Ảnh minh họa. |
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đang được lấy ý kiến rộng rãi, có 5/8 quyền của NTD được Liên hợp quốc khuyến cáo: Quyền được an toàn; được thông tin; được lựa chọn; được lắng nghe; được khiếu nại và bồi thường.
Các quyền lợi khác như được yêu cầu lấy hóa đơn, chứng từ; được biết về xuất xứ sản phẩm, hàng hóa… cũng được đưa vào Dự thảo.
Theo nhiều chuyên gia, NTD Việt Nam dường như đang thờ ơ với các quyền này. Khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ NTD cho thấy hơn 55% NTD được hỏi không biết các quyền của mình. Rất ít NTD bỏ công tìm hiểu kỹ chất lượng, xuất xứ, cơ sở pháp lý của hàng hoá, dịch vụ; khi gặp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, họ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý một cách rất thụ động.
Theo bà Nguyễn Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện nay đối tượng sản xuất hàng giả có cả những chuyên gia, kỹ thuật viên có trình độ cao; nhiều cơ sở làm hàng giả có trang thiết bị rất hiện đại. Từ những sản phẩm đơn giản đến các vi mạch điện tử, thuốc chữa bệnh... đều xuất hiện hàng giả được làm một cách tinh vi, chuyên nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, khi chính NTD thiếu trách nhiệm bảo vệ mình và những người xung quanh, thì dù có chế tài đủ mạnh, cũng khó giải quyết tận gốc vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay. Trong khi đó, dự thảo luật lại đang nặng về xây dựng cơ chế hành chính, tổ chức bộ máy; vai trò, quyền hạn của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD còn mờ nhạt, chung chung.
Ông Vũ Quý Trị, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nhận xét, quyền lợi NTD có thể được bảo vệ hiệu quả thông qua sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội trước các hiện tượng gian dối. Theo ông Trị, "hình phạt" nghiêm khắc nhất đối với các doanh nghiệp có biểu hiện gian dối chính là sự tẩy chay của NTD. Để làm được điều này, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cần trao nhiều quyền hơn cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD.
(Theo Hải Thanh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com