Sau 5 ngày thực hiện quy định xử phạt đối với những lái xe ôtô đầu kéo kéo sơmi rơmóoc (gọi tắt ôtô đầu kéo) không có bằng lái hạng FC, đã có đến khoảng 60% lái xe ôtô đầu kéo (không có bằng lái FC) tạm dừng hoạt động vì sợ bị phạt.
Dù chỉ mới 5 ngày, nhưng thực tế đã cho thấy có dấu hiệu ứ hàng hoá tại một số khu vực cảng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển hàng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Việc khoảng 60% lái xe ôtô đầu kéo tạm dừng hoạt động vì không có bằng lái hạng FC, không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, mà nó còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu (XNK).
Trong mấy ngày qua, Cty sản xuất - XNK gỗ Great Veca (có nhà máy tại Trảng Bom - Đồng Nai) như ngồi trên “đống lửa”, vì hàng hoá bị đình trệ do không tìm ra lái xe ôtô đầu kéo vận chuyển hàng. Theo chị Viên Thị Ngọc Dung (phụ trách XNK) Cty Great Veca, trong những ngày đầu tháng 7.2010, Cty đã bị chậm trễ 2 lô hàng xuất khẩu (với 28 container) so với kế hoạch.
Cụ thể: Theo kế hoạch rạng sáng 1.7, Cty vận chuyển 28 container hàng từ Đồng Nai đến cảng Cát Lái (Q.2, TPHCM) để xuất đi Mỹ, nhưng các đơn vị vận tải không dám nhận vận chuyển hàng (vì thiếu tài xế hạng FC) nên phải đợi đến ngày 2.7 và ngày 4.7 mới tìm được xe vận chuyển hàng ra cảng.
“Việc vận chuyển hàng từ nhà máy đến cảng bị chậm mất 2 ngày dẫn đến hậu quả bị lỡ chuyến tàu xuất hàng theo yêu cầu của đối tác. Tình trạng này đang khiến Cty đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt 5.000USD/container do giao hàng chậm trễ, hơn nữa Cty còn phải chịu thêm phí lưu kho tại cảng trong thời gian chờ chuyến tàu khác, với phí lưu kho 10-12USD/container/ngày” - chị Viên Thị Ngọc Dung bức xúc phản ánh.
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng hàng xuất - nhập bị đình trệ như: Cty may mặc Hoa Sen hay Cty Changshin, Cty Dona Pacific sản xuất - xuất khẩu giày Nike... Ông Nguyễn Tiến Đức Cty Changshin cho biết, bình quân mỗi ngày sản xuất khoảng 50.000 đôi giày và mỗi ngày cũng xuất đi khoảng 10 container hàng, thế nhưng từ ngày 1.7 đến nay, vì thiếu xe ôtô đầu kéo vận chuyển đến cảng nên Cty chỉ xuất được khoảng 20-30% so với ngày thường trước đó.
Ông Nguyễn Tiến Đức lo lắng: “Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hàng hoá bị ùn ứ là rất lớn, nhất là trong điều kiện đang bước vào mùa mưa như hiện nay nếu hàng bị tồn đọng quá nhiều, trong khi nhà kho lại hạn chế thì không biết sẽ giải quyết ra sao?”. Tương tự việc xuất hàng bị chậm trễ, việc 60% lái xe ôtô đầu kéo tạm dừng hoạt động hiện nay cũng làm cho khâu vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về các cơ sở phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị chậm lại, làm tăng phát sinh, tăng chi phí lưu kho tại cảng và nguy cơ không kịp sản xuất để giao hàng theo đúng hợp đồng...
Rõ ràng, với tình trạng hàng hoá đang bị ùn ứ, sản xuất - XNK hàng hoá của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hiện nay, nếu các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời tháo gỡ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com