Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sửa Luật Lao động và Công đoàn: Hóa giải mâu thuẫn nội tại

Dự kiến ngày 18/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi) và Luật công đoàn. Đây được xem là một sự kiện quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tình hình quan hệ lao động (QHLĐ) trong thời gian tới. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoà Bình, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN xung quanh vấn đề này.

Ông Bình cho biết, trong chủ trương xây dựng pháp luật của Quốc hội, giữa Bộ Luật lao động và Luật công đoàn có mối quan hệ rất chặt chẽ, do vậy Quốc hội mới quyết định hai luật này được nghiên cứu bổ sung đồng thời. Khi thông qua sẽ đảm bảo được ý chí, nguyện vọng của cử tri, đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế - xã hội.

- Nhìn lại tình hình QHLĐ thời gian qua có thể thấy, mặc dù vấn đề hài hoà hoá mối quan hệ ba bên đã được chúng ta đề cập nhiều, song dường như trong các DN mâu thuẫn nội tại giữa các bên vẫn chưa thể hóa giải ?

Việc xây dựng QHLĐ hài hoà, ổn định trong DN chúng ta đã có Chỉ thị 22 của Ban bí thư. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo ráo riết. Các bên có liên quan đã có nhiều chương trình hành động, rõ nhất là Hội đồng quốc gia về QHLĐ đã có cơ cấu tổ chức, việc làm cụ thể thường xuyên. Phải thừa nhận, những hoạt động đó đã có những tác động nhất định, làm tình hình QHLĐ có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vấn đề QHLĐ vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm và đó cũng là biểu hiện của QHLĐ chưa được tốt.

Tôi thấy có nhiều nguyên nhân, trước hết là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Trước sự sống còn của DN, người sử dụng lao động (SDLĐ) thường nghĩ tới các biện pháp cắt giảm chi phí... khi cắt giảm lại không chú ý tới quyền lợi của người lao động (NLĐ). Điều này dẫn tới NLĐ cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm hại và họ sử dụng tới “vũ khí” đình công. Thứ hai, QHLĐ phải được thiết lập trên cơ sở sự thiết lập về trách nhiệm của mỗi bên. Điều này nhiều nơi chưa thiết lập được các cơ chế thoả thuận để xây dựng các thoả ước. Thứ ba, trong hoạt động của các DN hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt.

Hơn nữa, mặc dù đã có Hội đồng ở cấp quốc gia, nhưng ở cấp tỉnh thì lại chưa rõ. Đại diện người SDLĐ có nơi là VCCI, có nơi là Liên minh HTX... thành ra cơ chế ba bên ở cấp địa phương vẫn chưa sáng tỏ.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, hiện công đoàn không có chức năng đại diện cho NLĐ một cách độc lập, thưa ông ?

Trước hết, công đoàn cơ sở có chức năng đại diện cho NLĐ, đây là vấn đề đã được quy định rõ trong hiến pháp, Luật công đoàn, điều lệ công đoàn... Tuy nhiên, việc thể hiện quyền và nhiệm vụ này như thế nào đang có sự khác nhau giữa các công đoàn cơ sở. Tôi vừa đi thăm công đoàn của nhà máy Samsung VN tại Yên Phong (Bắc Ninh). Ở đây có trên 18.000 lao động, trong đó gần 10.000 đã vào tổ chức công đoàn. Bản thân ông TGĐ cũng cho rằng công đoàn là cầu nối quan trọng giữa người SDLĐ và đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nơi công đoàn làm việc chưa tốt, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của NLĐ cũng như chưa phản ánh kịp thời những mong muốn của NLĐ tới người SDLĐ.

Về mặt hình thức có thể nghĩ rằng NLĐ được bảo vệ, bênh vực nhiều hơn... nhưng còn có một nguyên nhân
sâu xa nữa là NLĐ chính là nguồn lực để thúc đẩy DN phát triển
 
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Trước hết, người làm công tác công đoàn đang hưởng lương của người SDLĐ, vì vậy việc thể hiện vai trò đại diện cho NLĐ sẽ rất khó khăn. Có nơi, bản thân công đoàn chưa có điều kiện vật chất tốt để làm việc. Ngoài ra, bản lĩnh để thực hiện thương lượng, đối thoại khi có vấn đề nảy sinh cũng chưa tốt.

