Việc EU quyết định gia hạn thêm 15 tháng đối với thuế chống bán phá giá giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp càng thêm phần khó khăn. |
Cựu đại diện thương mại Mỹ Susan Schawab trong chuyến diễn thuyết mới đây tại Việt Nam đã khuyến nghị, Nhà nước nên đóng vai trò tích cực hơn nữa đối với các trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị phân biệt đối xử. Thậm chí, đừng e ngại việc khởi kiện!
Những tín hiệu lạc quan về sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu truyền thống khiến cho phác họa kinh tế 2010 mang màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, song hành vẫn là nỗi lo về sự bành trướng của chủ nghĩa bảo hộ.
Theo bà Susan Schwab, tính đến nay, trên toàn cầu có khoảng 200 biện pháp phân biệt đối xử và hơn 130 vụ việc đang được thực hiện. Những quốc gia dẫn đầu về phân biệt đối xử thương mại là Liên minh Châu Âu (EU), Nga, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Như vậy, với nền kinh tế hướng mạnh vào xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ của Việt Nam hiện nay, nguy cơ bị kiện ở nước ngoài là rất lớn, trong khi đó khả năng khởi kiện ở trong nước thì không cao bởi năng lực đáp ứng các điều kiện khởi kiện của các ngành sản xuất nội địa còn hạn chế. Thêm vào đó, thiệt hại trong các vụ kiện chống bán phá giá mà hàng hóa Việt Nam đã hoặc có nguy cơ phải đối mặt là có thật và rất lớn, trong khi nguy cơ thiệt hại từ việc hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam còn tương đối mơ hồ. Vì vậy, theo bà Susan Schwab, Việt Nam nên lựa chọn vị trí của bên bị kiện là chủ yếu trong quá trình tìm ra biện pháp thích hợp để giải quyết các rào cản thương mại.
Cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ
Kinh tế thế giới có dấu hiệu cải thiện không đồng nghĩa với việc “vũ khí” bảo hộ được xếp lại. Bà Susan Schwab thậm chí còn e ngại, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng, gây khó khăn trở lại cho phát triển thương mại toàn cầu.
Việc khởi kiện có thể mang lại giá trị gia tăng cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như nâng cao vai trò, uy thế của Chính phủ. |
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về những tác động mà Việt Nam phải gánh chịu từ chủ nghĩa bảo hộ của các nước. Mới đây nhất là việc EU quyết định gia hạn thêm 15 tháng đối với thuế chống bán phá giá giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam, bất luận Việt Nam đã nỗ lực chứng minh đây là quyết định bất công, thiếu công bằng, không khách quan, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam. Hàng trăm nghìn lao động - những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất sẽ phải trực tiếp gánh chịu tổn hại từ sự áp đặt đối xử này, đó là chưa kể chính doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu cũng chịu những tác động không nhỏ.
Cũng liên quan đến thị trường EU, từ 1/1/2010, xuất khẩu thủy sản của Việt nam vào đây sẽ gặp khó khăn hơn vì điều kiện chứng minh xuất xứ hàng hóa. Giới bình luận cho rằng, thực chất phía sau những đòi hỏi ngặt nghèo nói trên chính là việc dựng nên rào cản kỹ thuật với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, việc Hoa Kỳ áp dụng một số biện pháp trong việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam cũng đã tạo nên những khó khăn khá nghiêm trọng đối với người nông dân và doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam... Trong trường hợp muốn ngăn chặn các nguy cơ bảo hộ, theo bà Susan Schwab, Việt Nam cần tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khởi kiện yêu cầu chấm dứt các biện pháp rào cản áp dụng trái với nguyên tắc WTO, bởi các nước nhập khẩu là thành viên WTO.
Cơ hội theo kiện đến đâu?
Có thể nói, Việt Nam chưa có tiền lệ theo đuổi các vụ kiện như lời khuyến nghị của bà Susan Schwab. Hơn nữa, nếu theo suy luận thông thường, sẽ có không ít e ngại về tính khả thi của việc theo kiện giống như cách người ta thường ví von “con kiến mà kiện củ khoai”.
