Chi cục Hải quan Hải Phòng vừa bắt giữ vụ buôn lậu 2 tấn ngà voi gây xôn xao dư luận. Cách đây không lâu, cũng tại cảng Hải Phòng, hơn 5 tấn ngà voi, vảy tê tê và mai rùa biển được bắt giữ. Một câu hỏi có nhiều cơ sở để đặt ra, liệu Việt Nam có phải là điểm trung chuyển ngà voi nói riêng, động vật hoang dã nói chung đến các nước khác?
Hàng tấn ngà voi đến VN rồi chuyển sang nước khác
Bà Nguyễn Bào Ngọc Vân, điều phối viên các dự án quốc gia, mạng lưới kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế các loài hoang dã (Traffic), thuộc Chương trình chung của WWF và IUCN cho biết, theo quan sát của các tổ chức về chống buôn bán động vật hoang dã thì Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm trung chuyển về buôn bán động vật hoang dã sang các nước khác.
Từ năm 2008 đến nay, có nhiều vụ bắt giữ với số lượng lớn ngà voi và tê tê tại cảng Hải Phòng. Đối tượng buôn bán động vật hoang dã sẽ từ cảng Hải Phòng vận chuyển bằng đường bộ sang Trung Quốc. 2 tấn ngà voi là một số lượng rất lớn, và có thể khẳng định Việt Nam không thể có nhiều ngà voi đến thế, Việt Nam chỉ là điểm trung chuyển. Số ngà voi này có khả năng lớn là có nguồn gốc từ châu Phi, vì đây là nơi có quần thể voi lớn nhất thế giới và nổi tiếng về những vụ việc buôn bán động vật hoang dã.
Bà Vân cho biết, thực tế nhu cầu tiêu thụ ngà voi trong nước không lớn, chủ yếu là sử dụng làm đồ trang sức nhỏ như ấn chiện, vòng đeo tay, nhẫn, khuyên tai, vòng cổ. Ở Việt Nam hiện cũng chưa có xưởng sản xuất nào chế tác phím đàn bằng ngà voi, mà chỉ làm những việc thủ công như chạm khắc vào đồ gỗ… Giá trị của 2 tấn ngà voi chắc chắn không thể đếm được bằng tiền, bởi chỉ 1 chiếc vòng tay nhỏ xíu không có trạm trổ tinh xảo gì, cũng có giá khoảng 2 triệu đồng trên thị trường Việt Nam.
Lượng ngà voi tính bằng tấn vừa bị thu giữ tại Hải Phòng |
TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Phòng động vật có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận định, số ngà voi này có nhiều khả năng có nguồn gốc ở Châu Phi, dựa trên đặc điểm phân bố loài. Ngà voi được buôn bán để sử dụng làm đồ trang sức mà phổ biến nhất ở Việt Nam và Trung Quốc là dùng làm con dấu.
Đặc biệt, ngà voi đã được cắt khúc như trong vụ mà Hải quan Hải Phòng bắt được, chắc chắn là để chế tác thành những sản phẩm này chứ không phải để trang trí. Việc Việt Nam trở thành điểm trung chuyển cũng là dễ hiểu do vị trí địa lý và những chế tài chưa chặt chẽ trong việc buôn bán động vật hoang dã.
Ngà voi không có tác dụng gì cho sức khỏe
Siêu lợi nhuận, hình phạt thấp… là lý do để tội phạm buôn bán động vật hoang dã ngày càng gia tăng. Người ta không từ một thủ đoạn nào để buôn bán một số loài hoang dã có giá trị hơn vàng. Thực tế, 100gram sừng tê giác đắt gấp rưỡi vàng. Nghịch lý là cũng với số lượng 100gram, nhưng là ma túy thì sẽ phải ngồi tù, còn sừng tê giác hay ngà voi thì chưa có trường hợp nào bị xử phải ngồi tù cả.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS Phạm Trọng Ảnh, ngà voi tuy đắt nhưng thực tế không có tác dụng gì đối với sức khỏe. Đeo vòng ngà voi tránh gió, phòng nhiễm độc… mới chỉ là những quan niệm dân gian truyền miệng, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng của nó. Xét về cấu tạo cơ học thì ngà voi thực chất chỉ là một chiếc răng. Nó không có tác dụng gì ngoài để trang trí, nhưng có lẽ càng cấm thì càng quý nên nó mới bị săn lùng. Lý giải vì sao ngà voi lại trở nên đắt như vậy là một câu hỏi không có lời giải đáp. “Sử dụng đồ bằng ngà voi với mong muốn chữa bệnh hoặc phòng bệnh là một quan niệm rất phi khoa học”, TS Ảnh nhấn mạnh.
Theo các điều tra của Traffic, những vụ việc bắt được này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về buôn bán động vật hoang dã. Những vụ việc tương tự như vậy trên thế giới cũng khá phổ biến. Buôn bán động vật hoang dã còn tiếp tay cho tham nhũng, vì thường có sự cấu kết với quan chức thì những chuyến hàng này mới trót lọt.
Hiện ở Việt Nam, quần thể voi vẫn bị xâm hại dù số lượng ít, dưới 150 con. Hiện có khoảng 13 đàn voi khác nhau, số lượng mỗi đàn khoảng trên dưới 10 con. Đây là một quần thể mỏng manh, không tự phát triển được. Việc săn bắn voi để lấy ngà ở Việt Nam là chưa khẳng định được, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có một vài cá thể bị chết. Voi ở Việt Nam phân bố chính ở Hà Tĩnh đến vùng Tây Nguyên, Đồng Nai và là loài động vật cần được bảo vệ.
Chiều 5/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu khu vực 2 (Cục Hải quan Hải Phòng) đã kiểm tra, phát hiện gần 2 tấn ngà voi chứa trong một container vận chuyển trái phép bằng tàu biển qua cảng Hải Phòng. Container có số hiệu MEDU 3435268, được vận chuyển từ Kenya (Châu Phi) trên tàu MSC SENTOSA (Hongkong), cập cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) ngày 28/4. Đơn vị làm thủ tục xuất nhập khẩu lô hàng là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thanh Long, có địa chỉ tại Móng Cái (Quảng Ninh). |
(Theo Tô Hội // Báo Bee.net.vn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com