|
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Internet) |
Với đặc thù là một tỉnh biên giới, Lạng Sơn có đường biên giới dài, nhiều đường ngang lối tắt nên tình hình buôn lậu gian lận thương mại thời gian qua cũng diễn biến phức tạp, nhất là trong các dịp cao điểm cuối năm và giáp Tết. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của các cơ quan chức năng chống buôn lậu tại địa phương này chính là sự ngoài cuộc của nhiều doanh nghiệp cũng như do chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe!
Thuốc đã có nhưng chưa đủ liều "Nhiều doanh nghiệp rất ngại đứng ra làm chứng để giúp các cơ quan chức năng xử phạt những mặt hàng này vì những qui định bắt buộc và thủ tục đi lại khiến họ cũng không mặn mà phối hợp," ông Võ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Đây chỉ là một trong muôn vàn những "cái khó" của lực lượng chống buôn lậu đã được nêu ra tại Hội nghị của Ban 127 TW về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.
Các địa phương cũng thừa nhận, chính những cái khó này đã khiến cho nhiều đường dây buôn lậu xuyên tỉnh, xuyên quốc gia hiện vẫn chưa được phát hiện và vì thế, hàng lậu cùng hàng giả và hàng kém chất lượng cứ chảy vào sâu trong nội địa...
Cũng theo ông Thủy, chỉ riêng từ đầu năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra trên 3.000 vụ và phát hiện được rất nhiều hành vi buôn lậu núp bóng dưới hình thức cư dân biên giới để tuồn hàng lậu, hàng kém chất lượng vào trong nước.
Bên cạnh đó, trên tuyến biên giới Tây Nam, thường là những điểm "nóng" về buôn lậu xăng dầu và thuốc lá, thì theo ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, bình quân một tháng bắt được vài chục ngàn cây thuốc lá như: 555, ZET... trị giá hàng tỷ đồng nhưng buôn lậu vẫn không giảm vì nhu cầu về mặt hàng này rất lớn.
Hơn nữa, việc qui định về kiểm soát giá trên địa bàn cũng gặp nhiều bất cập. Đơn cử là sự chênh lệch quá lớn giữa giá niêm yết của một chiếc xe máy Honda so với giá thực tế ghi trên hóa đơn mà rất lâu nay chưa giải quyết được triệt để, khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc, trong khi các cơ quan chức năng cũng không đủ cơ sở pháp lý để xử lý...
Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh, cũng thừa nhận: "Là cửa ngõ để ngăn chặn hàng lậu từ biên giới vào các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... nhưng sự liên kết giữa các Sở Công thương còn thiếu chặt chẽ, không có nhiều doanh nghiệp lớn cùng tham gia bình ổn thị trường."
Cần một chế tài mạnh Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm góp ý cho các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng buôn lậu trong tình hình mới.
Trong đó tập trung ngăn chặn những vi phạm do đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý gây bất ổn cho thị trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo 127 Hải Phòng thì việc qui định những hành vi tăng giá bất hợp lý như hiện nay vẫn còn chung chung, nên việc xử phạt cũng không thể áp dụng được.
Do vậy, cần hoàn chỉnh những văn bản qui phạm này cho phù hợp với thực tiễn đồng thời nâng các hình thức xử lý cho đủ sức răn đe, khiến những đối tượng buôn lậu hay kinh doanh hàng giả không dám tái phạm.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo 127 Trung ương khẳng định, trong giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ trọng tâm của công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ là xây dựng lực lượng để đủ sức đấu tranh với tội phạm mới.
Bên cạnh việc làm tốt công tác dự báo thị trường, xu hướng giá cả, cung-cầu trên thị trường, thì việc xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, tung tin đồn thất thiệt gây ra những bức xúc trong dư luận như thời gian vừa qua cũng là những vấn đề được ưu tiên của các cơ quan chức năng.
"Các bộ, ngành cũng sẽ kiến nghị với Chính Phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế để đủ sức răn đe, ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong tình hình mới," Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Số lượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong mười năm qua (2001-2010) có chiều hướng giảm nhưng tính chất vụ việc thì ngày càng phức tạp, đặc biệt đã hình thành những đường dây băng nhóm có tổ chức chặt chẽ để sản xuất và đưa hàng lậu từ bên ngoài vào trong nội địa tiêu thụ.
Theo số liệu của ban chỉ đạo 127 Trung ương, từ năm 2001 đến nay, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra 3.527.727 vụ, xử lý 1.920.220 vụ vi phạm với tổng số tiền thu trên 4,568,2 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 17.936,9 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 5.747,1 tỷ đồng |