Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gánh nặng từ phí công đoàn

Công nhân một khu chế xuất giờ tan ca. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, dối với doanh nghiệp có nhiều lao động như dệt may, da giày ... phí công đoàn thực sự khiến họ khốn đốn. Ảnh: Tuệ Doanh.

Việc trích nộp phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động đã làm cho nhiều doanh nghiệp “khốn đốn”, nhất là trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay.

Tiếng nói từ doanh nghiệp

“Nếu Nhà nước tiếp tục duy trì mức phí vô lý này, doanh nghiệp sẽ càng đi đến phá sản nhanh hơn”, giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TPHCM, bức xúc thổ lộ. Công ty của ông vừa mất một đơn hàng xuất khẩu áo jacket sang thị trường châu Âu trị giá gần 1 triệu đô la Mỹ vì không thanh toán được tiền nguyên vật liệu. Công ty đã thanh toán được 60% giá trị từ đơn hàng vải, chỉ, nút cho đối tác và xin trả chậm 40% giá trị đơn hàng còn lại, nhưng đối tác từ chối. “Tôi không đổ lỗi những khó khăn hiện tại là do phí công đoàn. Nhưng nếu không phải nộp khoản phí công đoàn hơn 400 triệu đồng, có lẽ chúng tôi đã có đủ tiền để trang trải cho đơn hàng này”, vị giám đốc nói trên than thở. Hiện phần lớn trong 300 công nhân của công ty phải chờ việc, vì đơn hàng vừa bị mất.

Bức xúc của doanh nghiệp về phí công đoàn không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng điều âu lo nhất của doanh nghiệp là, “những kiến nghị nhiều năm nay của họ về phí công đoàn vẫn không được giải quyết và ngày càng có nhiều bất cập mới nảy sinh”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng phí công đoàn hiện nay không hợp pháp, không hợp lý và cả không công bằng. Tất cả các khoản thu của Nhà nước đều tuân theo Luật Ngân sách. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết Luật Ngân sách quy định, ngân sách nhà nước phải bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội của Nhà nước. Như vậy, công đoàn thuộc đối tượng mà ngân sách nhà nước phải chi để duy trì hoạt động.

Khoản thu 2% trên tổng quỹ lương từ doanh nghiệp của công đoàn hiện nay đã không còn nằm trong phạm vi kiểm soát của ngân sách nhà nước. “Nếu Nhà nước không giải quyết rốt ráo vấn đề này sẽ tạo ra một tiền lệ cho những tổ chức khác thu tiền”, ông Lĩnh cảnh báo tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành thủy sản được tổ chức gần đây ở TPHCM.

Khoản phí từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng/năm

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng lực lượng lao động trong ngành dệt may xuất khẩu hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Một doanh nghiệp nhỏ trong ngành may hiện có khoảng 300-500 lao động, doanh nghiệp vừa sử dụng khoảng dưới 1.000 công nhân, trong khi đó những doanh nghiệp lớn có đến 20.000 công nhân. Với mức lương của công nhân ngành may ở mức trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng và mức phí công đoàn trích 2% từ quỹ lương, doanh nghiệp nhỏ phải đóng trung bình 250-450 triệu đồng/năm; doanh nghiệp vừa trong ngành may phải đóng 500-850 triệu/năm; và những doanh nghiệp lớn sử dụng trên 5.000 lao động, khoản kinh phí công đoàn lên đến 3,5 tỉ đồng/năm.

Một điều bất hợp lý khác, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền của người lao động lại hoạt động bằng kinh phí của người sử dụng lao động. Với cách làm như hiện nay, công đoàn đã đi ngược với mục tiêu bảo vệ người lao động của mình. Nguyên tắc thông thường trong xã hội, theo ông Lĩnh, là “ăn cây nào sẽ rào cây đó, nhưng công đoàn lấy kinh phí hoạt động từ giới chủ để đi bảo vệ cho người lao động là bất hợp lý”.

