Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cố ý gây thương tích hay giết người?

Vụ “Đại gia dùng xe hơi cán người” đã được TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử sơ thẩm (Tuổi Trẻ ngày 8-12). Việc bị cáo Phạm Quang Minh chỉ bị truy tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích đang được dư luận hết sức quan tâm, bởi lẽ những tình tiết, hành vi trong sự việc thể hiện giống như một vụ án giết người.

Bạn đọc đã gửi hàng trăm ý kiến phản hồi về Tuổi Trẻ, cho rằng mức án (10 năm tù) dành cho bị cáo là quá nhẹ và không đúng tội danh. Trước khi có vụ án “điển hình” nói trên, dư luận cũng từng đặt vấn đề trong những vụ án có tính chất tương tự, sao người thì “bị” xử tội giết người, kẻ lại “được” xét xử theo tội cố ý gây thương tích.

Nạn nhân Lê Ngọc Hồ bị liệt hai chân, ngồi xe lăn đến tòa - Ảnh: T.L.H

Phải chăng giữa hai tội danh này không có sự phân biệt rõ ràng, khiến các cơ quan thi hành tố tụng muốn “xử sao cũng được”? Trang Pháp luật & cuộc sống xin giới thiệu ý kiến của hai luật sư Trương Thị Hòa và Nguyễn Tiến Tài.

Hai tội này khác nhau thế nào?

Mấy ngày qua dư luận bàn tán, cho rằng lẽ ra phải xử lý bị cáo Phạm Quang Minh về tội giết người mới đúng với bản chất sự việc. Vậy hai tội cố ý gây thương tích và giết người khác nhau thế nào?

“Cố ý gây thương tích” là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương. Về hình thức thì hành vi cố ý gây thương tích cũng giống như hành vi giết người nhưng tính chất nguy hiểm thấp hơn, chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương chứ không muốn làm chết nạn nhân.

Đối với tội cố ý gây thương tích, căn cứ theo tỉ lệ thương tật của nạn nhân mà định tội nặng nhẹ. Tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên (khoản 3, điều 104 Bộ luật hình sự) thì bị phạt tù 5-15 năm. Trường hợp phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù 10-20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

“Giết người” là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Nếu nạn nhân may mắn thoát chết là ngoài ý muốn của người phạm tội. Đối với tội này, Bộ luật hình sự có hai khung hình phạt: khoản 1, điều 93 (tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) đối với các trường hợp như giết nhiều người, thực hiện tội phạm một cách man rợ, có tính chất côn đồ, có tổ chức, vì động cơ đê hèn... Còn khoản 2 (tù 7-15 năm) là những trường hợp giết người không có những tình tiết nói trên. Như vậy giết người là loại tội rất nghiêm trọng (khoản 2) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1).

Trong vụ việc này, theo chúng tôi, nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật cần hết sức được quan tâm xem xét, căn cứ vào các chứng cứ đã được thu thập từ giai đoạn điều tra vụ án theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.


Không khó phân biệt

Tội cố ý gây thương tích và tội cố ý giết người là hai tội có những dấu hiệu khác nhau căn bản, trong đó có dấu hiệu về mặt chủ quan.

Mặt chủ quan của cả hai tội này đều giống nhau ở chỗ hành vi được thực hiện một cách cố ý, người phạm tội ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước và mong muốn hậu quả sẽ xảy ra. Hậu quả đối với tội cố ý gây thương tích là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe nạn nhân (có thể kể cả hậu quả dẫn đến chết người), còn với tội cố ý giết người đó là sự chết người.

Trong vụ án nói trên, theo cáo trạng, lúc đầu bị cáo Phạm Quang Minh “đạp chân côn, chuyển cần số sang vị trí số 1 rồi thả côn đạp chân ga cho xe tung thẳng vào người ông Hồ”, tiếp sau đó “khi thấy ông Hồ vắt người trên nắp capô thì Phạm Quang Minh đạp thắng cho xe dừng lại đột ngột nên theo quán tính ông Hồ bị rơi từ đầu capô xuống đất ngay trước đầu xe trong tư thế ngã nằm ngửa (người nằm dọc trên nền đất so với vị trí xe, chân hướng về phía đầu xe). Phạm Quang Minh cho xe lùi lại phía sau khoảng 1m, sau đó chuyển về số 1 cho xe chạy thẳng qua người ông Hồ”.

Với mô tả trên, có thể nhận định rằng tội giết người đã được hoàn thành ngay khi bị cáo cho xe tông thẳng vào người nạn nhân. Phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích không phải dễ, nhưng trong trường hợp này ý chí mong muốn tước đoạt mạng sống người khác của bị cáo đã thể hiện rất rõ ràng, khó có thể biện hộ.

Bởi lẽ ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ và hành vi lao xe thẳng vào người nạn nhân, nhất là trong trạng thái cần số xe đang ở vị trí số 1, hoàn toàn có thể gây ra hậu quả làm chết người, bị cáo không thể không ý thức được điều đó.

Hơn thế nữa, bị cáo còn cho xe đột ngột dừng lại cho nạn nhân rơi xuống và lùi xe lại rồi tiếp tục cán qua người nạn nhân. Hành vi này chỉ càng khẳng định thêm quyết tâm giết người đến cùng của bị cáo.

Tòa và Viện Kiểm sát khác quan điểm

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận: “Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị can Phạm Quang Minh có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra thế nào cũng được, do vậy việc ông Lê Ngọc Hồ chỉ bị thương nên xử lý Phạm Quang Minh về tội cố ý gây thương tích là phù hợp”.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7-12, cả ba vị trong hội đồng xét xử gồm thẩm phán chủ tọa và hai hội thẩm nhân dân đều nhận định hành vi của bị cáo Minh phải truy tố tội danh giết người mới đúng người, đúng tội.

Các thương tật của nạn nhân Lê Ngọc Hồ là chấn thương ngực, cột sống, sây sát ngực trái, gãy xương sườn từ số III đến số VII, tràn máu màng phổi, gãy hai đốt sống thắt lưng, rách màng tủy lộ nhiều rễ thần kinh, liệt hai chân do liệt tủy, trật khớp và gãy xương ngành ngồi, gãy xương mu... Tỉ lệ thương tật 88,78%.

Tuy nhiên, cuối cùng tòa đã áp dụng quy tắc giới hạn xét xử, tức Viện Kiểm sát truy tố đến đâu tòa xử đến đó.

 

(Theo Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI- Luật sư Trương Thị Hòa // Binhthuan Online)

  • Nhiều mâu thuẫn và thiếu cơ sở khoa học
  • Luật hóa y đức để hạn chế "phong bì"
  • Sửa hai luật thuế, có nên tiếp tục?
  • Chênh lệch định giá lại tài sản phải chịu thuế
  • Tòa kiến nghị truy tố Phạm Quang Minh tội giết người
  • Hà Tĩnh: Ngâm tiền đền bù của dân không trả
  • Phạt nặng những quảng cáo sai quy định
  • Cấm quảng cáo trên xe buýt: Trái luật!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%