Rác thải nhập khẩu tại cảng Hải Phòng |
Rác là nhu cầu ?
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được NK qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của VN. Trong năm 2007, VN đã nhập tới 1 triệu tấn thép phế liệu, năm 2008 là 1,4 triệu tấn, năm 2009 là trên 2 triệu tấn, năm 2010 dự kiến sẽ nhập khoảng gần 4 triệu tấn. Đó là chưa tính tới khoảng gần 1 triệu tấn nhựa phế liệu, giấy phế liệu và nhiều loại phế liệu khác như đồng, nhôm, linh kiện điện tử...
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong mọi trường hợp khi bị phát hiện có liên quan tới rác NK, DN đứng tên nhận hàng đều không nhận trách nhiệm thuộc về mình. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước không đủ chứng cứ để kết luận, hay xử phạt DN. Và do thế, Nhà nước không thể tránh được việc buộc tiêu hủy rác NK ở trong nước thải. Có nghĩa là Nhà nước mất tiền (để tiêu huỷ), còn xã hội thì (về nguyên tắc) phải chịu tác động về môi trường do việc tiêu huỷ này gây ra.
Mặt khác, cách tiêu huỷ rác NK hiện nay là chôn lấp tại các bãi rác. Thế nên, không loại trừ kết quả rác này sẽ được móc lên ngay sau khi chôn lấp. Hay thậm chí được bán luôn tại nơi chôn lấp. Điểm tập kết cuối cùng của loại rác này chính là các cơ sở tái chế. Về bản chất, phế liệu chỉ là tên gọi quản lý, hay thương mại của rác thải đã qua phân loại, xử lý bước đầu. Sau khi NK, phế liệu sẽ qua xử lý ở quy mô công nghiệp để trở thành nguyên liệu tinh phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Nhìn từ điểm này và từ sản lượng NK để thấy, VN có nhu cầu thực sự với phế liệu. Do vậy, câu chuyện nhập rác, hay nhập phế liệu tại VN, sẽ quy về vấn đề đầu tiên: thế nào là rác cấm nhập, và thế nào là phế liệu được NK.
Kiểm soát cách nào ?
Tên tiếng Việt của Công ước Basel là công ước về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải độc hại và việc loại bỏ chúng. VN tham gia Công ước Basel từ ngày 13/3/1995. Và về cơ bản, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý xuất NK của VN được xây dựng trên cơ sở tham chiếu công ước này, có tính tới đặc thù của quốc gia. Thế nhưng, nếu như Công ước Basel là công ước về sự chủ động của các quốc gia tham gia trong giám sát, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại thì pháp luật VN rất bị động trong hoạt động này.
Cụ thể, pháp luật VN hiện quy định người nhận hàng có thể thực hiện thủ tục NK trong vòng 30 ngày kể từ ngày hàng về cảng. Và tổ chức, cá nhân chỉ phải thông báo cho cơ quan quản lý môi trường địa phương năm ngày trước khi vận chuyển phế liệu NK về kho, bãi tập kết. Điều này có nghĩa là các hoạt động kiểm soát, giám sát môi trường chỉ phát sinh sau khi phế liệu đã NK vào lãnh thổ VN. Trong khi đó, thì tại các hợp đồng ngoại, hoặc hợp đồng dịch vụ tạm nhập, tái xuất cái gọi là phế liệu sang nước thứ ba, bao giờ rác thải cũng được gọi là phế liệu.
Như vậy, chiểu theo các công ước về hàng hải thế giới và pháp luật về xuất NK của VN thì khi bị phát hiện phế liệu là rác thải, người nhận hàng (DN VN) hoàn toàn có quyền từ chối nhận hàng với lý do hàng không đúng với cam kết tại hợp đồng. Trong trường hợp ấy, dù pháp luật đã có quy định rõ là phải tái xuất, hoặc tiêu huỷ rác thải, thì cũng rất khó thực hiện, nếu không tìm được chủ hàng ban đầu (DN nước ngoài). Trong đa số trường hợp, cơ quan chức năng đều không tìm thấy chủ hàng ban đầu.
(Theo Hoàng Yến // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com