Có hiệu lực từ ngày 1/6/2010, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp là một trong những quy định quan trọng đang được đông đảo doanh nghiệp (DN) đón đợi. Bởi quy định này thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian chi phí cho DN khi làm thủ tục thành lập, giúp gỡ được rất nhiều bất cập hiện nay liên quan đến vấn đề này.
![]() |
Nhân viên Cục thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế |
Thống nhất đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế
Thực tế, việc thống nhất thủ tục đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế là chủ trương của Chính phủ từ Nghị quyết số 59 năm 2007, để tiến tới thống nhất đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế trong một bộ hồ sơ duy nhất nộp và nhận kết quả tại một đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh. Và quy định mới này được quy định rõ tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP chính là bước cải cách mạnh mẽ của Chính phủ được cộng đồng DN rất mong đợi trong việc đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường của DN, thể hiện bằng cơ chế phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Trước đây, để thành lập DN, DN phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh xong mới được tiến hành thủ tục đăng ký thuế tại cơ quan thuế và đăng ký con dấu tại cơ quan công an. DN phải làm nhiều thủ tục giấy tờ không cần thiết, trùng lặp, thời gian kéo dài đến hàng tháng, có khi doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh vì thủ tục rườm rà.
Nay theo quy định mới, DN chỉ cần nộp một Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp chứa đựng các thông tin đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và sẽ được cấp một Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối duy nhất tiếp nhận và trả kết quả chỉ trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Cơ quan đăng ký kinh doanh sử dụng hệ thống mã số thuế làm mã số đăng ký kinh doanh đối với DN mới thành lập, mỗi DN được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp, mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không cấp lại cho các đối tượng nộp thuế khác, được lưu trong Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia và ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp dùng mã số này để kê khai nộp thuế cho tất cả các loại thuế phải nộp, kể cả trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau hoặc sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế cấp mã số cho doanh nghiệp (mã số thuế) trong thủ tục đăng ký DN.
... giúp tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng/năm
Việc thống nhất đăng ký DN sẽ rút ngắn thời gian và chi phí khá lớn trong khi thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm nước ta có khoảng trên 80.000 DN đăng ký thành lập mới, nếu tính cả điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì số hồ sơ cần được giải quyết có thể lên tới hơn 200.000.
Như vậy, việc thực hiện theo thủ tục “một cửa” vừa đăng ký kinh doanh, vừa đăng ký thuế sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, hơn nữa, thủ tục thuận tiện sẽ khuyến khích nhiều người thành lập DN, các hộ kinh doanh muốn chuyển sang đăng ký theo hình thức DN.
Bài phân tích của TS. Đinh Dũng Sỹ, Chuyên viên Phạm Thúy Hạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com