Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phù phép rút ruột tài sản nhà nước

Xưởng gỗ của Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên
Trong 9 năm lợi dụng chiêu bài được cấp chỉ tiêu thu mua, vận chuyển, cung ứng gỗ theo chương trình của Chính phủ, “bộ sậu” tại Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên đã hoá phép bán ra hơn 154.000 m3 gỗ, thu lợi bất chính…
 
Từ năm 1998 đến 2006, Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên thông qua Tổng công ty Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&TPNT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thu mua, vận chuyển gỗ tròn từ rừng tự nhiên để cung ứng, dự trữ đóng tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung. Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có văn bản đồng ý, giao UBND các tỉnh Tây Nguyên ra quyết định phân bổ chỉ tiêu cho Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên được mua gỗ ở các lâm trường với giá chỉ định.

Trong 9 năm, Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên được giao chỉ tiêu thu mua 215.054 m3 gỗ tròn tại các lâm trường của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, Công ty không thực hiện việc thu mua, cung ứng theo quy định, mà chỉ mua hơn 19.500 m3 đem về chế biến đồ gia dụng để kinh doanh. Còn hơn 154.000 m3, Công ty đã ký hợp thức 187 hợp đồng kinh tế mua gỗ tại 56 lâm trường, công ty lâm nghiệp thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên và 532 hợp đồng “bán sang tay” gỗ cho 209 cá nhân, doanh nghiệp. Trị giá của các hợp đồng được mua theo giá chỉ định là hơn 177 tỷ đồng, Công ty đã bán lại cho tư thương được gần 193,5 tỷ đồng, thu chênh lệch hơn 12,5 tỷ đồng.

Sau một thời gian điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của 8 bị can trong vụ rút ruột nêu trên. Cụ thể, Võ Hồng Huỳnh, Giám đốc Công ty cùng Ban giám đốc là Trần Quốc Trí, Phạm Thị Hồng Liên, Vũ Thị Lệ Quỳnh, Phạm Trọng Thi và 3 cán bộ phòng Kế hoạch và Phòng Kế toán đã thống nhất, tổ chức móc nối với các tư thương để “bán” quyền mua gỗ chỉ tiêu. 

Quá trình “hợp pháp hoá” số gỗ này diễn ra hết sức tinh vi. Ông Võ Hồng Huỳnh đã trực tiếp thoả thuận với các tư thương Bùi Văn Tài, Mai Trung Tâm, Nguyễn Minh Đông, Nguyễn Quang Vinh… bán quyền mua gỗ chỉ tiêu thu chênh lệch từ 40.000 đến 120.000 đồng/m3. Các tư thương hoặc cán bộ phụ trách tuyến sẽ liên hệ trực tiếp với những người mua gỗ, mang về Công ty hợp đồng kinh tế và phiếu thu tiền bán gỗ.

Phòng Kế hoạch dựa vào đó trình Võ Hồng Huỳnh ký hợp đồng mua gỗ với các lâm trường và soạn thảo hợp đồng bán gỗ cho khách hàng thể hiện số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua theo chỉ đạo trực tiếp của Huỳnh, rồi chuyển hợp đồng cho Phòng Kế toán. Căn cứ vào đó, Phòng Kế toán viết khống các loại hoá đơn, chứng từ như phiếu chi tiền mua gỗ, phiếu thu tiền bán gỗ, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho và xuất hoá đơn bán hàng…

Thực chất, Công ty không hề xuất tiền để mua gỗ chỉ tiêu từ các lâm trường và cũng không thu tiền bán gỗ của các khách hàng, không có kho bãi để chứa gỗ dự trữ, mà chỉ thu chênh lệch giữa hoá đơn tiền bán gỗ và hoá đơn tiền mua gỗ. Hậu quả là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung không hề được thụ hưởng chương trình nhân đạo của Chính phủ.

Điều hài hước là trong các tờ trình, báo cáo hằng năm gửi Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và các cấp, Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên luôn báo cáo “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đồng thời nêu hàng loạt thành tích về thu mua, cung ứng, dự trữ. Thậm chí, Võ Hồng Huỳnh liên tục nhiều năm được Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tặng bằng khen đạt danh hiệu Giám đốc giỏi, Bộ NN&PTNT tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác…

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, hành vi của các bị can trên đã phạm vào tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị truy tố 8 bị can với tội danh này. Quá trình điều tra xác định, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam không có sự thông đồng với Công ty để tư lợi, nên cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính.

Vụ việc sẽ được Toà án Nhân dân tỉnh Đăk Lăk đưa ra xét xử sau khi tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ án.

(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Khoáng sản sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách
  • Khó khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
  • “Dấu chấm hết” cho Indochina Airlines
  • 10 chiêu móc túi bằng công nghệ
  • Đặt tên doanh nghiệp: 1001 kiểu... không giống ai
  • Khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường
  • Nhà đầu tư khổ vì giấy phép “con”
  • Phiên đấu giá cố tình phạm luật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%