Vì vậy, Tổng liên đoàn lao động VN cũng đang tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn cơ sở, nhất là vai trò của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

- Một trong những đỉnh điểm xung đột trong QHLĐ là đình công. Theo ông, đâu là căn nguyên khiến tình trạng đình công ngày một gia tăng ?

Trước hết, đình công là quyền của NLĐ đã được pháp luật lao động quy định. Ở góc độ công đoàn, chúng tôi chỉ xem đình công là vũ khí cuối cùng. Bởi thương lượng, đối thoại... mới là biện pháp tốt nhất.

Quốc hội và Chính phủ phải tìm ngay những giải pháp để thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đình công có nhiều nguyên nhân, nhưng thứ nhất phải nói tới là quyền lợi của NLĐ chưa được đáp ứng. Nhiều nơi NLĐ bị đối xử chưa tốt, thậm chí còn bị xúc phạm nhân phẩm. Nguyên nhân nữa là nhiều DN chưa thiết lập được quy chế nội bộ chặt chẽ thông qua cơ chế dân chủ. Bởi nếu đã thảo luận, thống nhất được để xây dựng cơ chế nội bộ tốt thì sẽ dẫn hướng hành động thống nhất trong DN giữa NLĐ và chủ SDLĐ. Hơn nữa, hiện nay quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ, Bộ Luật lao động đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung. Những quy trình giải quyết tranh chấp lao động, đình công... còn đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Thực tế trong tổng số các DN xảy ra đình công, chỉ có 20-30% là có tổ chức công đoàn, chứng tỏ vai trò của công đoàn chưa tốt. Nhiều nơi còn thiếu bàn tay kiểm tra, giám sát của các cơ quan có trách nhiệm.

- Thực tế, không chỉ DN, ngay cả NLĐ cũng chưa thực hiện đúng pháp luật về lao động khiến xung đột xảy ra. Nhưng còn vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước nữa, thưa ông ?

Tôi cho rằng vấn đề này rất quan trọng. Tổng liên đoàn đã đề nghị cần có thêm biên chế, chức danh của phòng lao động ở các quận, huyện vì hiện mảng quản lý này đang... hổng.

Một vấn đề nữa là các thiết chế phải đồng bộ với nhau, chẳng hạn, hiện nợ đọng BHXH rất nhiều nhưng BHXH chỉ biết đi thu và chi chứ không thể xử lý đơn vị có nợ đọng. Trong khi đó, để giải quyết và xử lý thì chỉ có cơ quan thanh tra về lao động. Ngoài ra, khi các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài DN, chẳng hạn như khủng hoảng kinh tế, thì những tháo gỡ, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành... rất quan trọng nhưng cần phải có trọng tâm, trọng điểm để thực sự giải quyết các vấn đề của DN, tránh những hỗ trợ tràn lan hoặc không giải quyết được dứt điểm.

- Nhưng hiện pháp luật lao động chủ yếu vẫn bảo vệ NLĐ, trong khi người  SDLĐ lại ít được nhắc tới. Điều này có thiếu công bằng, thưa ông ?

Tôi cho rằng QHLĐ là phải bình đẳng, người SDLĐ và NLĐ là hai chủ thể quan trọng. Tuy vậy, NLĐ luôn ở thế yếu, bởi họ chỉ có sức lao động. Trong quy định của pháp luật, Nhà nước cũng đã thấy được đặc điểm đó cho nên mới có quy định, thể chế về chính trị coi công đoàn là người đại diện cho NLĐ. Nếu nhìn về mặt hình thức có thể nghĩ rằng NLĐ được bảo vệ, bênh vực nhiều hơn... nhưng tôi nghĩ còn có một nguyên nhân sâu xa nữa là NLĐ chính là nguồn lực để thúc đẩy DN phát triển.

Vì vậy, theo tôi chăm lo cho NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN cũng là những quy chế pháp luật cần thiết.

- Theo ông, đẩy mạnh mối QHLĐ hài hoà giữa các bên cần những biện pháp như thế nào?

Nhìn về hình thức nhiều người nghĩ rằng VCCI và Tổng liên đoàn lao động “đối nghịch”. Một bên đại diện người SDLĐ, còn bên kia là đại diện cho NLĐ. Với mục tiêu chung là xây dựng kinh tế, do vậy sự phối hợp giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN là cần thiết. Thời gian tới, 2 bên cần rà soát lại quy chế phối hợp trước đây, để thúc đẩy sự hợp tác và làm cho mối QHLĐ ngày càng hài hòa, ổn định và bền vững hơn.

