Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động phải xem xét kỹ việc nhập khẩu (NK) các thiết bị 3G, trong đó có iPhone 3G, nhằm kiểm soát nhập siêu.
Bộ yêu cầu các nhà mạng khi xây dựng 3G cần tối ưu hóa mạng lưới trên cơ sở sử dụng tài nguyên sẵn có từ mạng 2G và 2,5G; sử dụng thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm thiểu chi phí NK thiết bị mới, giảm giá thành đầu tư. Đồng thời, các DN cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với mạng lưới, có kế hoạch mua sắm, tránh nhập khẩu thiết bị ồ ạt, gây lãng phí...
Khách hàng sử dụng iPhone 3G. Ảnh: Thanh Hải |
Việc NK các thiết bị 3G, trong đó có iPhone 3G, làm tăng tỷ lệ nhập siêu nhóm ngành hàng này cuối năm 2009 và đầu năm 2010 lên đến hơn 1 tỷ USD. Độ chính xác của thông tin này đã được các chuyên gia trong ngành phân tích là do cách hiểu chưa đúng và có sự nhầm lẫn với cả nhóm ngành hàng linh kiện điện tử viễn thông. Tuy nhiên, có một thực tế là, để triển khai mạng lưới sau khi trúng tuyển cung cấp dịch vụ 3G, năm 2009, các DN đã lần lượt ký hợp đồng với đối tác NK thiết bị 3G để xây dựng mạng lưới. Được biết, Vinaphone ký với đối tác Motorola, Ericsson và đều công bố giá trị hợp đồng trên các phương tiện truyền thông, trong đó mỗi hợp đồng trị giá vài chục triệu USD. Hai mạng Viettel và Mobifone không công bố giá trị hợp đồng triển khai 3G, song có thể hiểu mức độ đầu tư cũng tương tự hoặc cao hơn so với Vinaphone. Do quy mô, tính chất mạng lưới cũng như cam kết, sẽ là dễ hiểu nếu hai mạng EVN Telecom và Vietnamobile đầu tư mạng 3G ít hơn. Việc đầu tư này là đầu tư xây dựng cho hạ tầng, chứ không phải đầu tư cho tiêu dùng và điều này khác hoàn toàn với việc NK các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ khác...
Bên cạnh đó, tháng 3-2010, hai nhà mạng Viettel và Vinaphone đã phân phối iPhone 3G và theo như công bố Vinaphone nhập 5.000 chiếc, Viettel nhập khoảng 8.000 chiếc, còn Mobifone hiện chưa phân phối và giả sử nhà mạng này cũng NK với số lượng tương tự thì lượng iPhone NK chính hãng cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 20.000 chiếc (tính đến nay). Vì thực tế, theo các DN, sức tiêu thụ loại sản phẩm này tại thị trường trong nước chậm, do không phải ai cũng có hơn chục triệu để mua, do vậy, các DN phân phối thận trọng NK mặt hàng này cũng là dễ hiểu. iPhone còn được các cửa hàng bán điện thoại nhập không chính thức qua con đường xách tay, tuy nhiên cũng không nhiều. Với số lượng NK chính thức của các nhà phân phối kể trên, tính với giá thành bán ra thị trường hiện nay (tạm tính giá iPhone bình quân là 400 USD/chiếc) sẽ ra số tiền NK iPhone cũng không quá 10 triệu USD (có thể giá NK iPhone với số lượng nhiều sẽ còn rẻ hơn nhiều)...
Việc phải tối ưu hóa lại mạng lưới, trong đó có việc sử dụng lại mạng lưới sẵn có từ 2G và 2,5G là vấn đề từng được đặt ra và trong hồ sơ thi tuyển 3G, đây được coi là một trong những tiêu chí chấm điểm ưu tiên của Bộ. Chắc hẳn, các nhà mạng đã lên phương án sẵn sàng thực hiện tiêu chí này. Bộ khuyến cáo DN mua sắm thiết bị trong nước, giảm thiểu thiết bị NK... điều này còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất của DN trong nước có đáp ứng được yêu cầu xây dựng mạng 3G hay không... Còn việc NK iPhone 3G là tùy thuộc vào thị trường quyết định và cam kết của DN với nhà sản xuất. Song do phải đầu tư xây dựng mạng lưới 3G như cam kết, cộng với tình hình kinh doanh iPhone chưa mấy khả quan, lại thêm khuyến cáo hạn chế NK của cơ quan quản lý... rõ ràng, nhà mạng đang ở thế mắc kẹt...
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com