Tại Hội thảo góp ý xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại diễn ra ngày 6/9, các chuyên gia pháp luật đều cho rằng, Luật Trọng tài Thương mại (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2011) đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, đáp ứng nhu cầu thực tiễn Việt Nam và hội nhập với pháp luật Trọng tài thế giới.
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà
Phương thức trọng tài đang ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế và quen thuộc trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số vụ việc giải quyết bằng trọng tài trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Theo TS Nguyễn Minh Chí - Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), điều này có thể xem xét từ một số nguyên nhân: Thứ nhất, đây là hình thức xét xử mới, do việc tuyên truyền chưa được tốt, các doanh nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi về vai trò và tính ưu việt của trọng tài nên vẫn có thói quen lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam nói chung, pháp luật trọng tài nói riêng tuy đã dần được hoàn thiện nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa thực sự tương đồng với pháp luật quốc tế. “Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Trọng tài mới, tôi tin rằng tình hình sẽ có thay đổi theo hướng tích cực” – ông Chí khẳng định.
Phương thức của hội nhập
Luật Trọng tài Thương mại được ban hành trong điều kiện đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới, vì thế đã giúp cho Pháp luật về Trọng tài của Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế. Th.S Vũ Ánh Dương - Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) cho biết, điểm tiến bộ của Luật Trọng tài thương mại đó là mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài (lĩnh vực: thương mại, các bên: bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước).
Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài cũng được mở rộng. Hội đồng được ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, triệu tập nhân chứng, thu thập chứng cứ. Chính đó đảm bảo quá trình trọng tài được diễn ra nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn.
Sự ra đời của Luật Trọng tài thương mại khẳng định rằng khung pháp luật về trọng tài của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, đảm bảo phù hợp với pháp luật trọng tài thương mại quốc tế.
Có thể nói, các chuẩn mực của pháp luật trọng tài quốc tế đã được thể hiện trong Luật trọng tài thương mại. Luật trọng tài chắc chắn sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu góp phần thúc đẩy trọng tài phát triển. Các doanh nghiệp sẽ tin tưởng và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhiều hơn.
Hiện nay, tại Việt Nam có 7 Trung tâm trọng tài. Nhìn chung, tất cả các trung tâm trọng tài đều đầy đủ năng lực xét xử tất cả các loại vụ việc. Trong đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) được đánh giá là tổ chức trọng tài được thành lập sớm nhất và có số vụ tranh chấp được giải quyết nhiều nhất. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com