Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng xa xỉ được hô biến!

Bằng những chiêu thức tinh vi, nhiều lô hàng xa xỉ, có giá trị lớn đã lọt qua cửa hải quan.

Dưới hình thức "được biếu tặng", giá trị thấp, một lô hàng gần 9.000 đôi dép hàng hiệu không những ung dung nhập khẩu (không phải xin giấy phép nhập khẩu tự động) mà còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, gây thất thu lớn cho ngân sách. Và đây chỉ là một trong nhiều ví dụ có thể kể ra.

Hàng hiệu giá… 3.000 đồng

Crocs là thương hiệu dép nổi tiếng của Mỹ. Tại Việt Nam, dép Crocs được xem là "hàng hiệu" với giá ngót nghét 1 triệu đồng/đôi. Theo quy định của Bộ Công Thương, dép là mặt hàng khi nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu tự động. Tuy nhiên, để có thể nhập khẩu trót lọt qua cửa Hải quan, mặt hàng này đã có một hành trình lắt léo. Tháng 2/2012, Cục Hải quan Quảng Ninh đồng thời nhận được 3 văn bản cùng xin được nhập khẩu lô hàng dép nhựa trẻ em hiệu Crocs do Công ty Crocs Singapore Pte Ltd tặng về làm từ thiện của 3 đơn vị là Chùa Bà Vàng, chùa Phúc Nghiêm và Trung tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh. Cùng được một doanh nghiệp tặng nên rất đồng đều, số lượng dép xin nhập khẩu của mỗi đơn vị là 2.951 đôi và hàng cùng được ủy quyền cho một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu là Công ty TNHH Châu Á - Thái Bình Dương (Quảng Ninh). Theo quy định, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu là hàng quà tặng mang mục đích nhân đạo có giá trị dưới 30 triệu đồng thì thuộc diện được miễn thuế. Không khó gì để đáp ứng quy định này, các đơn vị kể trên đã khai báo giá trị quy đổi của mỗi lô hàng khoảng 8 triệu đồng. Tính ra mỗi đôi dép hàng hiệu này có giá khoảng… 2.700 đồng?!

Trong khi đó theo khảo sát của chúng tôi, giá một đôi dép hiệu Crocs (Mỹ) được nhập khẩu từ Singapore phân phối tại Việt Nam có giá từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Thậm chí truy cập vào trang web www.crocs.com.sg/crocs outlet chúng tôi nhận thấy những đôi dép Crocs (tại Singapore) tuy đã được hạ giá trong chuỗi cửa hàng outlet (giảm từ 30-50%), nhưng giá bán cũng từ 30 đô la Singapore/đôi (1 đô la Singapore tương đương 16.500 VND) trở lên. Điều đáng ngạc nhiên là mức giá phi lý này vẫn được cơ quan hải quan chấp nhận. Ngày 28/2/2012, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trả lời với nội dung: "Theo quy định tại Điều 105 của Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng quà tặng mang mục đích nhân đạo có giá trị dưới 30 triệu đồng thuộc diện được miễn thuế.

Cụ thể đối với trường hợp của 3 đơn vị kể trên, trị giá mỗi lô hàng không vượt quá 30 triệu đồng thì được xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh (nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng) trực tiếp thực hiện xét miễn thuế. Một câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan quản lý lại không kiểm tra tính xác thực về giá trị hàng hóa cũng như mục đích nhập khẩu? Chưa bàn đến chuyện vì sao một doanh nghiệp nước ngoài lại có hảo tâm tặng tới gần 9.000 đôi dép cho Việt Nam, mà chỉ cần xét mức giá bất hợp lý mà doanh nghiệp khai báo, cơ quan hải quan đã hoàn toàn có quyền "bác", không cho nhập khẩu cũng như không cho miễn thuế.

