Chỉ còn 4 tháng nữa là hết thời hạn “làm chủ” 1.200 mét chiều dài “Bãi sau”, đoạn từ khách sạn Tháng Mười đến ngã ba Thuỳ Vân - Phan Chu Trinh, thuộc địa bàn phường 2 và phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu. Thế nhưng Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu chưa thực sự một ngày “làm chủ” đúng nghĩa đối với phần đất được cho là thuộc “quyền quản lý” của mình…
Hữu danh...”
Cụ thể, hai mục tiêu mà UBND TP. Vũng Tàu “nhắm” đến khi giao đất cho Liên hiệp hợp tác xã này là: Sắp xếp, bố trí kinh doanh cho các hộ đã từng sinh sống bằng kinh doanh buôn bán như cho thuê ghế dù, bán các mặt hàng mỹ nghệ cho khách du lịch ở khu vực này; Thứ 2 là tổ chức lại các dịch vụ này bài bản, trật tự, ổn định về giá cả và giữ vệ sinh môi trường, nhằm góp phần chỉnh trang đô thị và tạo hình ảnh đẹp cho ngành du lịch BR-VT thân thiện, an toàn theo chủ trương của tỉnh. Ngay sau khi có quyết định, Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu đã quy tụ 4 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Vũng Tàu, Thuỳ Dương, Hướng Dương và Hợp tác xã Thắng Tam với tổng số xã viên là 400 người. Kế hoạch hoạt động được đặt ra là xây dựng một khu du lịch phục vụ du khách theo hướng văn minh hiện đại. Cụ thể, Liên hiệp hợp tác xã lập phương án tổ chức kinh doanh theo hướng thống nhất; Đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất; Cải tạo bờ biển thành nơi vui chơi, thư giãn cho du khách; Tổ chức giữ xe và kinh doanh các dịch vụ ghế, dù, tắm nước ngọt, ăn uống, giải khát, đồ lưu niệm... Sau khi đi vào nề nếp sẽ phân cấp cho từng hợp tác xã tự quản... Bà Lê Thị Bích Quyền - Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu kỳ vọng: “Trước mắt, Liên hiệp sẽ thay đổi toàn bộ bộ mặt dù ghế, thay đồ mới, đẹp và đồng bộ. Đồng thời hướng dẫn cho xã viên thay đổi cung cách phục vụ tốt hơn... Khi dịch vụ tốt, khách ưng ý, mình sẽ bán được sản phẩm có cao giá hơn mà người ta (du khách) vẫn chấp nhận...”
Tiêu chí hoạt động là như thế. Tuy nhiên, Liên hiệp HTX không thể triển khai được. Nguyên nhân sâu xa theo bà Bích Quyền là do Liên hiệp không có “đất sạch”. Tính từ khi UBND TP Vũng Tàu giải toả trắng được khu vực Bãi sau thì đoạn từ khách sạn Tháng Mười đổ xuống khu Biển Đông được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiếp quản tổ chức xây dựng và kinh doanh. Còn lại đoạn 1.200 mét từ khách sạn Tháng Mười đến ngã ba Thuỳ Vân - Phan Chu Trinh thì bị “bỏ trống” cho nên tình trạng tái chiếm để kinh doanh đã diễn ra ngay sau đó. Do vậy, toàn bộ khu vực đất khi giao cho Liên hiệp đã có hơn 100 hộ đang kinh doanh, buôn bán. Trong đó có khoảng hơn 40 hộ tái chiếm (chủ yếu là những thành phần kinh doanh dù ghế trước đây tái chiếm lại). Chưa kể từ chiều đến khuya, lực lượng bán hàng rong rảo khắp. Khi Liên hiệp được giao nhiệm vụ, mặc dù rất cố vận động, đưa các hộ này vào tổ chức cho bài bản để kinh doanh nhưng các hộ này vẫn chống đối, thậm chí nhiều hộ tuyên bố không được “đụng” tới họ.
Chính vì vậy, việc cải tạo lại vỉa hè để tạo nên một khu vực vui chơi giải trí sạch đẹp không thể thực hiện được, dẫn đến công viên dọc vỉa hè, cỏ dại, rau muống biển mọc um tùm, tệ hại hơn là trở thành nơi phóng uế của không ít người. Chưa hết, việc giải toả bến ghe, tàu (khoảng hơn 30 chiếc) ngay đoạn ngã ba Thuỳ Vân – Phan Chu Trinh cũng không thực hiện được, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm bãi tắm.
... Vô thực”
Những bất cập trên dẫn đến tình trạng xã viên của 4 hợp tác xã thành viên “không mặn mà” với “chủ nhân mới” là Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu. Mặc dù Ban Chủ nhiệm HTX đã vận động giải thích, nhưng họ vẫn từ chối mọi khoản đóng góp, do họ chưa nhìn thấy quyền lợi gì đối với họ. Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó giám đốc Liên hiệp, chủ nhiệm hợp tác xã Thuỳ Vân nói: “Người ta nói rằng vào Liên hiệp chưa thấy đựơc lợi gì, chưa đem lại được lợi ích gì nên người ta không muốn đóng góp gì cho Liên hiệp”. Thực tế này đã “trói tay” Hải Âu suốt gần 2 năm qua. Có chức năng nhưng không tổ chức kinh doanh theo kế hoạch được, vì vậy Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”: Ngoài 6 bãi giữ xe, 6 ki ốt bán hàng mỹ nghệ, và 9 nhà tắm mới đầu tư, Liên hiệp chẳng có gì trong tay. Hàng tháng, nguồn thu không đủ bù chi (lương cho 20 bảo vệ, 6 nhân viên vệ sinh và 6 nhân viên văn phòng khoảng 54 triệu/tháng). Ông Yêng Văn Nam - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu bức xúc: “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, phải có thu mới có chi. Chứ giao cho chúng tôi mà không được kinh doanh thì lấy đâu ra tiền mà chi”.
Thực tế, tình trạng kinh doanh buôn bán mất trật tự, “chặt chém” du khách vô tội vạ, giành mua bán diễn ra hàng ngày, trong khi đó về mặt pháp lý thì khu vực này thuộc về sự quản lý của Liên hiệp. Do vậy, mỗi khi xảy ra các vụ việc mất an ninh trong khu vực, các cơ quan chức năng sau khi lập biên bản vi phạm vẫn tống đạt quyết định vi phạm đến Liên hiệp. Trước thực trạng đó, nhiều lần Liên hiệp “cầu cứu” UBND TP. Vũng Tàu lập lại trật tự, vệ sinh và mỹ quan bằng cách: Vào những ngày nghỉ cuối tuần, lễ Tết, lực lượng chức năng của tỉnh và phường hỗ trợ Liên hiệp bảo đảm an ninh trật tự, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Gỉai pháp căn cơ là phải tạo cho Liên hiệp hợp tác xã Hải Âu một cái “gậy” đủ mạnh để điều hành trên thực tế. Cái gậy đó không gì khác là giao đất sạch cho họ để họ bắt đầu lại từ đầu... Thế nhưng chờ mãi, đến thời điểm này chỉ còn cỏn vẹn 4 tháng là hết nhiệm vụ được giao, đất sạch cho Liên hiệp HTX Hải Âu vẫn không có...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com