Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu. Ảnh:TTXVN |
Thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế trước những thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, tại phiên chất vấn sáng 19/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng thời gian tới.
“Tệ nạn tham nhũng ngày càng tỏ ra tinh vi, phức tạp, trong khi nhiều vụ tham nhũng lớn bị phát hiện lại rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột. Có vẻ như Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng do Thủ tướng là Trưởng ban hoạt động không quyết liệt như ban đầu”, đại biểu Lê Văn Cuông “mở hàng” phiên chất vấn rất thẳng thắn.
Đáp lời, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, tất cả các bộ ngành, tổ chức chính trị và nhân dân đã có nhiều hành động quyết liệt trong công tác chống tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, nên tệ nạn này vẫn diễn ra phức tạp, việc điều tra, xử lý vẫn còn hạn chế.
“Trong thời gian tới, Chính phủ cùng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương sẽ tiếp tục kiên trì, tăng cường tính công khai minh bạch trong chống tham nhũng, chỉ đạo xử lý kiên quyết những vụ án tham nhũng để hạn chế tối đa tệ nạn này”, Thủ tướng khẳng định.
“Việc Chủ tịch UBND các tỉnh lại kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng ở địa phương có vẻ bất hợp lý khi “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thực tế, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhất định không xử lý triệt để một vụ án của Công ty Sông Lô khi chính Thủ tướng đã 5 lần có công văn chỉ đạo. Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến về việc này”, đại biểu Cuông truy tiếp.
Theo Thủ tướng, việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng địa phương đã được Chính phủ và cả Quốc hội thảo luận kỹ. “Thế nào là vừa đá bóng, vừa thổi còi phải được bàn thảo luận, xem xét cẩn thận. Các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương đều mới được thành lập, do vậy không tránh khỏi những thiếu sót do chưa có nhiều kinh nghiệm. Những hạn chế sẽ được rút kinh nghiệm và chỉnh sửa dần mới đáp ứng được yêu cầu”.
Riêng vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang bất tuân chỉ đạo, Thủ tướng hứa sẽ xem xét và chỉ đạo xử lý triệt để.
Cũng liên quan đến phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng về vụ án Công ty PCI (Nhật Bản) hối lộ quan chức ViệtNamtại dự án đại lộ Đông Tây (TP.HCM).
“Vụ án này cho thấy bắt đầu xuất hiện tình trạng quan chức nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nước ngoài trong khi quá trình xử lý cho thấy, hệ thống chế tài pháp luật của chúng ta còn thiếu nhiều điều khoản về mục này. Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo gì để khắc phục điều này”.
“Cả vụ PCI cũng như nghi án hối lộ của một Công ty của Australia hối lộ quan chức Việt Nam để được in tiền polyme tôi đều có chỉ đạo trực tiếp các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý”, Thủ tướng đáp lại.
Việc thu thập thông tin, xử lý được tiến hành rất nghiêm túc, thận trọng theo đúng pháp luật ViệtNam, dựa trên những chứng cứ phía ViệtNamcó, cũng như phía nước bạn cung cấp. Những vấn đề phát sinh, thiếu sót trong hệ thống pháp luật thấy được qua các vụ án trên sẽ được nghiêm túc xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhiều vấn đề thời sự được các đại biểu Quốc hội đề cập trong các buổi chất vấn các
thành viên Chính phủ và Thủ tướng. Ảnh: TTXVN
Đặt vấn đề về chất lượng các khu kinh tế cửa khẩu, đại biểu Lê Như Tiến chất vấn: “Đích thân Thủ tướng là người ký quyết định thành lập tất cả các khu kinh tế cửa khẩu, nhưng hàng năm đều không có báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động. Đề nghị Thủ tướng đánh giá vai trò của mình trong việc thành lập các khu kinh tế cửa khẩu cũng như điều hành kinh tế vùng”.
“Việc thành lập các khu kinh tế cửa khẩu đều được nghiên cứu kỹ, dựa trên quy hoạch các khu kinh tế vùng giai đoạn 2001-2010 cũng như đến 2015. Đến nay, các khu kinh tế đa phần đều tỏ ra hiệu quả trong việc phát triển kinh tế các địa phương”, Thủ tướng khẳng định.
“Nhưng tại các khu kinh tế cửa khẩu đang có tình trạng cát cứ, cạnh tranh không lành mạnh, ưu tiên đầu tư không minh bạch. Quan điểm cũng như chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào”, đại biểu Tiến hỏi tiếp.
“Tôi có nghe về điều này. Đúng là có tình trạng một số dự án phải điều chỉnh do lãng phí, kém hiệu quả”, Thủ tướng thừa nhận. Chủ trương trong việc cấp phép đầu tư đã được phân quyền cho địa phương, họ chủ động trong việc này. Đa số dự án đều phát huy hiệu quả kinh tế, nhưng một số ít dự án không phù hợp, phải điều chỉnh.
“Tuy nhiên, không phải vì một số ít mà bỏ qua, không quan tâm. Chính phủ sẽ có những chỉ đạo sát sao hơn trong việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép dự án trong thời gian tới để hạn chế tối đa những thiếu sót này”.
Xoay vấn đề sang gói kích cầu hỗ trợ nông dân mua máy móc sản xuất, đại biểu Lê Thị Dung chất vấn về trách nhiệm của các bộ, ngành việc hỗ trợ quá chậm, thủ tục quá nhiêu khê khiến nông dân không thể tiếp cận được vốn.
Về việc này Thủ tướng, thừa nhận chính sách này được ban hành chậm do tháng 4 mới ra đời, trong khi tháng 9 Bộ Công thương mới có hướng dẫn. Thủ tướng hứa sẽ chỉ đạo khắc phục những thủ tục rườm rà để người dân có thể vay vốn dễ dàng hơn. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu, chuẩn bị ban hành Nghị định mới về vay vốn hỗ trợ lãi suất cho nông dân, qua đó người dân sẽ có nhiều điều kiện vay vốn thuận lợi hơn.
(Theo Diệu Thanh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com