hàng loạt câu hỏi đặt ra khác...

 Luật quy định tòa án sẽ thông báo quyết định mở thủ tục phá sản cho các chủ nợ theo danh sách do doanh nghiệp cung cấp. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp "ỉm" đi những chủ nợ ở xa hoặc không biết việc mình bị phá sản (đây cũng không được coi là trường hợp bất khả kháng đối với chủ nợ), làm cho chủ nợ không đòi được quyền lợi của mình. Quy định chủ nợ có tài sản bảo đảm (như ngân hàng) không được nộp đơn yêu cầu phá sản khiến nhiều chủ nợ bức xúc, làm mất đi quyền lựa chọn đòi nợ hữu hiệu này của họ.

 Theo ông Dương Đăng Huệ, Nhà nước đã tham gia quá nhiều vào việc giải quyết phá sản của doanh nghiệp. Ở nhiều nước, việc quản lý tài sản và hoạt động của doanh nghiệp do các quản tài viên (tổ chức xã hội nghề nghiệp) do các chủ nợ lựa chọn và tòa án công nhận. Qua những vấn đề rút ra từ việc tổng kết thực tế thi hành Luật Phá sản, cần nghiên cứu, thay đổi cơ chế làm sao để Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý của mình mà không lấn sân sang các công việc thực chất phải do các chủ nợ, con nợ đảm đương.

(Theo báo Hà Nội mới )

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%