Để tìm hiểu khả năng, có thể hay không việc giải quyết rào cản theo con đường chính thống phù hợp với nguyên tắc của WTO, chúng tôi đã tìm đến luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ông Huỳnh nhìn nhận, chuyện nhà nước dùng tư cách nguyên đơn để vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên WTO là lựa chọn của nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, EU... Với Việt Nam, việc khởi kiện về vấn đề này hoàn toàn thích hợp, khả thi, chưa kể có thể mang lại nhiều lợi ích và giá trị gia tăng cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như nâng cao vai trò và uy thế của Chính phủ cả trong và ngoài nước. Dẫn chứng về vụ tôm, ông Huỳnh cho rằng, nếu Nhà nước đứng ra tiến hành các thủ tục tố tụng thắng lợi sẽ mang lại những lợi ích quan trọng. Trước hết, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng, nếu thắng kiện, thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với hiện tại, thậm chí là thoát khỏi thuế này. Chiến thắng này cũng có ý nghĩa với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung bởi việc các biện pháp tính toán bất lợi trong vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với Việt Nam được bãi bỏ sẽ mang lại những lợi ích đáng kể.
Cơ chế hợp tác 3 bên
Nhìn nhận một cách toàn diện về cơ chế giải quyết các rào cản thương mại, ông Huỳnh khẳng định, cần triển khai đồng bộ ba việc. Thứ nhất, xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp - đối tượng tham gia trực tiếp vào xuất khẩu, cần chuẩn bị sẵn sàng cho mình, bắt đầu từ những khâu ban đầu như sổ sách kinh doanh, hệ thống tài chính minh bạch... để có thể chứng minh được cũng như tự bảo vệ được mình trong các trường hợp gặp phải phân biệt đối xử.
Thứ hai, nếu các nước đưa ra những quy định đi ngược lại với nguyên tắc trong WTO đối với hàng hóa của Việt Nam, Chính phủ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đứng ra thương thuyết, đàm phán. Nếu những biện pháp này không đem lại kết quả thì Chính phủ cần xuất hiện chính thức với vai trò nguyên đơn. Muốn theo kiện hiệu quả, Chính phủ cần chú trọng khâu tham vấn. Một điều không thể không chú trọng, chính là việc Chính phủ chủ động tham gia kiến nghị sửa đổi những quy định không thích hợp hoặc bất cập của WTO, ông Huỳnh nhấn mạnh. Hiện nay, sửa đổi các nội dung của Hiệp định chống bán phá giá (Hiệp định ADA) của WTO là một trong những chủ đề được nhiều nước quan tâm trong vòng Đàm phán Doha. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề của hiệp định này và tham gia vào việc hình thành những nguyên tắc mới của hiệp định theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia, trong đó có quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Với tư cách đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội trong vấn đề giải quyết các phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ông Huỳnh nhấn mạnh, trong nhiều trường hợp, những cố gắng của doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa khi bản thân các quy định đã có những bất lợi cho họ. Do đó, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy đàm phán sửa đổi Hiệp định ADA là cơ hội để Nhà nước và doanh nghiệp cùng hợp tác vì quyền lợi chung của nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy đàm phán các sửa đổi theo hướng phù hợp với quyền lợi của Việt Nam.
Nhìn nhận về việc gia tăng vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác thương mại quốc tế, bà Susan Schwab gợi ý rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình trong việc nghiên cứu và đưa ra đề xuất đối với chính phủ. Từ góc độ trong nước, ông Trần Hữu Huỳnh lưu tâm đến tính thực chất trong việc tạo dựng mối quan hệ giữa 3 bên: Nhà nước – Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trong việc đưa ra những kiến nghị có giá trị. Một thông tin mới ông Huỳnh chia sẻ cùng Doanh Nhân là, từ năm sau, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sẽ được mời tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương - điều trước đây chưa từng có. VCCI được chọn làm đầu mối tổ chức thực hiện việc này. Đây sẽ là tiền đề cho việc Luật Ký kết các điều ước quốc tế bổ sung thêm điều về huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong các trường hợp liên quan đến hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Như vậy, từ vai trò là đối tượng thực hiện, lúc này doanh nghiệp đã thêm “vai” chủ động trong việc tạo dựng những chính sách tích cực cho môi trường kinh doanh tại quốc gia mình. Cộng thêm đó, một khi Nhà nước khẳng định sự xuất hiện chính thức của mình trong các vụ việc giải quyết phân biệt đối xử, có thể tin rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm thiểu được mối lo rào cản thương mại. Đó là điều mà bà Susan Schwab chốt lại và ông Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh trong cuộc gặp cùng Doanh Nhân.
(Theo Mặc San // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com