Biếu tặng xe sang

Thực tế thời gian qua, việc các cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng theo loại hình phi mậu dịch có chiều hướng gia tăng cả về số lần nhập khẩu lẫn số lượng và trị giá. Đơn cử như mới đây tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã tiếp nhận một bộ hồ sơ đăng ký làm thủ tục nhập khẩu 7.500 đôi giày thể thao có xuất xứ Trung Quốc theo loại hình phi mậu dịch (được tặng). Mặc dù đã khai giá trị hàng hóa còn rất thấp (0,7 USD/đôi), song với số lượng quá nhiều (7.500 đôi giày) nên trị giá lô hàng vượt quy định (109 triệu đồng). Lô hàng không được chấp nhận. Hoặc như mới đây, một cá nhân đã xin nhập khẩu một chiếc ô tô siêu sang Bentley Continental Spur dung tích 6.0L theo hình thức phi mậu dịch (quà biếu tặng). Chiếc xe có giá trị vài tỉ đồng này đã không được Bộ Công Thương chấp nhận cho phép nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch để "né" quy định của Thông tư 20/2011/TT-BCT.

Nhôm cuộn biến thành ôtô

Tình trạng lách luật bằng "chiêu" xin nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch làm quà biếu, quà tặng rất cần được kiểm soát chặt.

Liên tiếp chỉ trong một tháng, Hải quan Hải Phòng phát hiện ra 2 lô hàng nhập khẩu "hàng một đằng, kiểm tra ra một nẻo". Điển hình ngày 26/2, 2 container hàng nhập khẩu từ Mỹ và cập cảng Green Port (Hải Phòng). Trên vận đơn, lô hàng này được kê khai là nhôm cuộn và sàn nâng hạ. Tuy nhiên kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan đã phát hiện hàng hóa là 4 chiếc ôtô hạng sang: BMW X6, BMW 750 Li, Mercedes Benz S550 và Volkswagen Touareg! Số xe trên đều là xe mới sản xuất, giá của mỗi chiếc đều ngót nghét vài tỉ đồng.

Điều đáng nói là lô hàng này được cơ quan hải quan kiểm tra, phát hiện trước khi doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục hải quan. Vì vậy chỉ "túm" được hàng mà không xử được doanh nghiệp. Lô hàng 4 chiếc ôtô do Công ty tư nhân Thủy Anh Minh (Khu đô thị mới Trung Yên, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đứng tên trên vận đơn. Còn lô xe 5 container xe đạp do Công ty Hoàng Hà (Quảng Ninh) đứng tên chủ hàng trên vận đơn ghi lô hàng là "vải vụn và quần áo". Nhưng khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp này đều đồng thanh kêu "bị gửi nhầm hàng" để từ chối nhận. Trong trường hợp này, ngoài việc tịch thu hàng (hoặc tái xuất), cơ quan chức năng khó có thể xử lý doanh nghiệp.

Từ chối nhận hàng là chiêu bài khá quen thuộc được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa sử dụng khi bị cơ quan hải quan phát hiện sai phạm. Song cho đến nay, bài… cùn này vẫn hiệu nghiệm! Và một câu hỏi nữa lại phải đặt ra: vì sao cơ quan hải quan không chờ khi doanh nghiệp mở tờ khai rồi mới kiểm tra để có thể "bắt tận tay, day tận trán" mà vội vàng làm trước khi doanh nghiệp xuất đầu lộ diện?

(Theo Doanh Nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Phá sản - lối thoát... cuối đường
  • Từ gà Đức tới rau Việt Nam
  • Đo thời gian giải phóng hàng hóa: Ngành Hải quan quyết 'làm mạnh' chính mình
  • Nhiều giải pháp chống chuyển giá
  • Túi ni lông tính bài lách thuế
  • Thuế TNCN: Đau đáu khoản chi không thể giảm trừ
  • Ngành “hot”... trong tầm ngắm chống chuyển giá
  • Chống buôn lậu: "Làm mãi thế này chúng ta sẽ thua!"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%