Bức xúc vì không được ký hợp đồng lao động, cộng với việc bị quản lý phân xưởng đối xử hà khắc, sáng 23-11, toàn bộ (gần 70 công nhân tại chi nhánh 2, Công ty TNHH Cholen (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã ngừng việc và đòi thôi việc tập thể. Càng về cuối năm, tình hình tranh chấp lao động trên địa bàn TPHCM càng có chiều hướng “nóng lên”, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) tìm cách cắt giảm tối đa quyền lợi, chế độ của người lao động (NLĐ).
Theo phản ánh của tập thể công nhân (CN), chi nhánh này đã hoạt động được khoảng 4 tháng. Lúc tuyển dụng, công ty hứa sau 1 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công ty vẫn không ký hợp đồng với bất kỳ CN nào và cũng không giải thích lý do. Mới đây, công ty lại đề ra một quy định mới: Chỉ cho CN tăng ca ăn cơm vào lúc 18 giờ mỗi ngày, thay vì 16 giờ 30 như trước đây. Vì thời gian ăn trễ, CN không đủ sức tăng ca.
Thế nhưng, khi tổ trưởng đại diện tập thể CN xin ban giám đốc xem xét lại thì bị vị quản lý người Hàn Quốc la mắng và đuổi tất cả CN ra ngoài. Ngày 21-11, khi CN tới công ty làm việc thì bị bảo vệ khóa cửa không cho vào. Những người đại diện chi nhánh còn đem hồ sơ trả cho CN và thông báo cho số CN trên thôi việc. Quá bức xúc, tập thể CN kéo lên trụ sở chính của công ty, xin được gặp lãnh đạo công ty thì lại được nghe tuyên bố: Công ty không cần những CN ở chi nhánh 2 nữa. Vị quản lý chi nhánh 2 còn khẳng định sẽ không chi trả tiền lương cho những ngày CN ngừng việc.
Cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn ghi nhận nguyện vọng đòi quyền lợi của công nhân Công ty TNHH Cholen sáng 23-11. |
Làm việc với các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn trưa cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thìn, kế toán kiêm phụ trách nhân sự công ty, cho biết sở dĩ công ty không ký hợp đồng lao động là do chi nhánh mới thành lập, chưa ổn định sản xuất. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác nhận trong 4 tháng hoạt động thì công ty đã có đơn hàng đều, thậm chí có tổ chức tăng ca. Ông Lê Văn Vũ, cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn cho biết, dù đã tuyển dụng CN, tổ chức sản xuất nhưng chi nhánh vẫn chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, không thành lập công đoàn cơ sở. Quá bức xúc, tập thể CN cho biết sẽ thôi việc.
Trước đó, ngày 17-11, hơn 1.000 CN Công ty Kyung Rhim Vina (ngành may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, quận Bình Tân, TPHCM) đã ngừng việc do công ty trả lương trễ. Ngày 6-11, gần 140 CN Công ty TNHH Nhất Liên Minh (quận Bình Tân, TPHCM) đã ngừng việc do công ty thỏa thuận trả lương 60.000 đồng/ ngày nhưng khi đến kỳ lãnh lương thì chỉ trả theo mức lương cơ bản là 912.000 đồng/người/tháng. Cũng trong ngày 6-11, toàn bộ CN thuộc phân xưởng ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân của Công ty TNHH Hữu Tường đã ngừng việc do công ty trả lương trễ, tăng ca quá thời gian quy định. CN không làm còn bị trừ 50.000 đồng/ người.
Theo thống kê mới nhất của LĐLĐ TPHCM, tính đến giữa tháng 11-2009, toàn TP đã xảy ra 75 vụ ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chính dẫn đến ngừng việc vẫn là do DN vi phạm chế độ về tiền lương. Có đến trên 90% các vụ ngừng việc liên quan đến tiền lương: nợ lương, chậm điều chỉnh mức lương; lương quá thấp, trả lương làm thêm không đúng quy định, cắt phụ cấp...
Thống kê của LĐLĐ TP cũng cho thấy, 90% số vụ ngừng việc xảy ra ở ngành may mặc, giày da. Trong điều kiện vật giá tăng cao như hiện nay, mức lương thực lãnh của CN vẫn quá thấp. Theo báo cáo của LĐLĐ các quận huyện, thu nhập bình quân của CN các ngành thâm dụng lao động như giày da, may mặc chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thực tế của NLĐ bị giảm sút trong khi giá sinh hoạt; đặc biệt là chi phí thuê nhà, điện, nước đã tăng 20%-30%.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ LĐLĐ quận huyện lo lắng nguy cơ tranh chấp lao động có chiều hướng tăng mạnh từ đây đến cuối năm. Theo ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp CĐ theo sát, nắm tình hình ở từng DN, nhất là giám sát việc trả lương, thưởng cuối năm để kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho NLĐ và giới chủ, vận động NLĐ chia sẻ khó khăn với DN, cùng DN vượt qua khó khăn
(Theo SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com