Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vừa hở vừa gây khó

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Hàng loạt quy định bất hợp lý vừa tạo kẽ hở cho gian lận, tham nhũng, lại vừa gây khó khăn cho việc thực thi. Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại cuộc hội thảo về những vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức trong tuần qua.

Từ chuyện củi phế liệu, tóc phế thải...

Những khoản chi phí nào thì được khấu trừ khi tính thuế TNDN? Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, dẫn ra hai trường hợp dưới đây để thấy rằng việc xác định không hề đơn giản. Ví dụ, ở Đồng Nai có khu vực người dân sống bằng nghề xin phế liệu từ các xí nghiệp gỗ, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Thu nhập từ việc bán phế liệu gỗ có thể lên đến hàng chục triệu đồng/hộ/tháng. Thế nhưng, khi doanh nghiệp lập bảng kê thì cơ quan thuế không công nhận chi phí thu mua nói trên là hợp pháp. Tương tự, tóc phế thải xin từ các tiệm hớt tóc đưa về bán lại cho doanh nghiệp để chế tác thành sản phẩm xuất khẩu, chi phí thu mua này có được loại trừ khi tính thuế TNDN?

Theo quy định, khoản chi được xem là hợp pháp phải đáp ứng hai điều kiện, cụ thể là phải “thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” và “có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp”. Ông Nguyên Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Thương mại Độc Lập, cho rằng các điều kiện trên nghe có vẻ rất hay về mặt chữ nghĩa và chặt chẽ về mặt luật pháp nhưng để áp dụng thì vô cùng rắc rối. Vì cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn định mức hoàn chỉnh về chi phí cho các ngành, vùng kinh tế. Do vậy, việc xác định khoản chi đó có thực tế liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay không lại tùy thuộc vào sự đánh giá chủ quan của kế toán. Và để được công nhận là chi phí hợp pháp, doanh nghiệp phải tìm cách “thỏa hiệp”, “thông đồng” với cán bộ quản lý của Nhà nước. Từ đó, tạo điều kiện cho tiêu cực, nhũng nhiễu...

Một hệ quả nữa không kém phần tai hại, theo ông Nghĩa, là để đáp ứng yêu cầu của pháp luật, các doanh nghiệp đua nhau truy tầm hóa đơn bằng mọi giá nhằm hợp pháp hóa những khoản chi không có hóa đơn, chứng từ. “Nói chung, việc gian lận đã trở thành hợp pháp và được khuyến khích”, ông Nghĩa nói.

Việc chi lương, thưởng cao ở một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ cũng là vấn đề gây bức xúc. Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, cho biết có tổng công ty nhà nước trả lương cho nhân viên mấy chục triệu đồng/người, tiền thưởng Tết trên dưới trăm triệu đồng/người, nhưng báo cáo tài chính cuối năm của doanh nghiệp đó lại lỗ hàng trăm tỉ đồng! Theo ông Anh, đây là những khoản thu nhập hết sức bất hợp lý và cần phải có quy định theo hướng loại chúng ra khỏi chi phí đối với những doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ nặng.

Văn bản hướng dẫn “đá” luật!

Trong khi có những khoản chi thoải mái thì có những khoản chi pháp luật lại quá khắt khe. Ví dụ như hàng hóa bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, do quá trình sinh hóa tự nhiên; chi tài trợ cho giáo dục (ngoài hệ thống giáo dục quốc dân); chi tài trợ cho các đối tượng xã hội (ngoài hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ); phần bù chênh lệch do tỷ giá thay đổi... vẫn chưa được công nhận là chi phí được khấu trừ khi tính thuế TNDN.

Đặc biệt, phần chi trang phục cho người lao động hiện bị Thông tư 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính khống chế ở mức không được vượt quá 1 triệu đồng (nếu chi bằng tiền) hoặc 1,5 triệu đồng (bằng hiện vật), theo nhiều đại biểu, là quá lạc hậu trong tình hình hiện nay. Mặt khác, theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Đăng Minh Quang, quy định này trái với Luật Thuế TNDN và Nghị định 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ, vì luật và nghị định không khống chế.

Cũng liên quan đến thông tư nói trên, luật sư Nguyễn Hữu Hoài, Công ty Russin & Vecchi, cho rằng không cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với phần mở rộng của các dự án đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường, nâng cao năng lực sản xuất... là vô lý. Mặt khác, khi xin giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin ước lượng sản phẩm mà mình sẽ sản xuất trong bộ hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động các số liệu ước tính ban đầu đã không còn chính xác và doanh nghiệp cần tăng sản lượng lên nhiều hơn. Nếu căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính thì phần thu nhập do tăng lên này lại không được hưởng ưu đãi mặc dù doanh nghiệp vẫn giữ nguyên dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, theo luật sư Trần Xoa, còn có khá nhiều quy định hướng dẫn trái luật, gây khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, tiền công, tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Mặc dù Luật Thuế TNDN không đề cập nhưng tại Thông tư 130/2008/TT-BTC, Bộ Tài chính lại quy định đây là chi phí không được phép loại trừ khi tính thuế TNDN. Hoặc, theo Luật Thuế GTGT thì thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 5%. Tuy nhiên, đến Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không rõ vì sao lại bị loại bỏ khỏi đối tượng chịu thuế GTGT. “Quy định này đã gây rất nhiều lúng túng cho các bệnh viện”, ông Xoa nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Cải cách hành chính: Nhiều doanh nghiệp chưa thể cảm nhận
  • Luật Đất đai cần sửa những nội dung gì?
  • Luật lại đợi nghị định!
  • Ngại khiếu nại vì sợ thua!
  • Giá sữa - thuốc chữa bệnh: Doanh nghiệp 'lách' luật, quản lý bó tay
  • Kiểm soát các sàn giao dịch BĐS: Phạt nặng nhiều đại gia
  • Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền (Bài 2)
  • Kinh doanh bằng “quan hệ” hay bằng pháp luật? (Bài 1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%