Bà Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt. |
Thay đổi về luật đã giúp trọng tài thương mại Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị “trói tay trói chân”, nhưng vai trò của họ vẫn chưa được phát huy trong khi doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít tranh chấp khi làm ăn với nước ngoài.
Hiện cả nước có bảy trung tâm trọng tài thương mại nhưng có đến ba trung tâm chưa từng giải quyết vụ tranh chấp nào. Về vấn đề này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với bà Trương Thị Hòa, thạc sĩ luật học, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TPHCM (Tracent). TBKTSG Online: Khi làm ăn, doanh nghiệp nước ngoài thường chọn giải pháp trọng tài trong chấp thương mại, nhưng các con số ở trên cho thấy vai trò của trọng tài tại Việt Nam không được phát huy, tại sao như vậy? - Bà Trương Thị Hòa: Việt Nam cũng thành lập các trung tâm trọng tài thương mại giống như nước ngoài. Nhưng trước đây, quyết định của trọng tài không được đưa qua cơ quan thi hành án mà tự nguyện là chính, nên người ta thấy hiệu lực của các quyết định này là rất yếu. Tuy nhiên, hiện nay chính phủ đã sửa luật để quyết định của trọng tài có hiệu lực như bản án và sẽ đưa cho cơ quan thi hành án nếu các bên không tự nguyện thi hành. Ngoài ra, hoạt động của trọng tài hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa được sự hỗ trợ, như trụ sở làm việc.
- Tôi đồng ý với đánh giá là năng lực và uy tín của trọng tài của ta chưa có, vì thế trọng tài viên nên chú ý hơn về việc nâng cao năng lực. Việc chọn trọng tài viên có năng lực để hoạt động trong các trung tâm trọng tài cũng rất quan trọng.
Chúng tôi đã có phối hợp với các hiệp hội ngành nghề và các doanh nhân để giới thiệu về trung tâm trọng tài. Trung tâm cũng kết hợp để tổ chức các hội thảo giới thiệu về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế và giới thiệu về thành tích của các trọng tài viên, mặc dù còn rất ít.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong thương mại quốc tế, như việc thiếu hiểu biết về luật pháp và tập quán nước khác, nhưng đâu là nguyên nhân thường thấy?
Đó là những vấn đề làm cho hợp đồng không thể thực hiện theo cam kết, ví dụ như biến động về giá cả, sản xuất khiến không thực hiện kịp thời các điều khoản trong hợp đồng, và các yếu tố khách quan khác.
Nhưng cái chính là doanh nghiệp Việt Nam không có năng lực để giải quyết ngay từ đầu khi có khó khăn xảy ra. Giả sử, khi có thay đổi thời tiết, vụ mùa, biến động giá cả, doanh nghiệp phải chủ động thông tin cho đối tác và thương lượng trước khi có tranh chấp để đối tác kịp thời điều chỉnh các hợp đồng khác, như hợp đồng vận chuyển, kho bãi, để tránh thua lỗ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiếu kỹ năng trong đàm phán hợp đồng. Người ta đưa ra những điều kiện rất khắc nghiệt, trong khi đó mình lại không chủ động được trong việc thực hiện hợp đồng, lệ thuộc quá nhiều, khiến hợp đồng đổ vỡ. Ví dụ như không chủ động được nguồn hàng, khiến việc giao hàng chậm trễ.
Do đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ các đối tác của mình, xem xét tỷ lệ chủ động trong hợp đồng, hiểu rõ và đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng, căn cứ vào khả năng và yêu cầu của mỗi bên, rồi mới ký, tránh tình trạng ký bừa.
Xin cảm ơn bà.
(Theo Thu Nguyệt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com