- Xin cảm ơn ông !

Áp lực lớn với quỹ bảo hiểm thất nghiệp

- Chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có gần 18.000 DN ngừng hoạt động và phá sản. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà đánh giá như thế nào về tình hình thực tại ?

Cù Thị Hậu - Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Đại biểu QH tỉnh Hưng Yên

Đây đang thực sự là thời kỳ khó khăn nhất trong sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Chưa bao giờ tốc độ phát triển quý I lại chỉ có 4% như năm 2012. Chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp từ những DN ngừng này. Nhưng nếu mỗi DN đó chỉ cần đẩy 10 người vào cảnh thất nghiệp sẽ cho thấy con số người lao động mất việc làm 4 tháng đầu năm lớn như thế nào. Đó là chưa kể các DN đang hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất.

Nhiều người thất nghiệp sẽ khiến quỹ bảo hiểm thất nghiệp khó chi trả hết theo quy định của pháp luật. Nếu năm 2010 cả nước có 190.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì năm 2011 có 336.000 người (tăng 77%), trong khi đó chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 172.000 người. Đây là vấn đề rất lớn đè gánh nặng lên vai quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2012.

- Vậy theo bà Chính phủ cần làm gì ?

Ngoài việc thực hiện đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời hạn đối với người lao động bị mất việc làm, nhất là các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm… Quốc hội và Chính phủ phải tìm ngay những giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chính phủ đưa ra các đề xuất hỗ trợ DN như gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tôi thấy là hợp lý. Cứu các DN, nhất là DNVVN chính là tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây được coi là giải pháp căn cơ.

Tuy nhiên, không thể tung tiền hỗ trợ cho các DN là xong, cần có chính sách đồng bộ. Cùng với việc hỗ trợ DN phải có những gói giải pháp cho sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, như vậy tiền hỗ trợ mới phát huy tác dụng.

- Bà dự báo thế nào về thị trường lao động trong thời gian tới ?

Điều đó phụ thuộc vào các gói hỗ trợ DN của Chính phủ có triển khai kịp hay không và hiệu quả đến đâu. Nhưng với xu hướng này tôi cho rằng thị trường lao động còn khó khăn nhiều khi mà số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể vẫn đang tăng.  

- Dự Luật lao động được thảo luận kỳ họp Quốc hội lần này đã ghi nhận rất nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt ở vấn đề độ tuổi.  Theo bà, cần có sự phân chia khu vực lao động không ?

Hơn 40 năm gắn bó với NLĐ ở các lĩnh vực tôi rất hiểu chúng ta đang thiếu điều gì. Ngay như quy định nghỉ thai sản trong Dự thảo Bộ Luật LĐ (sửa đổi), chúng ta phải hiểu người lao động nữ ở khu vực hành chính, văn phòng khác lao động nữ ở các khu công nghiệp, chế xuất… làm văn phòng họ có thể bớt thời gian để chăm con nhưng lao động tại khu công nghiệp không dám bớt thời gian vì sự bị đuổi việc.

Trong quy định về độ tuổi nghỉ hưu, theo tôi nên phân chia theo nhóm; Nhóm lao động khu vực thành phố, miền xuôi thì nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay; Nhóm của những người làm việc tại các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, hải đảo, lao động chân tay thì cần giảm độ tuổi nghỉ hưu thấp xuống; còn nhóm những nhà khoa học, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ… là những người có trình độ cao, tay nghề cao thì cần tăng độ tuổi nghỉ hưu.

- Xin cảm ơn bà !

(Phan Nam)

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Sai phạm từ... chỉ định thầu
  • Chuyển nhượng BĐS không kinh doanh: Tính thuế cách nào?
  • Phương án bịt “kẽ hở” quản lý
  • Gánh nặng từ phí công đoàn
  • Thu phí cà phê XK: DN khó “tâm phục, khẩu phục”
  • ATM Việt Nam: Miếng mồi ngon cho tội phạm quốc tế
  • Thiếu văn bản hướng dẫn, tắc ngay từ cửa khẩu
  • Phương án bịt “kẽ hở” quản lý
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%