Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin và coi đó như việc thường ngày để quyền dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra được đảm bảo.
Nếu không có gì thay đổi, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2010 và sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2013. Tuy nhiên, thực tế xây dựng luật tại các nước cho thấy có thể đưa luật vào thực tế chỉ trong vòng 1 năm sau khi xây dựng.
Quyền tiếp cận thông tin
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin vừa được Bộ Tư pháp đưa ra tại Hội thảo quốc tế về xây dựng luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam, bao gồm 5 chương và 34 điều. Trong đó có nêu các đối tượng có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo hai phương án, trong đó phương án hai áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, cơ quan tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, trừ tổ chức chính trị.
Và mọi cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền tiếp cận thông tin theo quy định của luật này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm: quyền xem, nghe, đọc ghi chép, sao chép và quyền nhận bản sao, bản chụp.
Về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin được quy định tại chương III trong đó có các điều yêu cầu tiếp cận thông tin, yêu cầu tiếp cận thông tin bằng lời nói, thông báo về việc không có thông tin theo yêu cầu, quyết định việc tiếp cận thông tin, từ chối yêu cầu tiếp cận thông tin, thời hạn giải quyết yêu cầu tiếp cận thông tin và chi phí tiếp cận thông tin.
Điều đáng lưu ý là người yêu cầu tiếp cận thông tin có thể khiếu nại, khiếu kiện trong các trường hợp bị từ chối tiếp cận thông tin, quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu...
Trong một báo cáo về kết quả của nhóm chuyên gia khảo sát thực tiễn tại địa phương về thực thi quyền được thông tin nhằm mục đích xây dựng Luật tiếp cân thông tin cho biết: Hầu hết các phiếu điều tra đều cho rằng, các cán bộ rất lúng túng khi gặp những trường hợp yêu cầu phải được cung cấp thông tin. Phần lớn họ đều chuyển yêu cầu lên cấp trên. Hiện tượng đóng dấu mật lên các công văn giấy tờ không thuộc phạm trù mật còn tràn lan.
Mặc dù đã có những quy định đơn lẻ về việc cung cấp thông tin cho nhân dân ở các văn bản pháp luật đơn ngành, nhưng hầu như các công chức không coi việc cung cấp thông tin là trách nhiệm của họ, bởi một lẽ đơn giản rằng việc cung cấp thông tin không phải nhiệm vụ chính của việc thực hiện chính sách được quy định trong các văn bản nói trên.
Báo cáo còn cho biết, rất ít người dân biết quyền họ được cung cấp thông tin có liên quan đến cuộc sống của họ. Cán bộ, công chức và thủ trưởng cơ quan đều không quen với thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin vì thế, quyền được thông tin của người dân mặc dù được quy định không có điều kiện thực thi...
Từ những thông tin này, nhóm khảo sát đã đi đến kết luật rằng: Cần thiết phải có Luật Tiếp cận thông tin quy định quyền của người dân được tiếp cận các thông tin, để họ tự bảo vệ quyền và tài sản của chính mình.
Ông Ngô Trung Thành, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội), cho biết vấn đề tiếp cận thông tin đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, các quy định này chưa toàn diện và không đầy đủ. Còn nhiều nội dung chưa được quy định, nhất là về trình tự, thủ tục để cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp cận thông tin.
Vì vậy, công dân cũng không biết là mình có quyền được tiếp cận thông tin hay không. Ngược lại, các cơ quan nắm giữ thông tin cũng không có cơ sở để công bố thông tin, cung cấp thông tin cho những người quan tâm...
Cũng theo ông Thành, để các quy định về tiếp cận thông tin có thể điều chỉnh được trong các lĩnh vực khác nhau, bao quát hết được phạm vi của các văn bản hiện hành đang điều chỉnh về vấn đề tiếp cận thông tin, thì đòi hỏi phải có một văn bản có đủ hiệu lực pháp lý điều chỉnh các nội dung về tiếp cận thông tin.
"Văn bản đó chỉ có thể là Luật Tiếp cận thông tin", ông Thành kiến nghị.
Tồn tại những tranh cãi
Thế nhưng vấn đề đặt ra là việc xác định những nội dung nào sẽ được quy định tại Luật tiếp cận thông tin, những nội dung nào có thể để lại quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành?! Trước tiên là mối liên quan giữa Luật tiếp cận thông tin với các văn bản pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo ông Thành, Luật Tiếp cận thông tin cần có điều khoản quy định "Luật này không áp dụng đối với các thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước".
"Vì vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước không chỉ đơn thuần liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân mà nó còn liên quan đến các vấn đề khác như mức độ bí mật, mức độ bảo mật, việc giải mật, các phương thức nhằm bảo mật thông tin...", ông Thành giải thích.
Tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất về cách quy định giữa Luật tiếp cận thông tin với các văn bản quy định về vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước thì sẽ rất khó xác định được nội dung nào là nội dung thuộc về bảo vệ bí mật nhà nước để xác định những nội dung nào mà người dân được phép tiếp cận.
Đồng quan điểm, ông Thái Vĩnh Thắng, quyền Chủ nhiệm Khoa Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu lên sự mâu thuẫn giữa quan niệm bí mật của nhà nước và quan niệm bí mật của người dân.
"Có vấn đề nhà nước bảo đó là thuộc bí mật nhà nước không thể cung cấp thông tin nhưng dân lại cho rằng đó không phải là bí mật". Vấn đề này cần được xây dựng và quy định rõ trong Luật Tiếp cận thông tin", ông Thắng nói.
Theo ông Thành, Luật Tiếp cận thông tin có nhiệm vụ phân loại được các loại thông tin, bao gồm thông tin phải được công bố công khai, rộng rãi, thông tin được tiếp cận có điều kiện, thông tin được tiếp cận theo yêu cầu...
Còn nhiệm vụ của các văn bản pháp luật chuyên ngành là xác định cụ thể thông tin nào ứng với các loại thông tin theo phân loại của Luật tiếp cận thông tin, xác định được các điều kiện cụ thể trong việc tiếp cận đối với các thông tin được tiếp cận có điều kiện...
(Theo ĐĂNG HUÂN // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com