Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật chuyên ngành "gặm nhấm" Luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp (DN) đã vận hành được 5 năm và được đánh giá là "một văn bản điều chỉnh thiết thực đối với các loại hình DN". Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì Luật DN đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý so với thực tiễn.

Luật chuyên ngành "gặm nhấm" Luật DN

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Yến (ĐH Luật Hà Nội) tại Hội thảo góp ý hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp diễn ra mới đây tại Hà Nội, Luật DN hiện hành có khá nhiều chồng chéo với các luật chuyên ngành trong vấn đề cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép thành lập DN.

Cụ thể, Luật DN là luật qui định về thành lập, tổ chức hoạt động đối với các loại hình DN, nhưng bên cạnh đó, các luật chuyên ngành cũng qui định về cấp Giấy chứng nhận đầu tư hay Giấy phép thành lập đối với các DN kinh doanh trong các ngành nghề đặc thù. Theo TS Nguyễn Thị Yến, điều này làm vô hiệu hóa Luật DN trong những ngành nghề, lĩnh vực này, hay nói cách khác là các luật chuyên ngành đang "gặm nhấm" Luật DN.

Nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và Văn phòng Chính phủ đã đề xuất phương án qui định việc thành lập DN nên qui về một đầu mối duy nhất đó là Luật DN. Tất cả các DN, dù kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực nào đều được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật DN. Đối với những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù như: kinh doanh tín dụng, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ đòi nợ, chứng khoán, bảo hiểm… sau khi DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ phải xin Giấy phép hoạt động hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề, lĩnh vực đó theo qui định của pháp luật chuyên ngành. Nếu sửa đổi Luật DN theo hướng này thì sẽ dễ cho cơ quan Nhà nước khi quản lý DN, lại tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi muốn thành lập hoặc thay đổi các nội dung đã đăng ký.

Thiếu thống nhất với Nghị định

Không chỉ xuất hiện sự chồng chéo, một số điều của Luật DN còn thiếu thống nhất và hợp lý với Nghị định hướng dẫn thi hành. Nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và Văn phòng Chính phủ lấy ví dụ, theo quy định tại Điều 3.3 Luật DN 2005 thì: “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế”. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 71/2006/ NQ-QH11 để phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO, trong đó quy định rằng: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau: Tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, Luật DN 2005 lại quy định tỷ lệ tối thiểu cần có để thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông là 65% (Điều 52.2 và Điều 104.3 LDN 2005). Điều này mâu thuẫn với cam kết WTO của Việt Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng tỷ lệ 51% theo Nghị quyết 71 chỉ giới hạn trong các DN liên doanh, còn các DN 100% vốn trong nước và 100% vốn nước ngoài đều không có quyền áp dụng. Những người này lý giải rằng cam kết WTO là sự thoả hiệp giữa Việt Nam với các bên đàm phán, trong đó, Luật DN 2005 đã nhượng bộ các nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép các bên liên doanh được quyền thoả thuận tỷ lệ tối thiểu 51% thay vì 65% như quy định của Luật DN 2005. Nên chỉ có các DN liên doanh mới có quyền hưởng sự nhượng bộ này, các DN khác vẫn phải tuân thủ quy định của Luật DN 2005.

Tuy nhiên, lý giải này không "đứng vững" vì nếu chỉ có DN liên doanh có quyền áp dụng Nghị quyết 71 thì nhiều nguyên tắc cơ bản của WTO và pháp luật Việt Nam bị vi phạm.

Nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và Văn phòng Chính phủ đề xuất, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng NQ 71/2006 (từ đầu năm 2008, đã có một dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết 71). Nên sửa Luật DN 2005 theo đúng tinh thần với Nghị quyết 71 áp dụng tỷ lệ 51% cho tất cả các DN. Và về lâu dài cần sửa Luật DN theo đúng nguyên tắc của luật tư và thông lệ quốc tế.

Ông Cao Bá Khoát - Giám đốc Công ty Tư vấn KAC cũng đưa dẫn chứng, Luật DN qui định về chuyển đổi loại hình DN hiện đang mâu thuẫn với Nghị định 102/2010/NĐ-CP. Nghị định thì cho phép các DN tư nhân có thể chuyển đổi dễ dàng sang mô hình công ty TNHH. Tuy nhiên, Luật DN chỉ cho phép chuyển đổi qua lại giữa công ty TNHH và công ty cổ phần mà thôi, không có trường hợp chuyển đổi giữa DN tư nhân và công ty TNHH. Như vậy, cơ quan thực thi và DN phải theo văn bản nào?

Các chuyên gia cho rằng, Luật DN và nghị định hướng dẫn thi hành cần phải bổ sung qui định chuyển đổi trực tiếp từ DN tư nhân sang công ty cổ phần. "Bằng con đường vòng, DN cũng chuyển được nhưng rõ ràng là sẽ có thêm nhiều thủ tục rườm rà, hao tốn thời gian và thiệt hại tài chính cho họ" - ông Khoát băn khoăn.

“Chết mà không được chôn”

Về việc giải thể DN theo các Điều 157, 158, 159, Luật DN và Điều 40, Nghị định 102/2010/NĐ-CP, ông Phạm Chí Công -Luật sư Điều hành Công ty Luật Khai Phong nhận định, về pháp lý, thủ tục giải thể DN không miễn trừ các cổ đông/thành viên chủ DN khỏi trách nhiệm pháp lý nếu họ cố ý thông qua giải thể để trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc các Bên thứ ba liên quan trong hoạt động của DN. Do đó “Cần bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm liên đới của DN/ các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu DN trong việc hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và các bên thứ ba liên quan trước, trong và sau khi giải thể”- LS Công góp ý.

Góp ý về vấn đề này, LS Lê Nga (Hà Nội) cũng cho rằng, Luật đã đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh bằng hình thức một cửa, nhưng thực tế việc thành lập DN dễ dàng bao nhiêu thì việc giải thể khó khăn bấy nhiêu. DN vẫn phải thực hiện những thủ tục hết sức thủ công và nhiều cửa khi muốn khai tử cho DN của mình, DN phải bắt đầu từ quá trình làm thủ tục quyết toán với cơ quan thuế, sau đó tiến hành trả dấu cho cơ quan công an và cuối cùng mới được nộp hồ sơ giải thể ở cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư. Quá trình này thường kéo dài trong khoảng từ 6-9 tháng. Trong khi đó, DN đã không còn hoạt động kể từ khi ra quyết định giải thể, nhưng nó vẫn buộc phải tồn tại vì chưa hoàn tất thủ tục giải thể, chẳng khác nào “chết mà không được chôn”.

Do đó LS Nga kiến nghị, cần thiết phải ban hành một văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục giải thể, đặc biệt là ở khâu đóng mã số thuế tại cơ quan thuế. Quy định cụ thể và rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền trong việc giải thể DNcũng như chế tài áp dụng đối với những vi phạm về thủ tục giải thể.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Kiểm tra sau thông quan : Chính sách không rõ, hải quan bó tay
  • Luật Đầu tư: Nhiều rào cản doanh nghiệp
  • Khó chặn buôn lậu, hàng giả do thuốc chưa đủ liều!
  • Đình đốn sản xuất, tháo gỡ làm sao?
  • Luật Doanh nghiệp làm khó doanh nghiệp?
  • Cuối 2012 sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
  • Ôtô tạm nhập không tái xuất: Siết chặt quản lý
  • Dự thảo “Nội quy cảng biển thuộc địa phận tỉnh BR-VT”: Ai được lợi?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%