Cùng quan điểm về vấn đề này, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Đối với chủ doanh nghiệp, công đoàn phải là tổ chức kiểm tra giám sát nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động. Vì vậy, công đoàn phải là tổ chức độc lập đối với người sử dụng lao động và dĩ nhiên hoạt động tài chính của công đoàn cũng phải độc lập với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi đóng thuế, doanh nghiệp đã gián tiếp hỗ trợ kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước. Vì vậy, thêm khoản phí từ công đoàn, doanh nghiệp buộc phải nộp thuế hai lần. Chưa kể, trên thực tế, doanh nghiệp cũng không thể kiểm soát các khoản chi của công đoàn có thực sự vì lợi ích của người lao động hay không.

Một khoản tiền không nhỏ

Thời gian qua, để giữ chân người lao động, ngoài khoản phí đóng cho công đoàn, nhiều doanh nghiệp phải bỏ tiền túi để chăm lo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác như lương thưởng, thai sản, ốm đau. Tất cả những khoản phí này đã là gánh nặng chi phí trong thời điểm doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi với khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao như dệt may, thủy sản, da giày cho rằng, Nhà nước nên sửa đổi Luật Công đoàn về mức phí này, nhằm giảm bớt khó khăn và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Với mỗi hợp đồng xuất khẩu hiện nay, chúng tôi phải cò kè với đối tác từng xu một để duy trì sản xuất, nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân. Vì vậy, các khoản phí hiện nay, nhất là phí công đoàn đang là gánh nặng thật sự của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi, cho biết. Lực lượng lao động trong ngành thủy sản hiện nay khá lớn, với các doanh nghiệp có từ 300 công nhân, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, với mức trích nộp 2% cho công đoàn, mỗi năm các doanh nghiệp này phải đóng từ 180-300 triệu đồng. Những doanh nghiệp lớn trong ngành có khoảng 2.000 công nhân, phải đóng mức thấp nhất là 1,2 tỉ đồng/năm.

Số tiền này hiện đang quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, nỗi lo càng lớn hơn khi Nhà nước tiếp tục tăng lương tối thiểu cho người lao động. “Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đói vốn phải chạy vạy đi tìm từng đồng để duy trì sản xuất, nhưng phải đóng hàng tỉ đồng cho công đoàn là điều vô lý”, giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TPHCM than thở.

Nếu không bỏ phí công đoàn, Nhà nước có thể ban hành quy định thay đổi việc đóng phí công đoàn hiện nay từ quỹ lương của doanh nghiệp. Phí công đoàn nên để mỗi công đoàn viên đóng cho hoạt động của công đoàn. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu cần doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho công đoàn thì chỉ đóng góp cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp một khoản kinh phí đủ cho công đoàn cơ sở hoạt động. Khoản kinh phí này có thể trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Phí công đoàn làm tăng giá thành sản phẩm

Nhiều chuyên gia tính toán, quỹ tiền lương của doanh nghiệp chiếm 20% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, khi chi phí tiền lương tăng 2% (do trích phí công đoàn) thì giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,4%. Hiện, doanh nghiệp hoạt động trong những ngành có thế mạnh xuất khẩu và tỷ lệ sử dụng lao động cao như dệt may, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, da giày... có chi phí nhân công chiếm 60-70% giá thành nên nếu trích quỹ công đoàn 2% sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng ít nhất là 1%

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Thu phí cà phê XK: DN khó “tâm phục, khẩu phục”
  • ATM Việt Nam: Miếng mồi ngon cho tội phạm quốc tế
  • Thiếu văn bản hướng dẫn, tắc ngay từ cửa khẩu
  • Phương án bịt “kẽ hở” quản lý
  • Hàng xa xỉ được hô biến!
  • Luật Phá sản - lối thoát... cuối đường
  • Từ gà Đức tới rau Việt Nam
  • Đo thời gian giải phóng hàng hóa: Ngành Hải quan quyết 'làm mạnh' chính mình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%